Hai anh em ruột cùng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi tỉnh bậc tiểu học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Câu chuyện của 2 thầy giáo là câu chuyện về nghị lực, tình thương yêu và luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh để làm người sống có ích, có hoài bão…

Thầy giáo Trần Văn Chương và thầy giáo Trần Đình Đường là 2 thí sinh đặc biệt vừa tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học tỉnh Nghệ An năm 2022, bởi đây là hai anh em ruột, cùng dạy tại Trường Tiểu học Võ Liệt (Thanh Chương) và cùng được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Những ngày làm thuê “nuôi nhau” ăn học

Cho đến lúc này, mặc dù người bố của mình đã qua đời được hơn 30 năm nhưng nỗi ám ảnh với thầy giáo Trần Văn Chương thì vẫn còn. Anh còn nhớ, đó là một ngày Hè, anh đang đi tắm sông cùng với bạn thì nhận được thông tin bố mất. Cậu bé 8 tuổi, lúc bấy giờ mới học lớp 3 đâu biết nỗi đau mất bố là gì. Hai đứa em của anh cũng vậy, một đứa mới học lớp 1, một đứa mới 4 tuổi đều còn nhỏ dại.

Phải một thời gian sau, khi cuộc sống của mẹ con anh ngày càng khó khăn, căn nhà nhỏ ở xã Võ Liệt, vắng tiếng cười, vắng tiếng đùa vui, mấy chị em của anh mới bắt đầu cảm nhận được sự thiếu hụt này. Cũng vì bố mất sớm, một mình mẹ làm ruộng không đủ tiền để trang trải cuộc sống nên chị gái anh, học hết lớp 9 đã xin mẹ nghỉ học để đi làm thuê, giúp mẹ đỡ đần 3 em...

Hai thầy giáo Trần Văn Chương và Trần Đình Đường mồ côi bố từ nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Hai thầy giáo Trần Văn Chương và Trần Đình Đường mồ côi bố từ nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Nhắc lại những ngày cũ, thầy giáo Trần Văn Chương nói rằng, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều gia đình đều rơi vào cảnh khó khăn. Nhưng hoàn cảnh của gia đình anh éo le hơn, bởi nhà đông con mà bố lại mất sớm. Học hết THCS, anh lên học lớp 10 ở một trường gần nhà. Khi đó, để có tiền cho anh đi học, em trai của anh Trần Đình Đường một buổi đi học, một buổi đi chặt lá tro. Tờ mờ sáng, anh đã đạp xe đi 4- 5 cây số chở “chót” (lá tro) xuống chợ Phuống để nhập hàng. Không chỉ nhặt lá tro, anh còn vào rừng đốn củi. Gom góp mỗi ngày, niềm vui của mấy mẹ con là cuối tháng bán được một chuyến củi và toàn bộ chi phí sinh hoạt của cả nhà trông chờ vào những chuyến hàng này.

Ra trường gần 5 năm nhưng anh Trần Văn Chương ở lại thành phố, làm thêm để nuôi em ăn học. Ảnh: Mỹ Hà

Ra trường gần 5 năm nhưng anh Trần Văn Chương ở lại thành phố, làm thêm để nuôi em ăn học. Ảnh: Mỹ Hà

Vì điều kiện gia đình nên đầu những năm 2000, tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè đăng ký các trường đại học trong Nam, ngoài Bắc thì anh Chương không dám tính đường dài. Con đường “ngắn nhất” của anh và gia đình đó là xuống Vinh đăng ký vào học một trường nghề để có thể đỡ được phần nào học phí, chi phí đi lại không quá cao và cuối tuần có thể về quê để lấy gạo.

Thương anh, sợ anh bỏ học vì không có tiền, tốt nghiệp THPT, anh Trần Đình Đường quyết định nghỉ học 1 năm. Thay vào đó, anh xuống Vinh ở cùng anh trai và đi làm thuê để có tiền cho anh đi học. Kể về điều này, anh Trần Đình Đường nói thêm: Nơi anh em tôi ở gần với một công ty cầu đường nên hàng ngày tôi được các anh thương, cho đi làm công nhân, lát gạch đường. Làm xong buổi ngày, cứ chiều đến tôi lại thay bộ đồ lao động xuống lò ôn thi ở Trường Đại học Vinh để ôn thi đại học”…

Vì hoàn cảnh gia đình, hai anh em Trần Văn Chương và Trần Đình Đường đều chọn ngành Sư phạm vì được học gần nhà và được miễn học phí. Ảnh: Mỹ Hà

Vì hoàn cảnh gia đình, hai anh em Trần Văn Chương và Trần Đình Đường đều chọn ngành Sư phạm vì được học gần nhà và được miễn học phí. Ảnh: Mỹ Hà

Tròn một năm cặm cụi làm việc, ngày anh trai tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật 3 cũng là khi anh Trần Đình Đường nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Cao đẳng sư phạm. Lúc này, thay vì về quê, xin một công việc ổn định, anh Chương ở lại Vinh vừa làm công nhân, vừa làm những công việc ngắn ngày như đánh máy để có tiền cho em đi học.

Nói về thời gian này, anh Chương kể thêm: Tôi học Tin học, đã từng phỏng vấn và được một công ty quảng cáo có tiếng ngày ấy ở Vinh nhận vào thử việc. Thế nhưng, hỏi kỹ tôi mới biết, tháng đầu tiên, nhân viên tập sự không có lương. Vì không có tiền, lâu nay sống ngày nào biết ngày ấy nên tôi không dám nhận công việc này. Làm công nhân có thể vất vả hơn nhưng chúng tôi được trả công mỗi ngày, không lo không có cơm cho hai anh em.

Thầy giáo Trần Văn Chương

Hành trình nuôi nhau của hai anh em Trần Văn Chương và Trần Đình Đường kéo dài cho đến năm 2005, bởi sau khi tốt nghiệp, anh Trần Đình Đường nhận được quyết định lên công tác tại Trường Tiểu học Mường Lống 1 (Kỳ Sơn) dạy môn Mỹ thuật. Trong khi đó, anh Chương cũng đã kịp học lên, lấy Chứng chỉ sư phạm và xin được về quê dạy Tin học ở Trường Tiểu học Võ Liệt gần nhà.

Làm một người thầy tử tế

Có nhiều lý do khiến 2 anh em Trần Văn Chương và Trần Đình Đường chọn nghề thầy giáo. Một trong những lý do chính là bởi mẹ của mình. Chia sẻ về kỷ niệm này, anh Chương kể lại: Ngày trước, khi nhà tôi có thợ về sửa nhà, lợp cái mái, hay xây lại hàng rào thì mẹ tôi lại chăm lo cho họ đầy đủ. Rồi mẹ bảo, con xem đó, làm thợ, có cái nghề, khi nào cũng được coi trọng. Con cũng cố gắng, làm thợ, làm thầy để có một công việc tử tế, được mọi người yêu quý.

Thầy giáo Trần Văn Chương hiện vừa là giáo viên dạy Tin, vừa là Tổng phụ trách Đội ở Trường Tiểu học Võ Liệt. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Trần Văn Chương hiện vừa là giáo viên dạy Tin, vừa là Tổng phụ trách Đội ở Trường Tiểu học Võ Liệt. Ảnh: Mỹ Hà

Nhớ lời mẹ dặn nên trong công việc của mình, thầy giáo Trần Văn Chương và thầy giáo Trần Đình Đường đều luôn nỗ lực, cố gắng. Là một giáo viên trẻ, từ khi nhận công tác đến nay, dù là làm giáo viên dạy Tin học hay vai trò Tổng phụ trách Đội anh đều hoàn thành nhiệm vụ và được đồng nghiệp yêu quý.

Năm học 2020 - 2021, đón đầu việc thực hiện thay sách giáo khoa mới, huyện Thanh Chương lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi môn Tin học, anh là giáo viên dạy Tin học duy nhất đăng ký dự thi và được công nhận Giáo viên dạy giỏi huyện. Sang năm học 2021 - 2022, anh tiếp tục dự thi lần 2 và đạt giải. Với kết quả 2 năm liên tiếp đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, anh cũng là 1 trong 2 giáo viên Tin học của huyện Thanh Chương vinh dự được chọn đi thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2022.

Với thầy giáo Trần Đình Đường, hành trình làm thầy giáo của anh thăng trầm hơn khi anh có 5 năm công tác ở huyện biên giới Kỳ Sơn và đều cắm bản ở những trường khó, xa trung tâm. Hiện nay, dù anh đã được chuyển về công tác gần nhà tại Trường Tiểu học Võ Liệt 8 năm, nhưng vợ anh vẫn đang công tác tại Trường PT DTBT THCS Nậm Càn. Con đầu của anh cũng theo mẹ lên vùng cao sinh sống. Trong khi đó, ở dưới xuôi, anh và con trai út tự nuôi nhau. Cứ nửa tháng, anh lại ngược đường lên thăm vợ con hoặc vợ về xuôi…Cảnh vợ chồng xa nhau biền biệt cũng chưa biết khi nào mới kết thúc.

Vợ công tác tại huyện Kỳ Sơn, hai bố con thầy Trần Đình Đường tự chăm sóc và chưa biết ngày nào cả gia đình mới được sống gần nhau. Ảnh: Mỹ Hà

Vợ công tác tại huyện Kỳ Sơn, hai bố con thầy Trần Đình Đường tự chăm sóc và chưa biết ngày nào cả gia đình mới được sống gần nhau. Ảnh: Mỹ Hà

Đi thi để khẳng định bản thân

Trường Tiểu học Võ Liệt là một ngôi trường có bề dày thành tích của huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, khoảng hơn 5 năm trở lại đây, trường chỉ có 2 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi tỉnh. Thế nên, trong năm 2022 này, việc cùng một lúc trường có 2 giáo viên được cử đi thi giáo viên dạy giỏi tỉnh là một niềm vinh dự cho giáo viên, cho tập thể nhà trường. Điều đặc biệt hơn, cả hai đều dạy các môn đặc thù là Mỹ thuật, Tin học và lại là anh em ruột.

Nói về những đồng nghiệp của mình, cô giáo Phạm Thị Anh Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi nhận được quyết định của huyện, thầy giáo Trần Văn Chương và Trần Đình Đường đều lo lắng và ít nhiều có những áp lực. Nhưng tôi tin vào chuyên môn của hai thầy và thường xuyên động viên, khích lệ để các thầy yên tâm, hoàn thành nhiệm vụ.

Đến với Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh, cả hai cũng đã dành tâm huyết cho cả hai phần thi, đó là phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và phần thi lý thuyết. Trong đó, phần thi biện pháp, thầy Chương chọn nội dung “Kỹ năng đánh vi tính bằng 10 ngón tay” giúp học sinh linh hoạt khi sử dụng máy tính và giúp các em có các kỹ năng đánh vi tính nhanh, chính xác và có lợi thế khi tham gia các cuộc thi trực tuyến do ngành Giáo dục và Đoàn, Đội tổ chức.

Trong khi đó, thầy giáo Trần Đình Đường lại có nhiều kỷ niệm ở bài thi thực hành, một bài thi mà thầy đã quyết định thay toàn bộ giáo án trong phút cuối, nhưng cuối cùng lại nhận được sự hưởng ứng của học trò, được ban giám khảo đánh giá cao và cuối cùng được Công đoàn ngành Giáo dục khen thưởng là một trong những giáo viên có thành tích tốt nhất hội thi.

Chia sẻ thêm về phần thi này, thầy Đường kể lại: Tôi bắt được bài hướng dẫn học sinh vẽ về chú bộ đội. Lúc đầu, tôi soạn bài giảng cho đối tượng học sinh như ở trường mình đang công tác. Nhưng sau khi được tiếp xúc với các em học sinh ở thành phố Vinh 10 phút tôi thấy các em rất hoạt bát, tự tin và tối đó tôi đã thay đổi giáo án của mình. Thay vì cách dạy thụ động, thầy hướng dẫn cho trò, tôi chuyển sang cách dạy linh hoạt để học sinh phát huy được năng lực, được thể hiện bản thân. Trong quá trình tổ chức dạy học, có khá nhiều tình huống bất ngờ nhưng các em đã hoàn thành tốt yêu cầu của thầy giáo và chính các em cũng giúp tôi thăng hoa, hoàn thành tốt bài thi của mình.


Trong quá trình tham gia cuộc thi, thầy giáo Trần Đình Đường và Trần Văn Chương luôn nhận được sự ủng hộ của nhà trường và các em học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trong quá trình tham gia cuộc thi, thầy giáo Trần Đình Đường và Trần Văn Chương luôn nhận được sự ủng hộ của nhà trường và các em học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Việc cả hai anh em cùng được công nhận giáo viên dạy giỏi cũng đã đem đến niềm vui lớn cho Trường Tiểu học Võ Liệt trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Riêng với hai anh em thầy giáo Trần Văn Chương và Trần Đình Đường, hội thi là một kỷ niệm, một dấu ấn khó quên trong hành trình dạy học của mình.

Hơn thế, việc được tham gia cuộc thi, được thể hiện là một cách để các thầy, là hai anh em ruột, chứng minh trách nhiệm của mình với nghề, với học trò, với ngôi trường mà mình đang công tác.

Đó cũng là cách để họ tri ân cuộc đời, tri ân gia đình của mình...

Tin mới