Hàng giả tung hoành chợ nông thôn

(Baonghean) - Mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái nhưng tình trạng trên vẫn đang gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là ở các chợ nông thôn.
Nhiều thực phẩm không rõ xuất xứ
Hiện nay, hàng không nhãn mác, không thời hạn sử dụng khá phổ biến ở các chợ vùng nông thôn như bánh kẹo, nước mắm, đường, mỳ chính... Tại chợ Thị trấn Dùng (Thanh Chương) có khá nhiều hàng bánh kẹo “3 không”: không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng. Các loại bánh kẹo này được bày bán theo “bịch” với giá rẻ, khoảng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Bánh Chocolate được “nhái” thành Chocolateball, giá chỉ có 25.000 đồng/gói, bánh Acosy nhái theo tên bánh quy Cosy... Một chị bán hàng cho hay: “Tiêu chí chọn mua bánh kẹo của đa phần người tiêu dùng vùng nông thôn trước hết là phải hợp túi tiền, nên chúng tôi cũng nhập về loại rẻ tiền cho dễ bán”. 
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra tại một đại lý ở huyện Diễn Châu.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra tại một đại lý ở huyện Diễn Châu.
Ở chợ Thị trấn Dùng còn “loạn” các mặt hàng gia vị và hương liệu, đa phần đều là hàng trôi nổi có nhãn mác Trung Quốc, như gia vị ướp bò kho, ngũ vị hương giá chỉ từ 1.500 đồng/gói. Thời gian gần đây, chợ còn xuất hiện loại bột nở có xuất xứ từ Trung Quốc được người tiêu dùng mua nhiều để làm quẩy, bánh mỳ, bánh rán... Có bà còn cho hay, bột này còn dùng để làm mềm móng giò, xương, mà không bị nát.
Mỳ chính không rõ xuất xứ bán  ở chợ Công Thành (Yên Thành).
Mỳ chính không rõ xuất xứ bán ở chợ Công Thành (Yên Thành).
Tại chợ Rộc xã Trung Thành (Yên Thành) có 2 hàng bán nước mắm theo kiểu đong vào bao bóng không đảm bảo vệ sinh, giá từ 8.000 - 10.000 đồng/lít. Tại một cửa hàng ở chợ Công Thành (Yên Thành) bán mỳ chính nhưng không rõ của Trung Quốc hay của Thái Lan, bởi chủ đại lý khẳng định mỳ chính của Thái Lan, tuy nhiên bao bì lại ghi toàn bằng chữ Trung Quốc. 
Hàng điện lạnh, gia dụng giả nhãn hiệu
Nếu trước đây, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chỉ xuất hiện khi hàng thật khan hiếm, thì nay hàng thật và hàng nhái tồn tại song hành, cạnh tranh cả thị phần với hàng thật bằng ưu thế giá rẻ và nhanh chóng thâm nhập vào thị trường, nhất là tại những vùng nông thôn. Chúng tôi vào một đại lý hàng điện lạnh (không có tên bảng hiệu) đối diện với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Thanh Chương (Thị trấn Dùng), quan sát thấy nhiều nhất là mặt hàng nồi cơm điện, xuất xứ từ nhiều hãng khác nhau, không biết đâu là thật - giả. Bà chủ xởi lởi: “Hàng sản xuất tại Nhật Bản giá từ 1 - 2 triệu đồng/chiếc. Hàng sản xuất tại Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines... giá từ 500.000 - 700.000 đồng/chiếc. Nếu cần mua hàng Nhật giá rẻ cũng có, giá chỉ 400.000 đồng.
Theo yêu cầu của chúng tôi, bà chủ đưa ra nồi cơm điện loại TOSILBA, nếu người mua không tinh ý tưởng nồi xịn, nhưng thực tế bị nhái từ chữ I sang chữ L có nghĩa nồi thật là TOSHIBA bị nhái sang TOSILBA. Xem kỹ thì thấy loại nồi “nhái” này không ghi nơi sản xuất, không có giấy tờ bảo hành sản phẩm. Đem thắc mắc hỏi bà chủ, thì được trả lời gọn lỏn: Đây là nồi “liên doanh”. Tại quán này còn có rất nhiều bình đun nước “nhái” các thương hiệu nổi tiếng của Nhật như loại Panasonic nhái “Panasionic” (thêm 1 chữ i) có giá mềm hơn hàng chính hãng, chỉ 150.000 - 200.000 đồng/bình. 
Ở Diễn Châu, các mặt hàng bếp gas chất lượng thấp cũng khá nhiều. Có mặt tại gần khu vực chợ Diễn Thái, chúng tôi thấy có đại lý bán bếp gas hầu hết đều nhái thương hiệu Nhật. Như bếp gas Rinnai được nhái thành RUINAI, các thiết bị an toàn đều thiếu, không có bộ phận cảm ứng nhiệt. Tại cửa hàng điện lạnh Hiền Hoa, xã Công Thành (Yên Thành), bếp gas nhãn Fujnai nhái nhãn hiệu Rinnai của Nhật Bản.
Cần biện pháp xử lý mạnh
Ông Nguyễn Viết Thiện, Trưởng phòng Công Thương huyện Thanh Chương cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, huyện chỉ mới thành lập đoàn liên ngành gồm Phòng Ytế, Trung tâm Y tế huyện, Phòng Công Thương kiểm tra an toàn thực phẩm được 6 cơ sở trên địa bàn. Còn vấn đề chống gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái chưa thể thành lập đoàn kiểm tra do lực lượng mỏng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8 cũng cho biết: Đội được giao quản lý thị trường các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Vấn đề chống hàng nhái, hàng giả rất khó khăn bởi các gian thương sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Ví như các mặt hàng điện tử, điện lạnh rất khó kiểm tra bằng mắt thường, phải qua kiểm định của cơ quan chức năng mới có thể biết được thật hay giả. 10 tháng đầu năm đội đã xử lý vi phạm được trên 100 vụ, chủ yếu vi phạm về niêm yết giá, nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng nhái. 
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Số vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả so với cùng kỳ không tăng, tuy nhiên có chiều hướng phức tạp hơn. Một số hàng giả, hàng nhái như nước ngọt, bánh kẹo, mì chính, bột giặt, thiết bị điện gia dụng... thường được lén lút đưa vào tiêu thụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả trên địa bàn tỉnh sử dụng nhiều phương thức như: Cất giấu hàng ở nhiều địa điểm khác nhau; móc nối với các hộ sản xuất để che giấu thông tin; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển. Khó khăn đặt ra là đội ngũ cán bộ mỏng, trang thiết bị, phương tiện cho công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi này chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tốt trong công tác chống gian lận thương mại.
Vương Trần
Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 8.194 vụ, xử lý 6.240 vụ, thu phạt ước tính 9.716.728.000 đồng. Trong đó phạt hành chính: 4.951.681.000 đồng, trị giá hàng vi phạm: 4.765.047.000 đồng. Xử lý buôn lậu, hàng cấm: 323 vụ, tổng giá trị thu phạt: 4.725.884.000 đồng. Vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ: 120 vụ, phạt hành chính: 202.175.000 đồng, trị giá hàng tiêu hủy: 357.259.000 đồng. Vi phạm về gian lận thương mại: xử lý 669 vụ, phạt hành chính: 256.174.000 đồng. Các vi phạm khác trong kinh doanh: xử lý 4.806 vụ, phạt hành chính: 3.027.957.000 đồng. Vi phạm VS ATTP: xử lý 317 vụ, tổng giá trị thu phạt: 1.112.278.000 đồng, phạt hành chính: 247.525.000 đồng.
TIN LIÊN QUAN

Tin mới