Hàng ngàn người trẩy hội đền Bạch Mã

(Baonghean.vn) - Ngày 6/3 (tức ngày 9/2, năm Đinh Dậu) đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) đã chính thức khai hội. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã về trẩy hội.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Sau lễ khai mạc, tại sân đền và các sân vận động trong xã Võ Liệt đã diễn ra các hoạt động thi đấu thể thao (bóng chuyền, bóng đá), trò chơi dân gian như vật cù, đập niêu, giao lưu thơ. Đặc biệt trong lễ hội năm nay có gian trưng bày, giới thiệu những đặc sản nổi tiếng của Thanh Chương, hấp dẫn, thu hút người xem.

1.	Lễ rước thần trong Lễ hội đền Bạch Mã 2017
 Lễ rước thần trong Lễ hội đền Bạch Mã 2017. Ảnh: Huy Thư.

Đồng thời với các hoạt động ở sân đền, tại mộ phần của danh tướng Phan Đà ở xã Thanh Long, đã diễn ra lễ tế, lễ dâng hương tưởng nhớ vị dũng tướng đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Tiếp đó, tại Phủ Ngoại ở thôn Khai Tiến xã Võ Liệt cũng diễn ra lễ dâng hương, tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục của  song thân danh tướng Phan Đà.

Những đặc sản Thanh Chương hấp dẫn du khách
Những đặc sản Thanh Chương hấp dẫn du khách. Ảnh: Huy Thư

Buổi chiều cùng ngày, đã diễn ra lễ rước thần từ đền Bạch Mã đến Phủ Ngoại, đi qua hầu khắp các thôn trong xã Võ Liệt với chặng đường gần 7 km. Trên đường rước, ở các thôn đều lập bàn thờ và tổ chức nghênh đón, bái tạ trang nghiêm.

Đêm 6/3, tại sân đền sẽ diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ, có sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ và cuộc thi người đẹp. Ngày 7/2, tại đền sẽ tiếp tục diễn ra lễ tế thần, lễ tạ, thi đấu thể thao và trò chơi dân gian.

Vật cù – trò chơi tiêu biểu của Lễ hội đền Bạch Mã
Vật cù – trò chơi tiêu biểu của Lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Huy Thư.

Đền Bạch Mã ở thôn Tân Hà xã Võ Liệt, xây dựng vào thời Lê, thờ danh tướng Phan Đà quê ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, người có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh giải phóng đất nước ở thế kỷ 15. Thần đã được truy phong là “Đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần” và được gia phong “Thượng, thượng, thượng đẳng tối linh tôn thần”. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã liệt đền vào hàng “điển lễ quốc tế” và ban cấp hơn 100 sắc phong. Đền đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá – Kiến trúc nghệ thuật năm 1994.

Huy Thư   

TIN LIÊN QUAN

Tin mới