Hà Nội - Điện Biên phủ trên không - Chiến thắng của bản lĩnh, ý chí, trí tuệ Việt Nam

(Baonghean.vn) - Sau khi  bội ước không ký vào Hiệp định Pari về  chấm dứt chiến tranh  lập lại hoà bình ở  Việt Nam như đã thoả thuận, ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních – Xơn tuyên bố sẽ gia tăng đánh phá Miền Bắc bằng chiến dịch  tập kích đường không  chiến lược mang tên Lai- nơ- béc- cơ II , sử dụng  máy bay chiến lược B52  đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng lân cận nhằm thực hiện  ý đồ thương lượng trên thế mạnh bụôc Việt Nam phải chấp nhận, theo các điều kiện chúng đặt ra trên bàn Hội nghị Pari, phá hoại tiềm lực kinh tế, quân sự của ta, ngăn chặn  sự tiếp tế của hậu phương, Miền Bắc cho tiền tuyến Miền Nam, răn đe những ai có tư tưởng chống Mỹ.

Theo  lệnh của Ních – Xơn, lực lượng không quân chiến lược  Mỹ đã huy động 193/400 máy bay chiến lược B52 ( bằng 48,28%), 1.077/3.04
( bằng 35,4%) máy bay để chiến thụât để tham chiến. Đó là chưa kể 50 máy tiếp dầu trên không, 138 máy bay gây nhiễu điện từ từ xa, máy bay trinh sát có người lái và không người lái, máy bay chỉ huy, dẫn đường, liên lạc, cấp cứu…25% số tàu sân bay cùng nhiều tàu chỉ huy, dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ra đa, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu, tàu sữa chữa…Phương thức tác chiến cơ bản của không quân Mỹ là lấy máy bay B52 làm lực lượng chủ yếu với sự hộ tống của không quân chiến thuật và không quân hải quân. Siêu pháo đài bay B52 đánh vào ban đêm, không quân chiến thuật làm nhiệm vụ gây nhiễu chế áp các lực lượng phòng không, không quân Việt Nam đồng thời đánh xen kẻ giữa các đợt của B52 với cường độ đánh phá 24/24 giờ trong ngày, thực hiện chiến thuật mỗi B52 là một trung tâm tác chiến điện tử  và đi theo nó có từ 15 – 19 máy bay gây nhiễu khác. Đây là chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn nhất, cường độ cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.
          Bằng các biện pháp trinh sát tổng hợp, Bộ chính trị, Quân uỷ trung ương, Bộ quốc phòng ta đã sớm phát hiện và nắm chắc được âm mưu, thủ đoạn, dự kiến sát diễn biến, sẵn sàng tư tưởng, tổ chức, lực lượng để đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược Lai – nơ – béc- cơ II của giặc Mỹ, đập tan ảo vọng cuối cùng của Ních Xơn và Nhà trắng.
       
Từ 7h sáng ngày 18/12/1972, trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Hà Nội, Hải Phòng mệnh lệnh sơ tán phòng không của Thủ tướng Chính Phủ đã được công bố. Mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu đã được quán triệt sâu rộng trong các lực lượng vũ trang nhân dân cả nước. 10g15 phút 1 máy bay trinh sát không người lái của giặc Mỹ xuất hiện trên bầu trời Thủ Đô. 16g 10phút, Bộ tổng tham mưu thông báo cho toàn quân: B52 sẽ có hành động ngay trong đêm nay. 19g 10phút, trạm  Ra đa tiền tiêu ở Quảng Bình đã phát hiện được nhiễu của B52 kịp thời báo về sở chỉ huy. Đồng thời trạm Ra đa Nghệ An phát hiện B52 đang bay vào Hà Nội theo hướng Bắc dọc bờ Mê – Kông.

Kiên quyết chặn đứng tội ác của chúng, 19h25 2 phi đội không quân ta xuất kích, được hệ thống dẫn đường khéo léo máy bay ta đã đánh thẳng vào các tốp máy bay chiến thuật F4, F8, F111, A6, A7 đi cùng làm đội hình tác chiến của không quân Mỹ bị xáo trộn. 19h20 đến 20g18, một tốp B52 3 chiếc, có 15 máy bay chiến thuật hộ tống gây nhiễu ném bom Hà Nội, Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. Trong tiếng bom chát chúa của pháo đài bay B52 là âm vang tiếng súng phòng không của quân dân Hà Nội giáng trả. Chiến dịch bắt đầu.
         
20g15  D59 E261 tên lửa bằng hai quả tên lửa SAM II đã bắn rơi 1B52 tại Phú Lễ - Đông Anh – Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km. 20g16, D52 E267 từ một trận địa ở Miền Tây Nghệ An đã bắn bị thương nặng 1 B52 khi nó vừa gây tội ác ở Hà Nội trên đường về, buộc nó phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng. Tiếp đó D77 tên lửa đã bắn rơi tại chổ chiếc B52 thứ 2. Xác máy bay tang tóc trên cánh đồng xã Tam Hưng ( Thanh Oai Hà Tây).
         
Mặc dầu trong đêm đầu ra quân đế quốc Mỹ đã huy động 90 lần chiếc B52, 138 lần chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức 3 đợt đánh phá quyết liệt, ném xuống các vùng ngoại thành 126 điểm với hơn 6000 quả bom các loại nhưng chúng đã phải trả một giá rất đắt ngoài dự kiến của lầu năm góc B52 không phải là thần tượng bất khả chiến bại, ngay trận đầu ra quân, 2 chiếc đã bị bắn rơi tại chổ.
         
4giờ sáng ngày 19/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến các trận địa tên lửa ra đa động viên, cổ vũ khen ngợi các bộ chiến sỹ phòng không ba thứ quân đã bình tĩnh chủ động, tìm cách đánh thích hợp để trận đầu thắng lớn. Đại tưóng ân cần nhắc nhở:Với bản chất hiếu chiến ngoan cố của đế quốc Mỹ, những ngày tới B52 sẽ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, các địa bàn phụ cận với quy mô và cường độ cao hơn. Chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu cao hơn, rút kinh nghiệm từ ngày đầu chiến thắng để nâng cao  hiệu suất tiêu diệt B52. Ngày 19/12 ngày toàn quốc kháng chiến sẽ là ngày chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta, ngày đập nát ảo vọng cuối cùng của đế quốc Mỹ. 
         
4g30 sáng 19/12, ba tốp 9 chiếc B52 và 46 máy bay chiến thuật mở đợt oanh kích đầu tiên trong ngày vào Hà Nội. Từ kinh nghiệm của ngày 18/12 sau 10 phút D77 E257 đã bắn rơi 1 B52, lực lượng phòng không Hà Nội đã bắn rơi 1F4. Đài tiếng nói Việt Nam lần thứ 3 bị B52 rãi thảm nhưng do đựơc chuẩn bị kỹ càng nên tiếng nói Việt Nam vẫn âm vang mang tin chiến thắng đến với quân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
         
Từ 19h45 đến 5h ngày 19/12, bầu trời Hà Nội không ngớt tiếng máy bay gầm rú. 87 lần chiếc B52, 200 máy bay chiến thuật liên tục ném xuống 68 điểm ngoại thành với hơn 7000 quả bom các loại. Bị các lực lượng phòng không và không quân ta đánh cản, đánh chặn, đáng tung vào đội hình nên máy bay Mỹ lung túng ném bom không chính xác hạn chế được nhiều tổn thất.
        
Từ 11giờ45 cho đến hết đêm 20/12, 40 lần  xuất kích 120 máy bay B52 và hàng trăm máy bay chiến thuật thay nhau ào ạt đến dội bom vào Hà Nội. 20 giờ7 phút với 2 quả SAM II, D93E261 đã bắn rơi tại chổ 1 B52 tại Yên Viên. 20giờ 34phút với cách đánh mới  D77E257 liên tục bắn rơi 2 chiếc B52 nữa. 20giờ 38, 3D 77, 79, 74 đã bắn rơi chiếc thứ 4 trong ngày. Từ kinh nghiệm các trận chiến đấu vừa qua, các trận địa pháo cao xạ 100 phối hợp chặt chẽ các lực lượng phòng không tổ chức bắn chặn, bắn theo tiếng động có hiệu quả rõ làm rối loạn hoàn toàn đội hình các máy bay chiến thuật, hiệu quả gây nhiễu, thả nhiễu bạc ( Ag) của chúng  thấp hẳn. Đêm 20/12 với 35 quả tên lửa quân dân Hà Nội đã bắn rơi 7 B52 trong đó có 5 chiếc rơi tại chổ.
         
4giờ 15 ngày 21/12, các trận địa phòng không ở Hà Nội sung sướng đón nhận thư khen của Đại tướngTổng tư lệnh “ Cả nước hướng về Hà Nội, từng giờ, từng phút Bộ chính trị, quân Mỹ Trung ương theo dõi chặt chẽ từng trận đánh. Vận mệnh  của Tổ quốc  nằm trong tay các chiến sỹ phòng không Hà Nội”
         
Liên tiếp thất bại, ngày 21/12 không quân Mỹ đã thay chiến thuật tập kích. Từ 5giờ sáng đến chiều, 180 máy  bay chiến thuật của không quân Mỹ thay nhau đánh phá vào các mục tiêu nghi ngờ có trận địa tên lửa của ta. Các lực lượng phòng không ba thứ quân đã phát  huy hiệu quả, bảo vệ  an toàn các trận địa tên lửa, ra đa. Trong mưa bom bão đạn, cán bộ nhân dân Thủ đô đổ xô ra trận địa tiếp tế lá ngụy trang, lương thực, thực phẩm, cổ vũ động viên cán bộ chiến sỹ phòng không. Một khí thế “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” sôi động khắp cả nước. Suốt từ 11 – 12 giờ, 8 máy bay trinh sát có người lái và không người lái thay nhau trinh sát các mục tiêu vừa đánh phá, sục sạo tìm vị trí các trận địa phòng không của ta. Từ 21 giờ 37 đến rạng sang, 24 lần chiếc B52 và 136 máy bay chiến thuật hộ tống liên tục rải thảm vào bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, Yên Viên, 30 lần chiếc B52 và 116 máy bay hộ tống rải thảm xuống Hải Phòng. Sẵn sàng và quyết tâm của các lực lượng phòng không Hà Nội, Hải Phòng đã được đáp đền . 3B52, 2F4, 2A7, 1F111, 1A6, 1RA50, 1F05 của không quân Mỹ đã phải đền tội.
         
Ngày 22/12/1972, quân dân Hà Nội kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN trong một không khí đặc biệt. Từ 2giờ 38 phút 18 máy bay F111 hoạt động xen kẽ tầng cao để phòng không quân ta xuất kích, 24 máy bay B52 và 36 máy bay chiến thuật từ hướng Nam bay vào ào ạt trút bom xuống Hà Nội - Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên đổ nát, tan hoang. Kiên quyết bắt chúng phải đền tội, 3giờ 42 phút với cách đánh linh hoạt D57 bộ đội phòng không Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ 1 B52 ở chợ Bến Mỹ Đình. 3giờ 46 D93 lại bắn rơi tại chỗ chiếc thứ 2 ở Quỳnh Côi (Thái Bình). Tự vệ nhà máy Liên Cơ Hà Nội với 19 viên đạn 14,5 ly đã bắn rơi một máy bay cánh cụp cánh xoè F111. Rạng sáng 22/12 chiếc B52 thứ 3 tan xác trên bầu trời Hà Nội.
         
Càng thua đau càng hung hãn, suốt ngày 23/12 53 tốp máy bay chiến thuật thay nhau ném bom ngoại thành và vùng phụ cận hòng xoá sổ tên lửa Việt Nam. Từ 20giờ đến 4 giờ sáng 33 lần chiếc B52 ồ ạt mở 8 đợt oanh kích vào Hà Nội, 96 máy bay hải quân Mỹ ném bom Hải Phòng, 4B52, 1F4, 1A7 đã phải đền tội ác.
         
Sau sáu ngày ra quân, không quân Mỹ đã tổn thất quá nặng nề, uy lực của máy bay B52 đã trở thành nỗi bi hài của nước Mỹ. Dư luận quốc tế và ngay trong lòng nước Mỹ quyết liệt lên án chiến dịch ném bom huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng của Ních xơn. Nhà trắng buộc phải tuyên bố “ Nghỉ lễ noen trong 2 ngày 24 và 25/12” nhưng thực ra là để tổ chức lại lực lượng, nghiên cứu lại phương thức tác chiến và lên giây cót lực lượng phi công đã quá chán chường, lo sợ. 
         
Nắm chắc ý đồ tiếp theo của nhà trắng trong hai ngày 24 và 25/12 các lực lượng phòng không không quân kịp thời rút kinh nghiệm, tìm ra cách đánh mới thích hợp hơn. 141 quả tên lửa tổ khu 4 đã được di chuyển khẩn trương ra tăng cường theo Hà Nội. Thế trận phòng không được bố trí  lại để sẵn sang đánh trả B52 với cường độ lớn hơn.
         
Từ 5 giờ sang ngày đến hết đêm ngày 26/12 tiếng gầm rú của lủ giặc bay không bao giờ dứt trên bầu trời Hà Nội Hải Phòng.
Phương thức tác chiến mới của không quân Mỹ sau hai ngày rút kinh nghiệm đã nhanh chóng bị vô hiệu 5 B52 tan xác trên bâu trời Hà Nội , 2 B52 tan xác trên bầu trời Hải Phòng. 1 B52 tan xác trên bầu trời Thái Nguyên
( trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ). 10 máy bay chiên thuật khác cũng cùng chung số phận. Đây là đêm mà hãng BBC bình luận “đêm kinh hoàng, đêm rã rời, suy sụp ý chí của Nhà trắng”.

Đánh chết cái nết hiếu chiến không chừa, từ 7h sáng ngày 27 tháng 12 hơn 100 máy bay chiến thuật chia thành 3 đội đã tiếp tục ồ ạt ném bom đánh phá ngoại thành Hà Nội. CE20 pháo phòng không tiêu diệt 1F4 không quân xuất kích tiêu diệt 2F4. Từ 19h đến 22 giờ 36 lần chiến BT2 với 65 máy bay yểm trợ đã rãi thảm bom xuống Đông Anh, Yên Viên, Bạch Mai, Khuyến Lương, Đa Phúc, Dục Nội, Cổ Loa xen kẽ các đợt ném bom của B52 là 17 lần F111 thay nhau bắn phá. 22giờ Đại uý Phạm Tuân phi công lái MIG 21 nhận lệnh xuât kích, được dẫn đường khéo léo, chính xác . Pham Tuân đã vòng sau lưng tốp B52 đón đầu bắn tan xác 1 B52 tại Mộc Châu. Đây là chiếc B52 bị không quân ta bắn rơi. 23 giờ, bằng 32 quả đạn SAMII, bộ đội tên lửa đã bắn rơi Y B52, 2 chiếc rơi tại chổ. 23giờ 02, D71 và 72 bắn tiêu diệt tiếp từ hướng Tây khi chưa kịp gây tội ác, một chiếc  rơi xuống làng hoa Ngọc Hà. Từ 23giờ 04 đến 23giờ 06 D59, D77 bắn rơi tiếp 2 chiếc B52 khác đưa tổng số máy bay bị bắn rơi lên 14 chiếc
( trong đó có 5 B52 rơi tại chổ, 5F4, 2A7, 1A6 và 1 máy bay lên thẳng HH53 đến cứu giặc lái B52
         
Cay cú trước những thất bại thảm hại trong ngày trước, từ 10 giờ đến 17 giờ ngày 28/12, 131 lần chiếc máy bay chiến thuật thay nhau sục sạo ném bom vào các nơi chúng nghi có trận địa phòng không của ta. Không quân ta xuất kích bắn rơi 1 RA5C.
         
Cả nước hướng về Thủ đô anh dũng kiên cường, 7 giờ tối ngày 28/12, E274 và 140 tên lửa cơ động từ khu 4 đã ra đến Hà Nội tiếp lửa với Thủ đô. 20 giờ đến 22 giờ, 60 lần chiếc B52 thay nhau ném bom xuống Đông Anh, Đa Phúc, Can Đông, Yên Viên, Gia Lâm. 21 giờ 41 phút từ một sân bay giả chiến ở khu 4 phi công Vũ Xuân Thiều xuất kích bắn cháy 1 B52 và anh dũng hy sinh. Lại thêm 1 B52 và 1 RA52 của không quân Mỹ bị tan xác trên bầu trời Hà Nội.
         
Thất bại thảm hại, 4 giờ sáng ngày 29/12, Ních Xơn buộc phải xuống thang tuyên bố : chấp thuận nối lại các cuộc đàm phán ở Pari. 5 giờ sáng ngày 29 /12 đến thăm sở chỉ huy bộ đội phòng không, sau khi biểu dương thành tích của quân và dân ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở: Tuy Ních Xơn đã chịu xuống thang nhưng dã tâm xâm lược của chúng vẫn chưa hề thay đổi. Lực lượng phòng không ba thứ quân phải tiếp tục sẵn sàng chiến đấu cao hơn để tiêu diệt địch đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của giặc Mỹ.

Đúng như dự đoán của Tổng tư lệnh, 6 giờ ngày 29/12, 36 máy bay chiến thuật không quân Mỹ đã lao vào ném bom Cao Ngạn, Đông Hưng, Thái Nguyên. 23g16, 30 B52 tiếp tục rải thảm xuống Hà Nội, 18 B52 đánh vào Đồng Mô, Lạng Sơn, 12 B52 đánh vào Kim Anh Vĩnh Phú. 70 máy bay chiến thuật đánh phá quyết liệt vào Thọ Xuân ( Thanh Hoá), Yên Bái, Hoà Lạc, Kép Đông Anh, Vĩnh Phú, Kim Anh, ngoại thành Hải Phòng. D79 đã bắn rơi tại chổ tiếp 1 B52, 1F4.
         
Những cố gắng cuối cùng của Ních Xơn không những không mang lại bất kỳ một kết quả nào mà còn bị toàn thế giới và cả nhân dân Mỹ phản đối kịch liệt chỉ trích gắt gao. Chiến dịch Lai – nơ- béc Cơ II đã trở thành sự kiện trung tâm của báo chí quốc tế. Con ngáo ộp B52 đã trở thành tấn bi kịch của Tổng thống Mỹ Ních Xơn, 4 giờ sáng ngày 30/12 Ních Xơn phải buộc tuyên bố: Kết thúc chiến dịch Lai – nơ – béc cơ II với thất bại thảm hại 17% số máy bay B52 của Mỹ đã bị bắn rơi. Kít – Xin- Giơ cố vấn số 1 về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đã phải thốt lên “ Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một lực lượng phòng không có hiệu lực nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới” . 20.000 tấn đạn ném xuống  Hà Nội, Hải Phòng chỉ gây thêm lòng  căm phẫn và ý chí sục sôi quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của nhân dân Việt Nam. Sau thất bại nhục nhã này, Mỹ đã phải ký vào Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, đội quân viễn chinh Mỹ phải cuốn cờ về nước “ Mỹ cút” là điều kiện là tiên đoán của Bác để quân và dân cả nước đánh cho “ Nguỵ nhào”, giành  thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
         
Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của chiến thắng trận tập kích chiến lược B52 vào Hà Nội, 40 năm qua đã có hàng trăm công trình khoa học quân sự, hang trăm đầu sách và hàng ngàn bài báo của Việt Nam và các nước trên thế giới viết về chiến thắng của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Các tác giả đều trân trọng gọi đây là chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và điều lý thú nhất là các công trình khoa học quân sự trên thế giới khi lý giải vì sao  B52 cùng với Tên lửa đạn đạo và Tàu ngầm nguyên tử là 3 vũ khí hiện đại nhât của Mỹ lại chuốc  lấy thất bại nhục nhã vậy? đều đã nêu bật vai trò, vị trí quyết định của thiên tài Quân sự Việt Nam - Hồ Chí Minh. Với tầm nhìn xa, rất xa, Bác Hồ đã phán đoán chính xác tuyệt đối âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù từ 10 năm trước khi chiến dịch  mở màn ba năm trước khi giặc Mỹ sử dụng không quân đánh ra Miền Bắc, ngày 20/12/1962 đến thăm Quân chủng phòng không, không quân Bác đã căn dặn Đại tá Phùng Thế tài Tư lệnh quân chủng phòng không không quân phải theo dõi ngay, nghiên cứu ngay về cách đánh B52 .

 Ngày 19/7/1965, đến thăm Trung đoàn tên lửa 234 Bác khẳng định : Dù đế quốc Mỹ có bắn súng nhiều tiền, chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa thì ta cũng đánh và đã đánh là nhất định thắng. Mùa xuân 1965, khi cuộc kháng chiến đã bước vào giai đoạn quyết liệt làm việc với Đảng uỷ, Bộ tư lệnh phòng không không quân, Bác khẳng định :
- Sớm muộn gì thì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Mỹ nhất định thua nhưng chỉ thua trên bầu trời Hà Nội.
          Bác còn chỉ rõ:
- Muốn bắt cọp các chú phải vào hang cọp. Phải vào Khu 4 tìm B52 mà đánh mà rút kinh nghiệm ngay.
Những lời tiên tri, dự báo thiên tài của Bác là nguồn cổ vũ, động viên, củng cố quyết tâm, quyết đánh, quyết thắng B52 cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nhớ lại những lời tiên tri của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể “ Giải nhiểu tư tưởng” để chúng ta “ giải nhiểu B52” mà tiêu diệt chúng ngay từ trận đầu, ngày đầu và càng đánh càng trưởng thành” Chấp hành chỉ thị của Bác
Bộ tổng tham mưu đã chủ động thành lập một Ban nghiên cứu về tính năng, thủ đoạn tác chiến của B52 để xây dựng phương án tác chiến đánh tiêu diệt B52. Từ cuối năm 1965, vâng theo lời Bác, các trung đoàn tên lửa, ra đa chiến dịch đã cờ động vào khu 4, vào đường Hồ Chí Minh để “ vào hang để bắt cọp”. Những cánh rừng miền Tây và thế trận lòng dân, thế trận phòng không 3 thứ quân ở Quân khu 4 đã trở thành điểm tựa vững chắc cho lực lượng tên lửa, ra đa. Nhân dân các địa phương trong quân khu đã huy động hang triệu  ngày công xây dựng trận địa, công trình phòng tránh. Phát hiện ý đồ của ta, không quân Mỹ đã huy động hang ngàn lượt máy bay trinh sát, đánh thăm dò, đánh quyết liệt vào những khu vực chúng nghi có tên lửa, ra đa. Tương kế tựu kế, hàng trăm trận địa giả đã được xây dựng. Bị đánh lừa, hang chục máy bay Mỹ khi lao vào các trận địa giả đã trở thành bia hướng đạn phòng không của quân dân khu 4. Chiến thắng 26/3/1965 ở trận địa Núi Nài ( Hà Tĩnh) là một điển hình tiêu biểu của sự khéo léo trong chiến thuật nghi trang ,nguỵ trang của quân dân khu 4.
Từ thực tế chiến trường khu 4 và đường Trường Sơn lực lượng Rađa, tên lửa đã từng bước tìm được cách đánh thích hợp, phá được các loại nhiễu giấy bạc ( Ag) do máy bay chiến thuật đi cùng gây ra. 24 giờ 15 phút ngày 17/9/1967, E238 bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Vĩnh Linh. 1 giờ sang Đại tá Phùng Thế Tài gọi điện sang báo cáo Bác, chưa kịp để Tư lệnh phòng không không quân báo cáo, Bác đã hỏi ngay:
- Bắn rơi được B52 rồi hả chú!
Tiếp đó ngày 3/11/1971, phi công Vũ Xuân Rạng từ sân bay Dừa ( Anh Sơn Nghệ An) cất cánh đã bắn bị thương nặng 1 B52 trên bầu trời Quảng Bình.
Tổng kết kinh nghiệm từ chiến trường khu 4, đường Trường Sơn, tài liệu “ Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa” đã nhanh chóng được ra đời. Đây là kết quả của biết bao sự hy sinh của các nhà khoa học quân sự và quân dân ta trong những ngày tìm B52 mà đánh trên chiến trường khu 4 trên đường Trường Sơn. Đó là sự vận dụng sáng tạo, độc đáo về kỷ thuật, chiến thuật, phương pháp điều khiển tên lửa phòng không và dẫn đường cho không quân tiêm kích với hiệu suất cao, liên tục giáng cho kẻ thù những đòn bất ngờ cả về chiến thuật, chiến dịch buộc địch phải liên tục điều chỉnh kế hoạch theo thế bị động. Thất bại ngay từ trận đầu, càng oanh kích càng thất bại nặng nề hơn, tinh thần phi công Mỹ đặc biệt là phi công B52 hoang mang cao độ, ném bom sai mục tiêu, thực thi chiến thuật sai dự định, làn sóng phản đối chiến tranh trong lòng nước Mỹ như triều dâng, bão nổi . Đi cùng với lực lượng bộ đội tên lửa,lứơi lửa phòng không tầm thấp 3 thứ quân với kinh nghiệm 8 năm “ chẻ đầu máy bay Mỹ” đã linh hoạt sáng tạo nhiều cách đánh mới vô hiệu hoá máy bay chiến thuật Mỹ buộc chúng phải bay cao, không cho chúng đánh bồi, đánh lén bảo vệ an toàn các trận địa tên lửa, ra đa, mục tiêu trọng yếu.

Giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm của chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là tài sản vô giá tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn của nhân dân ta. Là sự khẳng định : Việc chủ động chuẩn bị chiến lược tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc bảo vệ XHCN là yêu cầu khách quan đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay và tương lai. Quy luật “ Dựng nước phải đi cùng với giữ nước” mãi mãi tồn tại cùng lịch sử phát triển của dân tộc.

Bài học từ chiến thắng B52 còn cho thấy sức mạnh và tiềm lực to lớn của cuộc chiến tranh chính nghĩa - cuộc chiến tranh bảo vệ từng tấc đất chủ quyền của dân tộc. Dù vũ khí có thể hiện đại đến đâu cũng không thể chiến thắng được lương tri con người. Tuy nhiên để chiến thắng phải luôn luôn đề cao cảnh giác, chủ động chiến lược, xây dựng bảo vệ vững chắc thế trận và lực lượng, huy động  được sức mạnh tổng hợp của cả nước, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Năm tháng đi qua, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chiến thắng của ý chí Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng của Thế giới như một huyền thoại. Và đó là bệ phóng tinh thần để dân tộc Việt Nam hôm nay đổi mới, hội nhập đi lên xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh lịch sử cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc, chiến tranh vũ trang, xung đột sắc tộc  tôn giáo, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ biển, đảo, tranh chấp tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt vì lợi ích kinh tế đang diễn ra quyết liệt trên tất cả các châu lục, trên tất cả các bình diện cuộc sống.
                            
 
(Nguồn : Số liệu và các lời tiên tri của Hồ Chủ Tịch , Chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp , lời tự thú của Kít – xing – giơ, trích từ: “Lịch sử bộ đội phòng không Việt Nam NXB QĐND – HN - 2008). 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần

Tin mới