Hạ tầng cụm công nghiệp Hưng Đông - 'loay hoay' gần 2 thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Từng được kỳ vọng trở thành một cụm công nghiệp hiện đại, là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc đô thị Vinh; thế nhưng, đến nay sau gần 20 năm  triển khai xây dựng, Dự án Cụm công nghiệp nhỏ tại xã Hưng Đông vẫn chưa thể hoàn thành.

Dự án kéo dài

Ngày 4/10/2005, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3437/QĐ.UBND-CN phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp nhỏ tại xã Hưng Đông (thành phố Vinh). Diện tích quy hoạch của dự án này là 39,5 ha, tại khu vực phía Tây đường sắt Bắc - Nam và phía Nam đường Đặng Thai Mai, thuộc xã Hưng Đông.

Sau gần 20 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư, đến nay Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông vẫn đang là bãi đất trống. Ảnh: Tiến Đông

Sau gần 20 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư, đến nay Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông vẫn đang là bãi đất trống. Ảnh: Tiến Đông

Đến ngày 18/5/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 1739/QĐ.UBND-CN phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án này có diện tích 27,51 ha, gồm các hạng mục nền cụm công nghiệp và 8 tuyến đường giao thông nội bộ; hệ thống thoát nước thải; hệ thống cấp nước và phòng cháy, chữa cháy; hệ thống cấp điện. Tổng mức đầu tư của dự án thời điểm này là 69 tỷ đồng, từ nguồn vốn huy động của các nhà đầu tư; nguồn ngân sách tỉnh và thành phố Vinh hỗ trợ một phần...

Ban đầu, dự án này do UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư, tuy nhiên, sau đó dự án đã được chuyển giao cho Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – Lilama. Từ năm 2010 đến nay, dự án lại được chuyển cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt làm chủ đầu tư. Từ 69 tỷ đồng tổng mức đầu tư ban đầu, đến nay dự án này đã nâng tổng mức đầu tư lên 253,601 tỷ đồng. Kể từ khi tiếp nhận dự án đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt đã có 4 lần thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó, chủ yếu là được đăng ký điều chỉnh tiến độ thực hiện và thời hạn hoạt động của dự án.

Đến thời điểm hiện nay, việc giải phóng mặt bằng toàn bộ phần đất của dự án đã thực hiện xong nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai xây dựng vì chưa được thuê đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ảnh: Tiến Đông

Đến thời điểm hiện nay, việc giải phóng mặt bằng toàn bộ phần đất của dự án đã thực hiện xong nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai xây dựng vì chưa được thuê đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ảnh: Tiến Đông

Lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới nhất vào ngày 12/1/2022, thời hạn hoàn thành xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông giai đoạn 1 là vào quý 4 năm 2023.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông là 1 trong 3 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Để thực hiện dự án này, UBND tỉnh và UBND thành phố Vinh đã ban hành 2 quyết định thu hồi hơn 28,1 ha đất nông nghiệp của 184 hộ dân thuộc 3 xóm Yên Khang, Yên Xá, Yên Vinh (xã Hưng Đông), với tổng số tiền gần 69 tỷ đồng.

Đến nay, các hộ dân đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công công trình. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư mới chỉ được cho thuê 7,7 ha, diện tích còn lại chưa hoàn thành thủ tục cho thuê và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này khiến cho dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa thể hoàn thành để đưa vào hoạt động.

Ông Đậu Quang Cường – Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt cho biết: Hiện tại phía chủ đầu tư đang làm các thủ tục để được giao đất, được cấp Giấy phép xây dựng, sau đó mới tiến hành san nền và hoàn thiện việc xây dựng các khu chức năng. Sở dĩ dự án kéo dài, ông Cường cho rằng, đó là do việc giải phóng mặt bằng chậm, khiến cho nhiều cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn đã bị bỏ lỡ trong suốt 10 năm qua.

Phối cảnh tổng thể của Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Ảnh: Tiến Đông

Phối cảnh tổng thể của Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Ảnh: Tiến Đông

Chưa có đường vào

Đến thời điểm hiện tại, dù công tác giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Hưng Đông đã hoàn tất, thế nhưng, đường vào chưa có, trong đó 2 tuyến đường D3 và N3 kết nối chính cụm công nghiệp này với các tuyến đường Đặng Thai Mai và đường Hồ Ngọc Lãm, Nguyễn Chí Thanh chưa hoàn thành nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Chưa kể, một số diện tích đã hoàn thành bồi thường lại nằm xen kẽ theo dạng “báo đốm” nên chưa thể hoàn thiện hạ tầng làm ảnh hưởng đến tiến độ và công tác thu hút dự án vào trong cụm công nghiệp, gây lãng phí về sử dụng đất đai.

Được biết, trước đây tuyến đường D3 (dài 750m), nối đường Nguyễn Chí Thanh với đường Đặng Thai Mai đi xuyên qua cụm công nghiệp và đường N3 (dài 453m) nối đường D3 với đường N1, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt làm chủ đầu tư. Nhưng năm 2013, dự án xây dựng 2 tuyến đường này đã được giao lại cho UBND thành phố Vinh với tổng mức đầu tư hơn 64,9 tỷ đồng.

Tuyến đường D3 đoạn nối ra đường Đặng Thai Mai chưa thể hoàn thành vì còn vướng 11 hộ dân. Ảnh: Tiến Đông

Tuyến đường D3 đoạn nối ra đường Đặng Thai Mai chưa thể hoàn thành vì còn vướng 11 hộ dân. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, theo ông Đường Anh Ngọc – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh: Việc giải phóng mặt bằng đối với Dự án Cụm công nghiệp Hưng Đông cũng như xây dựng tuyến đường D3, N3 gặp nhiều khó khăn, kéo dài do các hộ dân bị thu hồi không đồng tình, có nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại. Đối với tuyến đường D3 hiện nay chỉ mới thực hiện được 75% khối lượng hợp đồng, đoạn còn lại dài 60m, giáp đường Đặng Thai Mai đang vướng mắc 11 thửa đất ở phải di dời, tái định cư nên chưa có mặt bằng để tiến hành thi công. Riêng tuyến đường N3 thì còn vướng 9 thửa đất ở phải di dời, tái định cư.

Chưa kể, khi thực hiện xây dựng các tuyến đường này, các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi ra cản trở không cho nhà thầu thi công nên phải tiến hành xây dựng kế hoạch bảo vệ thi công 2 lần vào tháng 1/2019 và tháng 9/2020. Đến đầu năm 2021, các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp của tuyến đường D3, N3 và dự án cụm công nghiệp mới nhận hết tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt.

Tuyến đường D3 chưa hoàn thành, hiện đang bị ngăn lại bằng các khối bê tông. Tuy nhiên, người dân vẫn đã sử dụng tuyến đường này để qua lại. Ảnh: Tiến Đông

Tuyến đường D3 chưa hoàn thành, hiện đang bị ngăn lại bằng các khối bê tông. Tuy nhiên, người dân vẫn đã sử dụng tuyến đường này để qua lại. Ảnh: Tiến Đông

Ngày 15/4/2022, đơn vị thi công đã đấu nối giữa đường D3, N3 với dự án cụm công nghiệp và đường Nguyễn Chí Thanh. Thế nhưng, điểm đấu nối giữa đường D3 với đường Đặng Thai Mai chưa thể hoàn thành do UBND thành phố đang tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 11 hộ dân, chưa bàn giao mặt bằng nên chưa thể tiến hành thi công.

Mặt khác, cũng theo ông Ngọc, quỹ đất để bố trí tái định cư cho 20 hộ gia đình trên tuyến đường D3, N3 tại dự án hạ tầng chia lô đất ở xóm Mỹ Hậu, xã Hưng Đông (7,7 ha) đến nay chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật do dự án phải tạm dừng thi công để điều chỉnh lại quy hoạch theo quy hoạch phân khu xã Hưng Đông. Đồng thời, phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bảo vệ thi công và dự toán, điều chỉnh trích lục bản đồ địa chính và các thủ tục pháp lý kèm theo. Hiện nay, UBND thành phố đang trình Sở Xây dựng thẩm định thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh, mới có cơ sở triển khai thi công hoàn thiện hạ tầng tái định cư cho đường bổ sung D3, N3.

Trước tình trạng chậm trễ của Cụm công nghiệp nhỏ Hưng Đông, trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri xã Hưng Đông tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII mới đây, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong Cụm công nghiệp Hưng Đông, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung mới cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trong cụm công nghiệp. Chỉ thu hút những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ không có nguy cơ gây ô nhiễm, các ngành thân thiện với môi trường, để đảm bảo phát triển bền vững và không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh cụm công nghiệp.

Tin mới