Hàng triệu người Bangladesh hàng ngày uống nước nhiễm độc asen

(Baonghean.vn) - Gần 20 triệu dân Bangladesh hàng ngày vẫn đang phải sử dụng nước uống bị nhiễm độc asen bất chấp việc hàng triệu giếng nước đã được kiểm nghiệm an toàn, một báo cáo mới đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hôm 6/4.

Hanufa Bibi, 45 tuổi, đang giữ 1 xô nước được lấy từ giếng làng tại tỉnh Chandipur, Bangladesh. Ảnh: AP.
Hanufa Bibi, 45 tuổi, đang giữ 1 xô nước được lấy từ giếng làng tại tỉnh Chandipur, Bangladesh. Ảnh: AP.

Kết quả nghiên cứu mới nhất cho biết có khoảng 43.000 người ở Bangladesh tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến asen, bao gồm ung thư, các bệnh tim mạch và bệnh phổi.

Theo Chính phủ Bangladesh, 5 triệu giếng làng đã được thử nghiệm trong giai đoạn 2000-2003. Tuy nhiên đến năm 2003, ước tính vẫn có khoảng 20 triệu người dân địa phương bị uống nước nhiễm độc asen.

Nhà nghiên cứu Richard Pearshouse của tổ chức HRW cho biết: "Bangladesh đã không áp dụng các bước cơ bản để loại trừ asen ra khỏi nước uống của hàng triệu người nghèo ở khu vực nông thôn. Hàng triệu người dân Bangladesh sẽ chết vì nhiễm độc asen nếu chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế không chung tay giải quyết triệt để vấn đề này".

Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Bangladesh cho biết: “Tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện đáng kể. Chính phủ đã thực hiện một chương trình quy mô lớn nhằm cải thiện nguồn nước được lấy từ giếng khoan và vấn đề nằm ở nhận thức của người dân còn hạn chế. Những người dân ở khu vực nông thôn đã không tuân theo các hướng dẫn của chính phủ. Vì vậy, chúng ta sẽ phải mất một thời gian rất lâu nữa mới có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng nhiễm độc asen”.

Jay Mondal (phía trước) chụp năm 2004, khi đang phải chịu các bệnh về da do nhiễm độc asen tại làng Nonaghata Uttrpara ở Tây Bengal, Ấn Độ. Ảnh: Guardian.
Jay Mondal (phía trước) chụp năm 2004, khi đang phải chịu các bệnh về da do nhiễm độc asen tại làng Nonaghata Uttrpara ở Tây Bengal, Ấn Độ. Ảnh: Guardian.

Tình trạng nước bị nhiễm asen diễn ra tương đối phổ biến ở châu Á, chủ yếu ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia. Tình trạng này đã diễn ra từ hàng nghìn năm trước, khi các lớp đá giàu asen bị xói mòn từ dãy Himalaya và lắng đọng tự nhiên xuống các vùng đất thấp.

Trường hợp ngộ độc asen đầu tiên trên thế giới đã được phát hiện vào đầu những năm 1990. Đến năm 1995, một hội nghị quốc tế diễn ra ở Kolkata đã thu hút sự chú ý của thế giới đối với vấn đề này. Từ năm 1999 đến 2006, chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã chi hàng trăm triệu bảng Anh để giảm thiểu ô nhiễm asen. Tổ chức Ngân hàng Thế giới đã tài trợ việc lắp đặt khoảng 13.000 giếng nước tại các vùng nông thôn trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2010.

Thanh Hiền

(Theo Guardian)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới