Hack Facebook của du học sinh nước ngoài, thanh niên 9x chiếm đoạt hơn 650 triệu đồng

(Baonghean.vn) - Là sinh viên sơ cấp về công nghệ thông tin, Phan Anh Tuấn đã chiếm quyền tài khoản Facebook của nhiều du học sinh nước ngoài rồi nhắn tin lừa đảo người thân ở Việt Nam, chiếm đoạt gần tỷ đồng.

Ngày 22/1/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Phan Anh Tuấn (trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Phan Anh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Quỳnh An.
Bị cáo Phan Anh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Quỳnh An.
Theo cáo trạng cho biết, vào khoảng tháng 2/2018, Phan Anh Tuấn (SN 1997, trú tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tìm hiểu qua mạng và các quán internet trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, học được cách xâm nhập vào tài khoản Facebook, thu thập các thông tin cá nhân mà người dùng đăng công khai, rồi dùng thông tin đó để thử đăng nhập vào tài khoản của họ.

Đến khoảng tháng 3/2018, Tuấn thuê phòng trọ tại phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng để đi xin việc. Thời gian đầu, do chưa có tiền tiêu xài nên Tuấn mới nảy sinh ý định sử dụng kiến thức mình biết truy cập mạng xã hội Facebook lừa đảo.

Hầu hết thủ đoạn của Tuấn trong các phi vụ là sử dụng các thông tin cá nhân tìm kiếm được từ người dùng rồi xâm nhập tài khoản của họ để nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ người thân. Thường đối tượng được Tuấn nhắm đến chính là những người Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản để tránh việc bị bại lộ.

Các đối tượng Phan Anh Tuấn và Hồ Văn Đức cùng tang vật tại cơ quan điều tra. Ảnh: Nhật Tuấn
Các đối tượng Phan Anh Tuấn và Hồ Văn Đức cùng tang vật tại cơ quan điều tra. Ảnh: Nhật Tuấn

Nhằm mục đích kiếm “công cụ” để thực hiện các “phi vụ” làm ăn. Đầu tiên, Tuấn đã hack vào tài khoản “Mai Cồ” của chị Lê Thị Mai (SN 1996) hiện đang học tập ở Nhật Bản. Sau đó Tuấn mạo danh chị Mai để nhắn tin cho bạn của chị là anh Lê Trọng Khoa (SN 1993, trú tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) nhờ làm hộ thẻ ATM của Ngân hàng Sacombank mang tên anh Khoa và đăng ký internet banking bằng số điện thoại của Tuấn.

Với thủ đoạn như trên Tuấn cũng mạo danh thành công chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1996, hiện đang ở Nhật Bản) để nhờ chị Nguyễn Thị Thảo làm tiếp thẻ ngân hàng khác mang tên Nguyễn Thị Thảo và cũng đăng ký số điện thoại khác của Tuấn.

Sau khi có trong tay 2 thẻ ngân hàng phục vụ việc lừa đảo, chỉ trong khoảng thời gian từ 6/3/2018 đến 16/4/2018, Phan Anh Tuấn đã liên tiếp thực hiện thành công 16 “phi vụ” làm ăn khác nhau. Chiếm đoạt tổng số tiền là gần 653 triệu đồng.

Tất cả các vụ lừa đảo đều được Tuấn dùng chung một kế. Đó là mượn cớ mẹ bạn đang ốm, đóng tiền học phí hay đóng visa bảo hiểm lao động để cần gấp số tiền lớn. Từ đó khiến người nhà dù không có tiền vẫn phải chạy vay để đóng cho con cháu mình.

Sau khi lừa thành công người nhà nạn nhân gửi được tiền, Tuấn ngay lập tức sử dụng máy tính truy cập vào ngân hàng điện tử thực hiện lệnh rút tiền thông qua các số điện thoại của mình. Rồi ra các ngân hàng trên địa bàn rút tiền nhằm tiêu xài cá nhân.

Hiện nay bị cáo cùng gia đình mới bồi thường được số tiền gần 113 triệu đồng cho các nạn nhân.

HĐXX nhận định: Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần trừng trị nghiêm khắc. Tuy nhiên xét tình tiết giảm nhẹ thấy bị cáo ăn năn hối cải, hối hận về hành vi của mình, đồng thời đã khắc phục được một phần hậu quả mình gây ra, HĐXX quyết định tuyên bị cáo Phan Anh Tuấn 8 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Tòa còn yêu cầu bị cáo bồi thường về dân sự cho các nạn nhân bị hại tổng số tiền gần 450 triệu đồng cho các bị hại còn lại.

Tin mới