Hai học trò vùng cao Nghệ An giành giải Nhất sáng tạo KHKT khi cải tiến xe lăn

(Baonghean.vn) - Dù không có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu nhưng với niềm đam mê và sự cần cù, 2 học sinh vùng cao dưới sự hướng dẫn của thầy giáo đã cho ra đời chiếc xe lăn cải tiến phục hồi chức năng rất hữu ích. Sản phẩm đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Nghệ An và được chọn dự thi cấp quốc gia.

Sự gặp gỡ về ý tưởng

Dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng” của nhóm tác giả Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang - học sinh lớp 8 Trường THCS Trà Lân (Con Cuông) là 1 trong 9 dự án đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Nghệ An.

Vinh dự hơn, dự án còn được lựa chọn dự cấp quốc gia vào tháng 3/2019, vì được đánh giá rất cao về tính ứng dụng.

Hai em Trương Văn An và Phan Quỳnh Trang
Hai em Trương Văn An và Phan Quỳnh Trang thuyết minh dự án tại cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bá Hậu

Sản phẩm được ấp ủ từ những ý tưởng sơ khai lúc hai em An và Trang đến thăm thầy Phan Sĩ Việt. Tại đây, hai em gặp mẹ của thầy Việt, bà bị tai biến khoảng 15 năm trước, phải di chuyển bằng xe lăn. Lúc ấy, bà ra hiệu mỏi lưng, thầy Việt đang bận nên nhờ An lấy gối lót tựa lưng giúp bà.

Làm xong việc, An chợt hỏi: “Xe lăn này sao họ không thiết kế tựa lưng thầy nhỉ”? Cả thầy Việt, An và Trang cùng nhìn vào chiếc xe lăn, ý tưởng sẽ cải tiến chiếc xe lăn để giúp cho mẹ của thầy ngồi được thoải mái hơn xuất hiện từ đó.

Trương Văn An có bố và mẹ đều là giáo viên THCS, bố của An đã qua đời năm em 8 tuổi, em trai An mới 8 tháng tuổi, một mình mẹ phải chăm lo mọi việc. Dù hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn nhưng An vẫn cố gắng vươn lên trong học tập, trở thành học sinh giỏi môn Vật lý.

Mẹ của thầy Phan Sĩ Việt bị tai biến mạch máu não là người đầu tiên
Mẹ của thầy Phan Sĩ Việt bị tai biến mạch máu não là người đầu tiên ngồi thử nghiệm chiếc xe lăn cải tiến. Ảnh: Công Khang

Còn Phan Quỳnh Trang là nữ sinh có năng khiếu môn tiếng Anh. Trang luôn ấp ủ mơ ước sáng tạo ra một sản phẩm bổ trợ học tiếng Anh cho người khuyết tật. 

Thầy giáo Phan Sĩ Việt là giáo viên giảng dạy Toán – Lý khá lâu năm tại Trường THCS Trà Lân, nhiều năm liền thầy tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt kết quả cao. Mẹ của thầy bị tai biến cách đây 15 năm, khoảng 10 năm nay, sau cơn tai biến lần thứ hai không còn khả năng đi lại, phải di chuyển bằng xe lăn.

Suốt một thời gian dài chăm sóc mẹ, thầy Việt và những người thân hiểu hết những vất vả của những gia đình có người thân bị tai biến mạch máu não, bán thân bất toại. Từ đó, khi nghe An đặt ra câu hỏi và khi Trang chia sẻ niềm mơ ước đang ấp ủ, dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng” đã hình thành. 

Bệnh nhân là người thẩm định trước tiên

Từ khoảng 8 tháng trước, vào mỗi buổi chiều, người dân trong vùng thường thấy 3 thầy trò ngồi bên chiếc xe lăn, hết tháo ra lại lắp vào, công việc này cứ lặp đi lặp lại. Rồi đến bãi thu mua phế liệu tìm những bộ phận, chi tiết từ phế thải phù hợp để cải tiến chiếc xe lăn. Mỗi khi xong việc  dạy - học trên lớp, thầy - trò lại gặp nhau trao đổi, vấn đề nào trò chưa hiểu lại hỏi thầy và cùng nhau thảo luận những ý tưởng mới.

Nhóm tác giả dự án
Nhóm tác giả dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng” và các thầy, cô giáo chụp ảnh lưu niệm sau cuộc thi cấp tỉnh. Ảnh: Bá Hậu

Đầu tiên chỉ là ý tưởng cải tiến tựa lưng trên chiếc xe lăn cho người bệnh. Qua thử nghiệm, các ý tưởng mới tiếp tục xuất hiện, từ đó nhiều chức năng bổ trợ, phục hồi khác được hình thành. Để ý tưởng được thực nghiệm bằng thực tiễn, thầy Việt nhờ mẹ của mình ngồi lên xe lăn và đánh giá hiệu quả của từng bộ phận được cải tiến.

Lần đầu ngồi lên xe lăn cải tiến, mẹ của thầy Việt khẽ lắc đầu, tay chỉ vào bàn đạp ra hiệu bàn đạp phải với xa, nên chân hay bị tuột. Rồi bà chỉ vào cái tựa lưng ra hiệu tấm ván gỗ rộng quá nên gây đau, nghĩa là chưa tạo nên hiệu quả như mong muốn của ba thầy trò.

Không nản lòng, dưới sự hướng dẫn của thầy Việt, hai học trò tiếp tục với công việc nghiên cứu, cải tiến xe lăn bằng cách thay đổi bàn đạp chân có khớp kéo dài - ngắn để phù hợp với chiều cao của mỗi bệnh nhân. Đồng thời, gắn một đôi dép cao su có quai vào bàn đạp để cố định bàn chân và giúp người bệnh đỡ đau khi tập luyện hay di chuyển.

Tấm tựa lưng nguyên khối cũng được thay thế bằng nhiều thanh gỗ nhỏ gắn vào nhau, vừa có tác dụng mát-xa lưng cho người bệnh, lại ít gây đau khi di chuyển.

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chúc mừng nhóm tác giả dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng”. Ảnh: Công Khang

Lần này, mẹ thầy Việt lại ngồi vào xe lăn để thẩm định, thầy trò lại hồi hộp chờ đợi. Ngồi lên một lúc, bà chợt nở nụ cười, đôi mắt rạng ngời niềm vui. Điều ấy nói lên rằng sản phẩm đã hoàn thiện và được bệnh nhân thẩm định.

Tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh bậc THCS huyện Con Cuông năm học 2018 – 2019 sản phẩm của Trương Văn An và Phan Quỳnh Trang đạt giải Nhất. Tiếp đến là giải Nhất cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và được lựa chọn dự thi cấp quốc gia.

Dự án được Ban giám khảo đánh giá là mang tính nhân văn cao, góp phần chia sẻ khó khăn đối với bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não, tai nạn, rủi ro. Đồng thời, có tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn, giá thành rẻ và chi phí thấp.

Tin mới