Hàng chục tỷ đồng đảm bảo nguồn điện phục vụ nghề cá

(Baonghean.vn) - Để đảm bảo nguồn điện cho các cá nhân, doanh nghiệp vùng ven biển thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu sản xuất, điện lực Quỳnh Lưu đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành điện.

Cơ sở sản xuất đá lạnh của anh Lê Hội Hưng ở Quỳnh Lập mỗi tháng cung cấp 25.000 cây đá lạnh cho tàu thuyền, chi phí hết 140 triệu đồng tiền điện
Cơ sở sản xuất đá lạnh của anh Lê Hội Hưng ở Quỳnh Lập mỗi tháng cung cấp 25.000 cây đá lạnh cho tàu thuyền, chi phí hết 140 triệu đồng tiền điện

Cơ sở sản xuất đá lạnh của anh Lê Hội Hưng nằm ngay sát bến cá lạch Cờn, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Với hệ thống chuyền sản xuất đá lạnh được đầu tư đồng bộ gồm nhà xưởng, kho lạnh, bể chứa và 2 máy đá, máy xay mỗi tháng sản xuất 25.000 cây đá lạnh. Từ hệ thống chuyền nước, vào khay cho đến ra thành phẩm đá cây được cất giữ vào kho đông đều được hỗ trợ thông qua các máy móc chạy điện.

 Anh Hưng cho biết, hơn 1 năm về trước, điện luôn trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của xưởng, thường xuyên bị ngắt điện, không những gián đoạn sản xuất, mà còn ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của các máy móc trong quá trình vận hành. Hiện nay nguồn điện đã được tăng cường, điện khỏe, giúp việc sản xuất trở nên trôi chảy.

Xay đá cung ứng cho các tàu chuẩn bị vươn khơi.
Xay đá cung ứng cho các tàu chuẩn bị vươn khơi.

“Mỗi tháng gia đình tôi sử dụng hết khoảng 70.000KWh điện, riêng chi phí hết tầm 140 triệu đồng. Điện ổn định rồi nên tôi cũng đã chú trọng đầu tư các loại máy móc hiện đại để sản xuất. Định kỳ có cán bộ điện lực đến kiểm tra hệ thống điện vào, điện ra, nên rất là yên tâm”.

Hiện nay, mỗi kho đông lạnh tùy sức chứa hải sản ít nhiều mà tiêu thụ nguồn điện năng tương đương, ít nhất cũng từ 5, 10 triệu, hộ nhiều còn lên tới 40, 50 triệu mỗi tháng. Những cơ sở lớn như hộ anh Hưng ở Quỳnh Lập, ông Lai ở Quỳnh Phương, chi phí cho tiền điện mỗi tháng lên tới vài trăm triệu đồng.

Toàn khu vực thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 2.000 phương tiện tàu thuyền, trong đó, chủ yếu là đánh bắt xa bờ. Hậu cần nghề cá tại các khu vực ven biển như Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Dỵ, Quỳnh Phương và Quỳnh Lập phát triển mạnh. Để cung ứng nguyên, vật liệu cho các phương tiện hoạt động đánh bắt ngoài biển, hiện các vùng biển, cửa lạch của Hoàng Mai, Quỳnh Lưu có trên 60 cơ sở buôn bán xăng dầu, gần 90 cơ sở sản xuất đá lạnh, 20 công ty cổ phần, công ty TNHH, 100 kho đông lạnh, hàng chục cơ sở đóng tàu thuyền, cơ khí và gần 2.000 cơ sở chế biến dân doanh tham gia chế biến hải sản.

Chỉ tính riêng tại các địa phương như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Tiến Thủy, Quỳnh Long… mỗi địa phương tiêu thụ từ 1 – 3 triệu Kwh điện cho hoạt động sản xuất các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, chi phí chi trả cho ngành điện ở khu vực ven biển lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cán bộ kỹ thuật ngành điện kiểm tra hệ thống điện tại các cơ sở sản xuất, đảm bảo an toàn.
Cán bộ kỹ thuật ngành điện kiểm tra hệ thống điện tại các cơ sở sản xuất, đảm bảo an toàn.

Ông Lê Đắc Tú – Phó giám đốc điện lực Quỳnh Lưu cho hay, sau khi tiếp nhận hệ thống điện hạ áp, ngành điện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp, cải tạo hệ thống đường dây, tiến hành xen dắm các trạm biến áp tránh hiện tượng quá tải tại một số khu vực có phụ tải đặc thù, nhất là đối với sản xuất của hậu cần nghề cá.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động khắc phục nhanh những sự cố, kiểm tra định kỳ các trạm biến áp, đường dây hạ thế, trung thế, hành lang an toàn, chăm sóc khách hàng… đã hạn chế những sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng nguồn điện, để người dân, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị cho sản xuất. 

Nguyễn Vân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới