Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu trình Hội nghị T.Ư 7

Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu dự kiến trình Hội nghị T.Ư 7 xem xét vào tháng 5 tới.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp sáng nay, 23.4.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp sáng nay, 23.4.
Tại hội nghị toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội sáng nay, 23/4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình bày các nội dung sơ bộ của Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị T.Ư 7.
Theo đó, về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đề án đưa ra 2 phương án. Cụ thể, phương án 1: nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam lên 62, với lộ trình điều chỉnh mỗi năm 3 tháng. Phương án 2: nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam lên 65, với lộ trình điều chỉnh mỗi năm 4 tháng.
"Cả 2 phương án đều được điều chỉnh có lộ trình để tránh gây sốc cho xã hội", ông Dung lý giải và cho biết thêm, nếu nội dung này được Hội nghị T.Ư 7 thông qua, sẽ phải sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội.
Một nội dung đáng chú ý khác trong đề án, theo ông Dung, là điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Quy định hiện hành phải đóng 20 năm khiến nhiều lao động chỉ đóng được 10 hay 15 năm nếu không đủ khả năng đóng tiếp thì không được giải quyết. Trong khi đó, nhiều nước quy định mềm mại hơn.
"Chúng tôi dự kiến xây dựng lộ trình trước mắt là 15 năm, sau đó xem xét rút xuống 10 năm, theo nguyên tắc: đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít", ông Dung cho hay.
Một vấn đề khác, theo ông Dung, là số người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2017 bằng số người nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, khiến số lượng người vào bằng số lượng người rút ra.
"Không có đất nước nào thiết kế chính sách hào phóng như vậy, đóng ít hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng dài, ngoài hưởng phần nhà nước hỗ trợ, lại hưởng cả phần doanh nghiệp đóng", ông Dung so sánh, và cho biết, nội dung đề án cũng sẽ thiết kế các giải pháp để khắc phục bất cập nói trên theo hướng nếu rút thì chỉ hưởng phần cá nhân đóng góp, chứ không hưởng các phần khác.
Hơn 300.000 doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin từ cơ quan thuế cho biết, toàn quốc có khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ đang quản lý thu bảo hiểm xã hội 230.000 doanh nghiệp. "Như vậy, còn trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc", ông Dung nói.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), toàn quốc có khoảng 3 triệu người làm việc tại các doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Tin mới