Hà Văn Thắm khai bị lừa khi cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng

Khai trước tòa hôm nay, Hà Văn Thắm cho rằng Phạm Công Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Oceanbank.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Chiều 28/2, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm chuyển sang thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm và bị án Phạm Công Danh.

Theo cáo buộc, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi: Vì sao tài sản của công ty Trung Dung (do Phạm Công Danh đứng đằng sau) không đủ để đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng, nhưng Thắm vẫn ký để Oceanbank giải ngân số tiền trên? - Hà Văn Thắm cho rằng mình bị lừa.

Hà Văn Thắm khai tại tòa.
Hà Văn Thắm khai tại tòa.

Theo trình bày của bị cáo này, anh ta không hề bàn bạc với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) và ông Danh về việc cho vay.

"Người khác nói bị cáo có sự thống nhất, bàn bạc trước khi tiếp nhận hồ sơ khoản vay là không đúng. Bị cáo, bà Phấn và ông Danh chỉ gặp nhau một lần duy nhất ở khách sạn và chỉ nói chuyện mua cổ phần" - Thắm khai.

Thắm lý giải việc mình cho công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng dù vốn điều lệ của công ty này chỉ có 250 tỷ đồng là vì bị cáo cho rằng, công ty này có giá trị thương mại cao.

Theo thẩm định của riêng Thắm, tài sản khác của công ty Trung Dung là cổ phiếu, biệt thự có thể bán được 250 tỷ. Cộng với giá trị thương mại của công ty này sẽ có khoản đảm bảo là hơn 700 tỷ đồng, như vậy hoàn toàn có thể cho vay được.

Thắm khai: "Dựa vào nguồn thu của doanh nghiệp đó để đánh giá giá trị doanh nghiệp. Công ty Trung Dung có cổ phần ở trung tâm thương mại Big C, nhưng là đi thuê và có thể cho thuê lại với giá tốt.

Lúc bị cáo xem hồ sơ, công ty Trung Dung có khoản thu lớn từ trung tâm thương mại Big C, Trung tâm tiệc cưới, số cổ phiếu và bất động sản là biệt thự".

Vẫn theo lời khai của Hà Văn Thắm, dù định giá là vậy nhưng vì tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dung không được chặt chẽ nên anh ta đã yêu cầu công ty này phải phong tỏa tài sản 500 tỷ đồng ở Ngân hàng Đại tín.

Đây là cam kết giữa Oceanbank, ngân hàng Đại Tín và công ty Trung Dung, nó gần như là đảm bảo tín dụng. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng Đại Tín đã không giữ cam kết.

"Khoảng sau đó một năm, bị cáo yêu cầu anh em đi kiểm tra khoản tiền đó, và số dư tài khoản vẫn báo là đầy đủ. Như vậy là Ngân hàng Đại Tín và Công ty Trung Dung đã bắt tay với nhau, thống nhất lừa bị cáo", lời khai của Thắm.

Với khoản vay 500 tỷ đồng này, Thắm nhận mình là người phải chịu trách nhiệm.

Phi vụ thâu tóm bất thành

Phạm Công Danh trả lời thẩm vấn tại tòa.
Phạm Công Danh trả lời thẩm vấn tại tòa.

Theo lời khai của Thắm, do muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP về OceanBank nên anh ta đã đến gặp bà Hứa Thị Phấn, để đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng Đại Tín cho Thắm.

Thắm đưa người của mình vào ngân hàng Đại Tín để kiểm tra thì phát hiện có nhiều nợ xấu nên không mua mà giới thiệu cho Phạm Công Danh.

Trả lời thẩm vấn về phi vụ này, bị án Phạm Công Danh khai, ông ta muốn mua lại ngân hàng Đại Tín vì từ lâu đã ấp ủ thành lập một ngân hàng dành cho ngành xây dựng.

Khi được Thắm đặt vấn đề mua lại ngân hàng Đại Tín, sau khi xem hồ sơ, ông Danh đã đồng ý. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu ông ta phát hiện ngân hàng này có nợ xấu quá mức tưởng tượng.

"Lúc đó tôi đưa cho anh Thắm 500 tỷ đồng và anh Thắm có hứa sẽ hỗ trợ. Tiền 500 tỷ đồng là để trả lại anh Thắm khoản chi phí anh ta chăm sóc khách hàng", ông Danh khai.

Theo lời khai của ông Danh, khoản tiền 500 tỷ đồng này không liên quan đến khoản tiền 500 tỷ đồng mà Thắm đã cho công ty Trung Dung vay.

Trả lời câu hỏi: Ông có 500 tỷ đồng rồi còn đi vay 500 tỷ đồng làm gì? - ông Danh đáp: "Tôi đưa 500 tỷ đồng là để anh Thắm chuyển nhượng cho tôi mua ngân hàng Đại Tín. Tôi không có tư tưởng lừa lọc và đã đưa trả anh Thắm 500 tỷ rồi".

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới