Hàng nghìn tấn sắn của nông dân Nghệ An bị thối sau lũ

(Baonghean.vn) - Nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) xót xa khi thu hoạch sắn sau khi nước lũ rút. Những đống sắn thối được chất hai bên đường, bốc mùi nồng nặc.
Clip: Xuân Hoàng - Quang An
Sau 5 ngày nước lũ rút, bà con nông dân ở các xã bị ngập ở Thanh Chương khẩn trương thu hoạch sắn. Trên các ngả đường, sắn củ được đổ thành đống dài, bốc mùi nồng nặc.
Bà con cho biết, sau khi nước lũ rút liền tiến hành thu hoạch sắn để nhập cho nhà máy. Tuy nhiên nhiều củ sắn đã bị thối, phải lựa bỏ.
Những đống sắn thối chất đầy bên lề đường ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương). Ảnh: Xuân Hoàng
Những đống sắn thối chất đầy bên lề đường ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương). Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Bùi Văn Bổng ở xóm Bạch Ngọc, xã Thanh Xuân nhìn đống sắn thối đổ bên lề đường ngao ngán nói: Gia đình ông có 10 sào sắn, trong đó, 5 sào bị ngập sâu trong nước lũ. Sau khi lũ rút, gia đình tiến hành thu hoạch ngay để tránh sắn bị thối. Tuy nhiên, sắn được nhổ lên, phần lớn số củ đã bị hỏng chuyển sang màu đen.

"Năng suất sắn ở đây đạt 2 tấn/sào nên vụ này nước lũ đã làm mất của gia đình tôi 10 tấn sắn, trị giá 13 triệu đồng" - ông Bổng than thở.

Sắn đã thối là vứt bỏ, vì nhà máy không thu mua. Ảnh: Quang An
Sắn đã thối là vứt bỏ, vì nhà máy không thu mua. Ảnh: Quang An

Trên các nương sắn của xã Thanh Xuân, bà con thu hoạch đến đâu vận chuyển lên đường ngay đến đó, để chờ xe ô tô đến chở về nhà máy.

Người dân cho biết, cả năm chăm sóc thửa sắn, nhưng chỉ sau mấy ngày mưa, lũ ngập nước là trắng tay. "Biết là sắn đã bị thối củ, nhưng vẫn thu hoạch, mong lựa được củ nào không bị thối để bán cho nhà máy, vớt vát được đồng nào hay đồng đó" - một lão nông buồn bã nói.

Sắn được đổ chất đống trên địa bàn xã Thanh Lâm (Thanh Chương), trước khi nhập cho nhà máy, bà con phải lựa hết những củ sắn thối. Ảnh: Quang An
Sắn được đổ chất đống trên địa bàn xã Thanh Lâm (Thanh Chương), trước khi nhập cho nhà máy, bà con phải lựa hết những củ sắn thối. Ảnh: Quang An

Ông Bùi Xuân Anh - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: Từ nhiều năm nay, địa phương lấy cây sắn nguyên liệu làm cây trồng chủ lực trên diện tích đất màu của xã, do vậy, diện tích sắn nguyên liệu năm nay có 230 ha. Trong đó, có 50 ha sắn bị thiệt hại trên 70%; 180 ha thiệt hại từ 30 - 70%, do ngập nước lũ.

"Hiện xã vận động bà con khẩn trương thu hoạch sắn nhập cho nhà máy, vì đất đang ướt, nếu để lâu sợ sắn thối hết, đồng thời đề phòng trời mưa to gây ngập lần nữa là mất trắng" - ông Bùi Xuân Anh cho hay.

Bà con nông dân xã Thanh Xuân thu hoạch sắn sau khi nước lũ rút. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà con nông dân xã Thanh Xuân thu hoạch sắn sau khi nước lũ rút. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương, trong đợt lũ lịch sử vừa qua, trên địa bàn huyện có 1.590 ha cây trồng các loại bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%. Trong đó, diện tích sắn có 501 ha, ở các xã: Thanh Xuân 230 ha, Thanh Lâm 30 ha, Thanh Mỹ 50 ha, Thanh Phong 30 ha, Thanh Ngọc 47 ha, Thanh Sơn 46 ha... 

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Toàn bộ diện tích sắn bị ngập nước đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, đặc thù của cây sắn, nếu bị ngập nước từ 2 ngày trở lên sẽ bị thối củ. Do vậy, trong đợt mưa vừa rồi, huyện Thanh Chương bị ngập kéo dài trên 2 ngày, vì thế, tỷ lệ củ sắn bị thối sẽ nhiều.
Sắn được bà con nông dân vận chuyển lên bờ, sau đó lựa hết củ thối, còn lại để nhập cho nhà máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Sắn được bà con nông dân vận chuyển lên bờ, sau đó lựa hết củ thối, còn lại để nhập cho nhà máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Năng suất sắn của Thanh Chương đạt bình quân trên 25 tấn/ha, với 501 ha bị ngập nước, sản lượng trên 12.000 tấn sắn, nếu mất 50% thì bà con nông dân huyện Thanh Chương vụ sắn này mất 6.000 tấn củ. Với giá thu mua của nhà máy hiện nay 1,3 triệu đồng/tấn, thì thiệt hại lên đến hơn 6 tỷ đồng.

Thanh Chương là địa phương bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Nghệ An bởi mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9. Mưa lũ đã khiến 2 người bị cuốn trôi là anh Trần Công Thế, trú tại xóm An Phú, xã Thanh An và anh Nguyễn Văn Quảng, trú tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, khi đi qua chiếc cầu Băng xã Thanh An không may bị nước cuốn trôi, mất tích. Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết, bên cạnh thiệt hại về người, trên địa bàn huyện Thanh Chương mưa lớn đã làm hơn 1.800 nhà dân bị ngập nước. Mưa lũ ngập úng cục bộ trên 20 điểm tràn, cầu, cống, một số tuyến đường, các xã đã tổ chức di dời được 1316 hộ dân bị ngập, 84 hộ bị sạt lở,  có 3 nhà dân bị cây đổ đè lên, 6 nhà bị sập tường, có 1325m bờ rào bị sập đổ.

Tổng diện tích thiệt hại về nông nghiệp là trên 1102 ha, 5300 con gia cầm bị nước cuốn trôi; 38.000m tuyến đường giao thông bị sạt lở, trong đó có 2 tuyến đường sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đó là đoạn qua Rú Nguộc và tuyến đường từ Thanh Hương đi Ngọc Lâm, nước cuốn trôi 1 cầu qua đường giao thông và 9 cầu tạm, 1 tràn, hư hỏng 2 cầu, kênh mương bị sạt lở 25.000 m. Ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ngay sau khi nước rút, huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Tin mới