Hàng chục nghìn người biểu tình tham gia 'Ngày hành động' ở Pháp

(Baonghean.vn)- Ngày 23/6, các cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động mang tên "Bộ trưởng Lao động El Khomri" đã diễn ra đồng loạt tại thủ đô Paris và một số thành phố như Marseille, Caen, Renne, Nantes thu hút hàng chục nghìn người tham gia

Biểu tình tại Quảng trường Bastille ở thủ đô Paris, Pháp ngày 23/6. Ảnh: Reuters.
Biểu tình tại Quảng trường Bastille ở thủ đô Paris, Pháp ngày 23/6. Ảnh: Reuters.

Đây là cuộc biểu tình thứ 10 kể từ khi bắt đầu làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp hồi tháng 3 vừa qua nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà các nghiệp đoàn cho là tạo điều kiện thuận lợi cho giới chủ và làm tổn hại các quyền cơ bản của người lao động. 

Cuộc biểu tình diễn ra bất chấp lệnh cấm của Chính phủ Pháp do lo ngại nguy cơ khủng bố ở mức cao và cần đảm bảo an ninh cho các trận đấu của Vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2016.

Các thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), nghiệp đoàn lớn nhất Pháp, tham gia cuộc biểu tình ngày 23/6. Ảnh: Reuters.
Các thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), nghiệp đoàn lớn nhất Pháp, tham gia cuộc biểu tình ngày 23/6. Ảnh: Reuters.

Tại Paris, cuộc biểu tình xuất phát từ Quảng trường Bastille, đi theo một lộ trình có chiều dài 1,6 km. 

Đây là cuộc biểu tình tuần hành có quãng đường ngắn nhất từ trước đến nay tại Pháp. 

Trong đơn xin tiến hành biểu tình, 7 tổ chức công đoàn, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) đề nghị được tiến hành biểu tình trên tuyến đường dài 2,1 km nối quảng trường Bastille với quảng trường Nation. 

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp và Sở cảnh sát Paris đã yêu cầu tiến hành một cuộc biểu tình tại chỗ, ở Quảng trường Bastille với lý do nguy cơ khủng bố đang ở mức rất cao và cần phải đảm bảo an ninh cho các trận đấu của vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016). 

Lực lượng an ninh được triển khai để đề phòng nguy cơ biểu tình biến thành bạo loạn. Ảnh: Reuters.
Lực lượng an ninh được triển khai để đề phòng nguy cơ biểu tình biến thành bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Các cuộc thương lượng giữa chính quyền và các nghiệp đoàn trong những ngày qua đã đi đến một sự thỏa hiệp, cuộc biểu tình - tuần hành được tổ chức nhưng trên một tuyến đường ngắn hơn và có lộ trình đi qua khu vực có ít cửa hàng, cửa hiệu hơn.

Lộ trình này cho phép giảm các thiệt hại về tài sản do các hành động đập phá của một số nhóm người quấy rối và phá hoại xuống mức thấp nhất. 

Để đảm bảo an ninh cho cuộc biểu tình, nhà chức trách đã huy động 2.000 cảnh sát, đồng thời tiến hành kiểm soát gắt gao túi xách, ba lô của người biểu tình ngay tại lối vào khu vực. 95 người mang theo các vật dụng như gạch đá, chai lọ đã bị cảnh sát bắt giữ. 

Một người biểu tình cầm tấm biển với nội dung “Tổng thống Hollande- Hãy  từ chức ngay lập tức”. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình cầm tấm biển với nội dung “Tổng thống Hollande - Hãy từ chức ngay lập tức”. Ảnh: Reuters

Trước cuộc biểu tình, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cũng đã nhiều lần kêu gọi các nhà tổ chức là các nghiệp đoàn thể hiện tinh thần trách nhiệm để cuộc biểu tình diễn ra an toàn. 

Khoảng 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình lần gần đây nhất diễn ra vào ngày 14/6 tại thủ đô Paris. Đã có tới 600 chiếc xe buýt được sử dụng để đưa người biểu tình từ các tỉnh về Paris. 

Cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn khi những người quá khích tấn công các cửa hàng, siêu thị, trụ sở ngân hàng. Nhóm người này cũng đã tấn công một tòa nhà là khu phẫu thuật của Bệnh viện Nhi Necker. 

Lực lượng an ninh đã phải dùng vòi rồng để trấn áp những kẻ gây rối, 28 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ. 

Lan Hạ

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới