Hai nam sinh huyện Quỳnh đam mê nghiên cứu khoa học

(Baonghean) - Hồ Sỹ Lê và Ngô Phúc Lương đều có chung một niềm đam mê nghiên cứu khoa học và là thành viên câu lạc bộ khoa học kỹ thuật của trường THPT Quỳnh Lưu 1.
Với niềm đam mê, sự cần cù chịu khó trong học tập rèn luyện nên hai chàng trai đất Quỳnh: Hồ Sỹ Lê và Ngô Phúc Lương, học sinh lớp 12A2, trường THPT Quỳnh Lưu 1 đã gặt hái được những thành quả trong học tập cũng như trong nghiên cứu khoa học.
Vinh dự hơn khi đầu tháng 3 vừa qua, dự án của hai nam sinh này là một trong những đại diện tiêu biểu của Nghệ An tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và đạt giải Tư.
Hồ Sỹ Lê (thứ hai từ trái sang) và Ngô Phúc Lương (thứ tư từ trái sang) trong một tiết thực hành môn Vật lý. Ảnh: Lê Nhung
Hồ Sỹ Lê (thứ hai từ trái sang) và Ngô Phúc Lương (thứ tư từ trái sang) trong một tiết thực hành môn Vật lý. Ảnh: Lê Nhung
Hồ Sỹ Lê và Ngô Phúc Lương đều có chung một niềm đam mê nghiên cứu khoa học và là thành viên câu lạc bộ khoa  học kỹ thuật của trường THPT Quỳnh Lưu 1. Tham gia câu lạc bộ từ năm học lớp 10 nên Lê và Lương có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các ý tưởng, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Từ đó hun đúc thêm tình yêu khoa học, thắp sáng lên ngọn lửa đam mê và hai em đã mạnh dạn theo đuổi ý tưởng của mình.
Đề tài nghiên cứu khoa học của hai em mang tên “Thiết kế hệ thống giám sát nồng độ oxy – PH và tự động cung cấp oxy trong nuôi tôm công nghiệp” sau khi đạt giải Nhì cấp tỉnh đã được lựa chọn là một trong 18 đề tài đi dự thi cấp quốc gia.
Chia sẻ thêm về đề tài của mình, em Hồ Sỹ Lê cho biết: “Trong gia đình em có người nuôi tôm nên em biết việc theo dõi nồng độ oxy tốn nhiều thời gian công sức. Vì vậy nên em muốn làm một thiết bị thay thế con người, tự động làm việc và theo dõi nồng độ nước. Trong quá trình làm gặp nhiều khó khăn về thiết bị, kinh phí, kiến thức, lập trình...”
Với tiềm năng, thế mạnh của mình nên những năm qua, ngành nuôi tôm công nghiệp của huyện Quỳnh Lưu phát triển mạnh, mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên nuôi tôm chứa đựng nhiều rủi ro bởi đây là loại vật nuôi nhạy cảm với điều kiện thời tiết, dễ xảy ra dịch bệnh.
Với mong muốn đóng góp sức mình cùng bà con nuôi tôm địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhất là giám sát nồng độ oxy – PH – một công việc lâu nay chủ yếu làm thủ công nên hai em Lê và Lương đã nung nấu ý tưởng, nhờ thầy cô và bạn bè giúp sức để cho ra đời đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tế cao này. Trong quá trình thực hiện và nghiên cứu đề tài, nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cũng như đầu tư kinh phí để đề tài được hoàn thiện.
Thầy giáo Nguyễn Hải Thanh – Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 1 cho biết: “Trong 2 năm qua trường đã thành lập CLB khoa học kỹ thuật và hàng tháng có tổ chức sinh hoạt, đưa ra các ý tưởng cho thành viên góp ý. Riêng hai em Lê và Lương thì sản phẩm, ý tưởng của các em đã có từ năm trước và đã tham gia dự thi cấp tỉnh đạt giải nhì, được chọn tham gia cấp quốc gia trong tháng 3 vừa rồi.
Trường rất quan tâm đến hoạt động của CLB khoa học kỹ thuật vì đây là môi trường để các em xây dựng ý tưởng cho nghề nghiệp tương lai. Rất mừng là sản phẩm của 2 em rất thiết thực với đời sống thực tế ở huyện Quỳnh Lưu là nuôi trồng thủy sản để tránh tôm mắc dịch bệnh.”
Hai nam sinh bên đề tài nghiên cứu của mình. Ảnh: NVCC
Hai nam sinh bên đề tài nghiên cứu của mình. Ảnh: NVCC
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, hai chàng trai đã gặp nhiều khó khăn thử thách, không chỉ phải sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý mà còn phải mày mò, tìm kiếm thiết bị, máy móc phù hợp bởi nhiều thiết bị cần thiết cho đề tài không có tại Việt Nam mà phải đặt mua ở nước ngoài. Hơn nữa vì nhà cách xa nhau, Lê ở xã Quỳnh Hoa, còn Lương ở xã Quỳnh Bá nên cả hai thường tranh thủ lúc học thêm, giờ ngoại khóa để cùng nhau làm việc; có lúc hai bạn đến nhà nhau và cùng học, cùng thức đến 2 - 3h sáng để nghiên cứu đề tài. 
Được biết, đây là năm đầu tiên học sinh THPT huyện Quỳnh Lưu được tham dự kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và vinh dự đạt giải. Do đó, đây là nguồn động viên, khích lệ lớn để phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới tại các trường THPT trên địa bàn huyện.
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, đề tài của hai nam sinh đất Quỳnh này sẽ có điều kiện hoàn thiện hơn nữa, sớm được ứng dụng, đưa vào thực tiễn, góp phần cùng bà con nuôi tôm địa phương đưa ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển bền vững.

Tin mới