Hạn chế tham gia giao thông khi không thật sự cần thiết trong dịp lễ 30/4

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những nội dung được nêu trong công điện số 14/CĐ-UBND ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ 30/4 và 1/5/2020. ​

Nội dung công điện nêu rõ:

Sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, dự kiến trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay, các hoạt động giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng mạnh so với thời gian thực hiện giãn cách. Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 (từ 30/4 đến 03/5/2020) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 480/CĐ-TTg ngày 23/4/2020; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của cấp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Giao thông vận tải

- Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có phương án hoạt động phù hợp, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ. Yêu cầu tuân thủ quy tắc giao thông và các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, phòng ngừa dịch bệnh... Công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, phối hợp giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân về hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô trong dịp nghỉ lễ.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng thuộc Sở tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các phương tiện, đơn vị vận tải có hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trong dịp Lễ như: Chở quá số người; sang nhượng hành khách; tăng giá vé trái quy định; không minh bạch trong hoạt động bán vé trong các ngày cao điểm; phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật; dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; phương tiện không tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời xóa bỏ tình trạng “xe dù”, “bến cóc” phát sinh trên địa bàn trong dịp lễ (nếu có).

- Phối hợp với lực lượng Công an xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng ứng trực để điều tiết, giải tỏa kịp thời, không để xảy ra ùn tắc trong dịp lễ tại các địa bàn trọng điểm (như TP Vinh và các vùng phụ cận), phối hợp xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn, ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự như chạy quá tốc độ; phóng nhanh vượt ẩu; vi phạm về nồng độ cồn; sử dụng ma túy, không có giấy phép lái xe.

- Chỉ đạo các đơn vị thi công trên các đoạn, tuyến vừa thi công và khai thác phải hướng dẫn, tổ chức giao thông, bố trí hệ thống báo hiệu đầy đủ (cả ban đêm và ban ngày); có phương án thu dọn các trang thiết bị, vật liệu, hoàn trả mặt đường trước khi nghỉ Lễ; đối với những nơi chưa thi công xong phải xử lý vuốt nối êm thuận, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

- Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi thuyền, đò qua sông; tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông, các bến có tổ chức lễ hội. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa trái phép, phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn hoặc không có thiết bị cứu sinh.

2. Công an tỉnh:

- Tiếp tục duy trì nghiêm, hiệu quả hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, kết hợp phòng, chống dịch bệnh; tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định, vi phạm tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường; chở quá người quy định; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy... Có phương án ngăn chặn, xử lý, trấn áp hiệu quả hành vi tụ tập đua xe trái phép, nhất là trên địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận; đẩy mạnh kiểm tra an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch và sử dụng phương tiện nhỏ, thô sơ chở người hoạt động trên đường thủy.

- Khi xảy ra dấu hiệu ùn tắc giao thông cục bộ, phải có phương án tổ chức phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc kịp thời, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt; khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao, các khu du lịch; bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các đầu mối giao thông trọng điểm.

- Tổng hợp báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông trong các ngày nghỉ Lễ, (báo cáo trước 15h00 ngày 03/5/2020) về Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia theo quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông trong dịp Lễ; trong đó tập trung tuyên truyền về các nội dung: Khuyến khích người dân nên hạn chế tham gia giao thông khi không thật sự cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19; nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cảnh báo hậu quả, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm (nhất là vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ quy định, vi phạm tín hiệu giao thông...); tuyên truyền về các kỹ năng tham gia đường bộ, đường thủy cho toàn thể các tầng lớp nhân dân.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông kết hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân như: Nên hạn chế tham gia giao thông khi không thật sự cần thiết; tuyệt đối không lái xe khi đã sử dụng rượu bia; không sử dụng chất ma túy; không lái xe vượt quá tốc độ; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn; nhất là tại các đầu mối giao thông trong  các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các nút giao giữa đường phụ ra đường chính, tại các điểm du lịch, các bến khách ngang sông...

- Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tập trung xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động vận tải khách trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa. Kiên quyết xóa bỏ tình trạng “xe dù”, “bến cóc” phát sinh trên địa bàn trong dịp lễ (nếu có).

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện này. Kết thúc kỳ nghỉ lễ, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND tỉnh theo quy định.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Công điện này. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh (qua Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh) để được hướng dẫn./.

Tin mới