Hai cha con và cuốn Từ điển tiếng Nghệ - Tĩnh

(Baonghean) - Mất gần 7 năm trời đằng đẵng, bằng tâm huyết của một người con với mảnh đất xứ Nghệ và trách nhiệm của một người nghiên cứu, nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập (quê Hà Tĩnh, hiện đang sống tại Hà Nội) đã cùng với cô con gái của mình nghiên cứu và xuất bản cuốn “Từ điển tiếng Nghệ - Tĩnh” được giới ngôn ngữ và từ điển đánh giá là khoa học, chính xác và hết sức kỳ công. 

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập và cuốn Từ điển tiếng Nghệ Tĩnh.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập và cuốn Từ điển tiếng Nghệ Tĩnh.
Tấm lòng với quê hương
Cầm trên tay cuốn sách vuông vức, với hơn 200 trang, chứa đựng khoảng 4.000 mục từ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi công tác nước ngoài hay có việc đi xa tôi luôn mang theo tài liệu để nghiên cứu, nghĩ được gì thì viết ngay. Về nhà, tôi lại thức đêm làm, nhiều lần vợ con phải bắt tôi đi ngủ để không ảnh hưởng đến sức khỏe”. 
Cuốn sách ra đời vào năm 2013, tuy nhiên trước đó ông đã có một quãng thời gian dài để nghiên cứu, sưu tập, khảo cứu cộng thêm vốn kiến thức dạn dày của một nhà sư phạm... những hình hài ban đầu của cuốn từ điển đặc biệt này mới ra đời. 
Ban đầu, ông chỉ coi đó như những tư liệu cá nhân dùng để lưu trữ hay chia sẻ với những ai cần tham khảo. Thế nhưng, cùng với thời gian khi nhận thấy tiếng Nghệ - Tĩnh ít nhiều đang bị chính người xứ Nghệ, đặc biệt là giới trẻ bỏ quên, cộng thêm vào đó là được sự động viên của những người bạn, những người làm công tác xuất bản, từ điển động viên, ông mới chính thức công bố những tài liệu cá nhân của mình dưới dạng một cuốn sách hoàn chỉnh, một tài liệu khoa học đầy chắt chiu, đầy tâm huyết. Ông coi đó như món quà của mình dành cho quê hương xứ Nghệ, nơi ông đã sinh ra, có thời gian lớn lên nhưng chưa có cơ hội để trả nghĩa quê hương.
Không chỉ là một cuốn từ điển theo kiểu giải thích từ nghĩa thông thường, nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập đã đặt mình vào tâm thế của những người đọc khác không phải là người xứ Nghệ để tự thấy những nhu cầu tìm hiểu về ngôn ngữ Nghệ - Tĩnh dưới nhiều góc độ khác nhau. Thế nên, người đọc sẽ dễ dàng tìm thấy ở “Từ điển tiếng Nghệ - Tĩnh” bên cạnh những từ cần định nghĩa theo tiếng phổ thông còn là những câu ca dao, tục ngữ, hát ví, giặm hay các cách nói mang tính phổ biến khác. Đôi khi còn thấy ở đó những câu văn, câu thơ trong tác phẩm văn học của những tác giả xứ Nghệ tiêu biểu làm ví dụ minh họa. Một số ví dụ được trích dẫn còn ghi tên tác giả để người đọc tiện tra cứu. Theo tác giả, việc này không chỉ giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ nhận diện mà còn góp phần giới thiệu vốn văn hóa, tinh thần rất đặc sắc của địa phương mình cho bạn đọc. 
Tâm huyết của nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập cũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cô con gái Nguyễn Thúy Nga (thời điểm đó đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Queensland, Australia, hiện là giảng viên Ngôn ngữ của Đại học Sư phạm Hà Nội). 
Chính con gái nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập đã sát cánh bên cha mình với vai trò là đồng tác giả, giúp sức đắc lực cho cha mình hoàn thành cuốn từ điển đầy tâm huyết này. 
“Đọc qua con chữ, thấy lời quê hương”
Khi được hỏi: “Khi làm cuốn sách này, ông có gặp khó khăn gì?”, nhà giáo Nguyễn Ngọc Lập bày tỏ, do có thời gian hoạt động trong lĩnh vực sư phạm lại là người thường xuyên có ý thức trong việc tham khảo, lưu trữ tài liệu... nên việc này không gặp khó khăn nhiều lắm. Tuy nhiên, ông cũng cho hay cuốn từ điển từ bản thảo đến khi trở thành cuốn sách hoàn chỉnh như hiện nay cũng bị cắt bỏ một số phần. “Có một số từ hơi tục, tôi chưa tiện đưa vào, bên cạnh đó cũng có những từ mà nhà xuất bản họ cắt bỏ vì cho rằng đó không phải là tiếng Nghệ mà là tiếng phổ thông đã phổ biến”, ông nói. 
Trong bối cảnh đó, ông đã không ít lần phải đấu tranh để chứng minh rằng đó chính là tiếng Nghệ gốc. Một số nơi cũng có những từ tương tự nhưng nghĩa của nó khác hoàn toàn. Ông lấy ví dụ: “Trong tiếng Nghệ- Tĩnh, những từ choa (tao), bầy choa (chúng tao), cươi (sân), nhởi (chơi)... có sự khác biệt với từ phổ thông. Một số từ đồng âm, nhưng nghĩa lại khác hoàn toàn như: Nỏ (không), khác với từ phổ thông: Cái nỏ. 
Có đọc “Từ điển tiếng Nghệ -Tĩnh” mới thấy tiếng Nghệ - Tĩnh của chúng ta phong phú đến nhường nào. Chỉ riêng từ “mần” đã có khoảng 29 nghĩa phát sinh, kết hợp khác nhau, kéo dài trong hơn một trang sách. Còn từ “nác” (nước) có tới 15 cách kết hợp khác nhau. 
Đánh giá về công trình này, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam), thành viên nhóm biên tập sách đã nhận định: Trong xu hướng hội nhập, hòa nhập như hiện nay, ranh giới và dấu vết các vùng phương ngữ đang bị nhòe dần thì việc sưu tầm - biên soạn các cuốn từ điển phương ngữ như vậy là rất quý. Riêng đối với cá nhân tác giả, PGS.TS Phạm Văn Tình cũng dành những lời ưu ái, ông bày tỏ: “Đằng sau những con chữ, những mục từ khô khan kia là biết bao công sức và tâm huyết của những người làm từ điển “nghiệp dư” này đã dày công soạn thảo: Công trình kể biết mấy mươi/ Đọc qua con chữ thấy lời quê hương”.
Về phần mình, tác giả Nguyễn Ngọc Lập dường vẫn còn đau đáu với những con chữ quê hương. Ông nói, không tránh khỏi việc người Nghệ - Tĩnh ngày nay không biết tiếng Nghệ - Tĩnh nữa, tuy nhiên, ông vẫn mong sao công trình này đến được thật nhiều với bạn đọc gần xa, để qua đó người đọc, nhất là người đọc Nghệ - Tĩnh thêm trân quý phương ngữ quê hương mình, một phương ngữ mà ông nói đó là tiếng của một vùng đất không chỉ của anh hùng hào kiệt mà còn là vùng đất của các danh nhân văn hóa...và lẫn trong những tiếng, những âm ấy còn phảng phất hồn quê đậm đặc, chắt ra từ những mặn mòi, chứa chở cả những hanh hao khắc nghiệt thiên tai, ràn rạt gió Lào... 
Bài, ảnh: Hồ Viết Thịnh

Tin mới