Hạn hán khốc liệt trên diện rộng

Nắng nóng khốc liệt liên tục trong những ngày qua đã làm nhiều diện tích cây trồng ở các địa phương bị cháy lá, một số diện tích đã gần như không thể phục hồi. Hiện, lượng nước tại các sông và hồ đập đang dần cạn kiệt, nếu thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng và không có mưa, thì thiệt hại càng lớn. Trong điều kiện đó các địa phương và người dân đang nỗ lực chống hạn, giảm mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất.

Thời tiết nắng nóng 38 – 41 độ C trong những ngày qua và không có mưa, đã gây hạn hán khốc liệt trên nhiều loại cây trồng. Tại Quỳnh Lưu, gần 500 ha lúa vụ hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng, Quỳnh Yên, Quỳnh Hoa, An Hòa…

Hiện nay, huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đưa nước về bơm tát chống hạn cho cây trồng. Các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền nhân dân dùng các loại máy bơm điện, bơm xăng dầu để bơm nước ở hồ đập, khe suối lên những diện tích đang bị hạn nặng.

Huyện Quỳnh Lưu nỗ lực đưa nước về bơm tát chống hạn cho cây trồng. Ảnh: Hồng Diện
Huyện Quỳnh Lưu nỗ lực đưa nước về bơm tát chống hạn cho cây trồng. Ảnh: Hồng Diện

Tình trạng khô hạn trên diện rộng, mực nước ở hệ thống kênh chính Đô Lương đang xuống thấp nên để cứu lúa, các xã ở Quỳnh Lưu huy động nhiều loại máy bơm mini trong dân, máy bơm dã chiến và tận dụng mọi nguồn nước có thể để hút lên tưới cho các chân ruộng.

Hiện nay, nước ở 5 hồ đập do Xí nghiệp thủy lợi huyện Quỳnh Lưu quản lý đã giảm xuống sâu, mực nước ở hệ thống kênh chính xuống thấp. Dự báo chỉ trong vài ngày nữa nếu thời tiết không có mưa thì số diện tích bị hạn có thể tiếp tục tăng.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nông dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước; gia cố hệ thống bờ xung quanh ruộng, nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng để giữ nước tại mặt ruộng.

Đồng thời, Quỳnh Lưu cũng đang tiến hành nâng cấp, sửa chữa 2 hồ đập là Khe Gang thuộc xã Ngọc Sơn và Khe Sân thuộc xã Quỳnh Thắng để phục vụ công tác chống hạn trước mắt và lâu dài.

Là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong nhiều năm qua, tuy nhiên, thời điểm này, vùng chanh tại xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) đang trong tình trạng chết cháy hàng loạt do nắng nóng. Nếu thời gian tới không có mưa, nguy cơ xóa sổ vùng chanh của huyện Hưng Nguyên rất cao.

Thời điểm này đang là chính vụ của thu hoạch chanh, tuy nhiên, khác với hình ảnh người người, nhà nhà nhộn nhịp đi hái chanh trong các năm trước, năm nay, khắp các khu vườn, các nẻo đường của 2 xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam đều chất đầy các cây chanh bị chết cháy, nằm chỏng chơ bên vệ đường.

Nhiều gia đình tại xã Hưng Yên Nam chặt bỏ cây chanh vì bị chết. Ảnh: Quang An
Nhiều gia đình tại xã Hưng Yên Nam chặt bỏ cây chanh vì bị chết. Ảnh: Quang An

Gia đình bà Ngô Thị Thịnh, xóm  2, xã Hưng Yên Nam có 4 sào chanh, là cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay số chanh trong vườn đã chết hơn nửa, số còn lại cũng đang trong tình trạng “ngắc ngoải”.

Hàng trăm hộ dân tại xã Hưng Yên Nam – địa phương có diện tích chanh lớn nhất của huyện Hưng Nguyên cũng phải chịu tình cảnh tương tự.

Ông Vương Đình Trung – xã Hưng Yên Nam xót xa: “Bao năm chăm sóc giờ coi như đổ bể, nếu như các năm, vườn chanh 5 sào của tôi với 450 gốc cho thu nhập hàng chục triệu đồng thì năm nay coi như mất trắng. Tôi sẽ chặt bỏ cả vườn và chuyển sang trồng đào cảnh chứ trồng chanh giờ không ăn thua nữa rồi”.

Theo thống kê toàn xã Hưng Yên Nam, có 200 ha chanh (chiếm 2/3 diện tích toàn huyện) tuy nhiên đã bị chết cháy khoảng 100 ha. Số diện tích chanh còn lại đang sinh trưởng cầm chừng.

Vườn chanh của 1 hộ dân tại xã Hưng Yên Bắc đã bị xóa sổ. Ảnh: Quang An
Vườn chanh của 1 hộ dân tại xã Hưng Yên Bắc đã bị xóa sổ. Ảnh: Quang An

Còn ở xã Hưng Yên Bắc, số diện tích chanh chết cháy cũng đã hơn nửa, toàn xã có gần 100 ha chanh thì đã chết vì hạn khoảng 50 ha. Điều buồn nhất đối với bà con trồng chanh là dù biết cây sẽ chết dần nhưng không thể cứu vớt được vì không có nguồn nước.

Ở vùng bán sơn địa này, hiện nay nước sinh hoạt của bà con cũng thiếu, do đó việc tìm nước tưới cho cây trồng lại càng khan hiếm. Do đó, hiện chỉ có mưa mới cứu được diện tích chanh đang ngắc ngoải, nếu không có mưa, bà con đành phải bất lực nhìn chanh chết dần.

Chanh chết, nguồn cung bị sụt giảm, do đó giá chanh hiện đang tăng cao. Nếu như chính vụ năm ngoái, giá chanh chỉ 3.000 – 5.000 đồng/kg thì năm nay đã tăng lên 18.000 – 20.000 đồng/kg thu mua ngay tại vườn. Do đó, nhiều người đã tranh thủ “mót” chanh để bán khi được giá, thậm chí những quả chanh non cũng bị tận thu, vì nếu không thu hoạch chanh cũng sẽ chết dần, bà con mất trắng.

Do nắng nóng khốc liệt liên tục trong những ngày qua, tại các vùng chè trọng điểm của Nghệ An, đã có trên 800 ha chè bị cháy sém, một số diện tích cháy rụi nặng nề.

Ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, ngoài những diện tích chè bị cháy táp lá, đã có khoảng 3 ha chè bị cháy nặng nề, khó cứu vãn. Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2016, toàn xã có tới gần 40 ha bị chết cháy, phải trồng lại. Sau đó, nhiều diện tích được đầu tư hệ thống tưới.

Hiện toàn xã có 1.000 ha chè, chúng tôi đang nỗ lực mọi biện pháp để cứu chè, tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, ở nhiều vùng nguồn nước đã khô cạn, không thể tưới được nữa.

Chè bị cháy rụi tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Chè bị cháy rụi tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Tại những vùng đang có nước, dù ít ỏi, nhưng bà con vẫn tận dụng mọi nguồn nước, biện pháp để kéo dài thời gian giúp cây chè cầm cự với nắng hạn”.

Do nắng nóng khốc liệt kéo dài liên tục trong những ngày qua, nên dù người dân đã thực hiện nhiều giải pháp chống hạn, nhưng đến nay, Thanh Chương đã có trên 400 ha chè bị cháy sém lá, nằm rải rác ở tất cả các xã vùng chè của huyện.

Tại huyện Anh Sơn, đến ngày 23/6, trong tổng số 2.068 ha chè của huyện đã có 211 ha bị cháy lá ngọn, nằm rải rác ở hầu khắp các vùng chè của huyện.

Chè bị cháy lá từ 3 ngày nay, do nắng nóng kéo dài quá lâu, thậm chí một số ít diện tích ở xã Đỉnh Sơn, dù vẫn đang được tưới nhưng do lượng nước bơm lên không thể đủ để giúp chè chống chọi với nắng hạn nên vẫn cháy.

Nếu nắng nóng liên tục vẫn kéo dài khoảng 10 ngày nữa, trừ 250 ha chè đã được đầu tư hệ thống tưới, còn lại hầu hết diện tích chè của huyện Anh Sơn sẽ có nguy cơ “chết cháy” rất cao. Còn ở huyện Con Cuông, 138 ha/356 ha chè của huyện bị cháy lá từ một tuần nay, tập trung tại các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Nếu 5- 6 ngày tới vẫn không có mưa thì 138 ha chè đã cháy lá sẽ có thể bị chết, diện tích chè cháy sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ nay đến những ngày đầu tháng 7/2019, ở Nghệ An tiếp tục xảy ra nắng nóng, có ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 37 – 40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Năm nay lượng mưa tiểu mãn không đáng kể, lượng nước ở các hồ chứa không được bổ sung, mực nước trên sông Cả tại các công trình đầu mối không đạt mức thiết kế, mực nước các hồ đập và các kênh tạo nguồn nội đồng giảm rất nhanh, nhất là các hồ chứa nhỏ có thể bị cạn kiệt không đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới vụ hè thu.

Do vậy, các công trình thủy lợi phục vụ tưới vụ hè thu năm 2019, đặc biệt các hồ chứa nhỏ chỉ cấp nước được 2 đến 3 đợt tưới dưỡng. Nếu trong những ngày tới không có mưa thì tình hình hạn sẽ xảy ra rất căng thẳng, diện tích lúa đã gieo cấy bị chết do thiếu nước sẽ tăng và nhiều vùng sẽ thiếu cả nước sinh hoạt, tập trung ở vùng Diễn – Yên – Quỳnh, Nam – Hưng – Nghi và vùng hồ chứa ở trung du, miền núi.

Vì thời tiết khô hạn, nước hồ Vực Mấu (ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) xuống thấp, để lộ một phần lòng hồ nứt nẻ và các gò cát. Ảnh: Nhật Thanh
Vì thời tiết khô hạn, nước hồ Vực Mấu (ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) xuống thấp, để lộ một phần lòng hồ nứt nẻ và các gò cát. Ảnh: Nhật Thanh

Để ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán đảm bảo nước phục vụ cho sản xuất vụ hè thu mùa năm 2019 và sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn về việc chống hạn, trong đó yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi trên địa bàn, chủ động lực lượng, thiết bị, máy bơm dầu, bơm điện dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để bơm tưới phục vụ sản xuất và cấp nước cho sinh hoạt, dân sinh.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè thu – mùa năm 2019 cho phù hợp với điều kiện của địa phương; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý, những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải chuyển sang gieo trồng các loại cây khác hoặc chuyển vụ nhằm đảm bảo gieo trồng hết diện tích đã đề ra. Chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân các biện pháp chống hạn cho các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như: chè, cà phê, mía, cam, dứa.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất kế hoạch xả nước gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du.