Hà Nội cắt giảm 55 phòng ban, 171 trưởng phó phòng

Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, tính đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã giảm 55 phòng ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp và giảm 171 trưởng phó phòng ban.

Chiều 17/9, đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ở khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội của thành phố, sau sắp xếp đến nay đã giảm được 9 đầu mối phòng, ban; giảm 9 đơn vị sự nghiệp; giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban, giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Hà Nội cũng đã hợp nhất Đảng bộ Khối doanh nghiệp và Đảng bộ Khối du lịch, từ 5 Đảng bộ Khối giảm được 1 đầu mối, còn 4 Đảng bộ Khối trực thuộc Thành ủy.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội
Về khối các cơ quan trực thuộc UBND TP Hà Nội, đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn 22/22 Sở và tương đương. Sau sắp xếp, đã giảm được 46 phòng ban so với hiện tại, giảm thêm 6 phòng so với Thông tư liên tịch, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng.

Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sau rà soát, sắp xếp đã giảm từ 401 xuống còn 208 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%). Đến nay, qua rà soát, sắp xếp, toàn thành phố đã giảm được 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 trưởng phòng, ban, 136 phó phòng, ban.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, thành phố sẽ đảm bảo không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Hà Nội sẽ kiên quyết sắp xếp, hợp nhất, giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lại các đơn vị theo hướng giảm chi ngân sách, tăng dần tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí.

Tính trong năm 2016, Hà Nội giảm 1,5% biên chế công chức được giao (141 biên chế). Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được. Dự kiến sang năm 2017, khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của thành phố sẽ giảm tiếp 69 biên chế so với hiện nay. Khối cơ quan chính quyền sẽ giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm, tinh giản biên chế 115 cán bộ, công chức, viên chức.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, quá trình khảo sát tại một số địa phương, vấn đề bức xúc đầu tiên người dân, cử tri phản ánh là bộ máy các cơ quan chồng chéo, nhiều tầng lớp, trong khi hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; thứ hai là suy thoái về đạo đức, tác phong, lối sống; thứ 3 là vấn đề tham nhũng của những người có chức, có quyền.

Theo ông Phạm Minh Chính, nếu giải quyết được tốt cơ chế vận hành, công tác cán bộ thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái mới hiệu quả. Muốn tăng niềm tin nhân dân, cử tri thì phải đi thẳng vào giải quyết những bức xúc người dân phản ánh.

Quá trình tinh giản biên chế ở Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tất cả thông tin trong quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phải minh bạch, tránh sự hiểu nhầm, xuyên tạc. Hà Nội cần tập trung vào những lĩnh vực chi tiêu nhiều ngân sách như giáo dục, y tế, thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế về giáo dục…

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, thành công của việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW sẽ giúp Hà Nội khắc phục khó khăn và thách thức trong 5 năm tới. Bởi nếu Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ hết sức quan trọng trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội đặt ra trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp thu những kiến nghị của đoàn kiểm tra, TP Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng chương trình công tác hiệu quả, thống nhất trong lãnh đạo các cấp, làm tốt hơn công tác đối thoại, công khai, minh bạch, tuyên truyền để cán bộ, công chức khi thực hiện thấy được sự cần thiết của việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức là để đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô.

Theo Dân trí

TIN LIÊN QUAN

Tin mới