Hạnh phúc dung dị của cặp vợ chồng cùng tham dự cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa là 2 giáo viên đặc biệt tại kỳ thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi năm 2022 bởi đây là cặp vợ chồng duy nhất cùng tham gia cuộc thi.

Với tình yêu và sự đam mê, 2 vợ chồng giáo viên đến từ huyện Thanh Chương đã đạt được thành tích xuất sắc và được nhận Giấy khen của ngành.

Bước ngoặt của người công nhân lái máy

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam (SN 1974), hiện đang là giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường THCS Tôn Quang Phiệt – ngôi trường chuyên dành cho bậc THCS của huyện Thanh Chương.

Ở mái trường đặc biệt này, thầy Nam được nhiều phụ huynh, học sinh và cả đồng nghiệp yêu quý bởi sự tận tụy, yêu nghề và say mê với nghề. Không chỉ là giáo viên chủ nhiệm giỏi, thầy Nam cũng là giáo viên được đánh giá cao về năng lực, có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi của huyện, của tỉnh.

Tiết dạy Ngữ văn của thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và các học trò, Ảnh: Mỹ Hà

Tiết dạy Ngữ văn của thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và các học trò, Ảnh: Mỹ Hà

Tại thời điểm này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam nói rằng, giáo viên chính là nghiệp của mình và anh hạnh phúc bởi được làm công việc mà mình yêu thích. Nhìn thầy giáo Nam đứng trên bục giảng, say sưa truyền dạy cho học trò những bài văn, bài thơ càng khó hình dung được thầy từng là học sinh chuyên Toán và theo học khối A những năm THPT. Người thầy giáo này, trước khi theo ngành Sư phạm cũng đã có 7 năm làm thợ lái máy cho các công ty giao thông ở Vinh và Hà Nội. Từ một người công nhân được đào tạo bài bản, anh chuyển sang ngành Sư phạm trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

Kể lại câu chuyện của mình hơn 20 năm về trước, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam cho biết: Tốt nghiệp THPT, tôi thi vào Trường Trung cấp Giao thông vận tải rồi đi làm thợ lái máy. Công việc vất vả, có những thời điểm làm xuyên đêm nên lưng tôi đau và sức khỏe không đảm bảo. Sau này tôi tự hỏi, liệu công việc này có phù hợp với mình hay không và tôi quyết định cho mình một cơ hội khác.

Ở vai trò chủ nhiệm lớp, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam được nhiều học trò yêu thích. Ảnh: Mỹ Hà

Ở vai trò chủ nhiệm lớp, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam được nhiều học trò yêu thích. Ảnh: Mỹ Hà

Gần 30 tuổi, trở lại quê nhà, người lái máy Nguyễn Ngọc Nam khi đó tìm lại trường cũ của mình là Trường THPT Thanh Chương 1. Tuy nhiên, khi đó, ngại gặp lại bạn học cũ nay đã là thầy giáo của trường nên anh quyết định lên Trường THPT Thanh Chương 3, cách nhà hơn 20 km và xin vào lớp 12 để ngồi học với các học sinh của trường. Kiên trì, bền bỉ như vậy, đến kỳ thi đại học anh quyết định nộp hồ sơ vào Trường Đại học Sư phạm Huế, Khoa Ngữ văn và bất ngờ thi đậu.

Những năm học đại học, anh là sinh viên lớn tuổi nhất lớp. Tuy nhiên, anh kể rằng, việc quá tuổi đi học anh không ngại, chỉ ngại vì trong lớp có quá nhiều bạn học còn trẻ tuổi mà rất giỏi, có người là học sinh giỏi quốc gia, có người là nhà văn trẻ từ lớp 7 đã là cộng tác viên thường xuyên cho một tờ báo tuổi học trò. Cũng chính vì điều này buộc anh phải phấn đấu, cố gắng hơn nữa để có thể “bằng bạn, bằng bè”.


Sự chăm chỉ, ham học hỏi và không ngừng trau dồi chuyên môn còn được thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam duy trì cho đến hôm nay. Trong quá trình giảng dạy, thầy Nam có một quan niệm rất đơn giản, đó chính là phải luôn trách nhiệm, hết mình và chính học sinh và phụ huynh là thước đo năng lực của người thầy giáo. Đó cũng là vì sao, chỉ sau một thời gian ngắn dạy ở một trường xa trung tâm, anh được chuyển về Trường THCS Tôn Quang Phiệt và nhiều năm chủ nhiệm lớp chuyên Văn. Chia sẻ về điều này, anh nói thêm: “Ở môi trường tôi công tác, rất nhiều học sinh có năng lực, đồng nghiệp cũng là những người có chuyên môn cứng. Do đó, nếu thầy giáo cứ trì trệ, không đổi mới, không nỗ lực thì học sinh sẽ tự đào thải thầy cô”.

Ngoài chăm lo công tác chuyên môn, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam còn là thầy chủ nhiệm được nhiều học sinh yêu mến. Sự tận tụy của anh với học trò không chỉ thể hiện qua công việc hàng ngày ở lớp, chia sẻ với học trò những lúc vui, buồn, khó khăn mà còn đồng hành với học trò trong nhiều hoạt động ngoại khóa.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và cô giáo Nguyễn Thị ))Như Hoa là 2 giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc THCS năm 2022. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và cô giáo Nguyễn Thị ))Như Hoa là 2 giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc THCS năm 2022. Ảnh: Mỹ Hà

Rất bất ngờ, bởi dù là một giáo viên chủ nhiệm nam nhưng từ năm 2020 đến nay, hầu hết những khóa học thầy Nam chủ nhiệm đều giành giải ở nhiều cuộc thi của trường, như giải Nhất cuộc thi làm mâm Tết cổ truyền, giải Nhất cuộc thi mâm Tết Trung thu, giải Nhất văn nghệ, giải Nhất cuộc thi Nhảy hiện đại… Những lớp học do anh chủ nhiệm đều đạt tập thể lớp xuất sắc.

Hạnh phúc của nghề dạy học

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa biết nhau khi cả hai đang công tác ở Trường THCS Thanh An. Khi ấy, dù cô Hoa ít hơn thầy Nam 6 tuổi nhưng lại là “đàn chị” vì chị tốt nghiệp và công tác sớm hơn anh 1 năm.

Quá trình công tác, từ cảm phục, cô giáo Như Hoa hiểu hơn người đồng nghiệp của mình và cả hai kết duyên, lập gia đình. Sau gần 18 năm chung sống, có những thời điểm khó khăn nhưng cả hai luôn nhắc nhở nhau cùng cố gắng. Hiện tại, thầy Nam đã chuyển về trường chuyên. Cô giáo Như Hoa đang công tác ở trường cũ nhưng đã là Tổ trưởng Tổ chuyên môn, Trưởng ban Nữ công của trường.

Cô giáo Như Hoa và các học trò ở Trường THCS Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: NVCC

Cô giáo Như Hoa và các học trò ở Trường THCS Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: NVCC

Tuy năng lực đã được khẳng định nhưng từ trước đến nay ngoài các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, thầy Nam và cô Hoa chưa từng tham gia một cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh nào. Chính vì lẽ đó, việc cả hai tham gia cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi năm 2022 là một quyết định khá táo bạo.

Nói thêm về điều này, cô Hoa cho biết: Năm nay, toàn huyện Thanh Chương có gần 70 giáo viên dự thi cấp huyện và chỉ có 19 người được chọn đi thi cấp tỉnh. Khi cả hai chúng tôi lần lượt được nghe kết quả, thực sự khá băn khoăn vì để tham dự kỳ thi cần sự đầu tư cả chuyên môn và thời gian. Tuy nhiên, chính anh Nam là người động viên tôi đến với kỳ thi, bởi anh tin rằng, đây là một kỳ thi rất thú vị, là một sân chơi để người giáo viên có thể trải nghiệm, gặp gỡ, trao đổi những khó khăn, thuận lợi và cả những vất vả của người giáo viên chủ nhiệm.

Việc cùng là giáo viên Ngữ văn giúp thầy Ngọc Nam và cô Như Hoa thuận lợi trong công tác. Ảnh: Mỹ Hà

Việc cùng là giáo viên Ngữ văn giúp thầy Ngọc Nam và cô Như Hoa thuận lợi trong công tác. Ảnh: Mỹ Hà

Với kinh nghiệm gần 20 năm đứng trên bục giảng và làm chủ nhiệm lớp, việc giải quyết những tình huống bất ngờ trong bài thi thực hành của cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa và thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam dường như không gặp quá nhiều khó khăn. Thay vào đó, cả hai dành nhiều thời gian để hoàn thành bài báo cáo biện pháp trong công tác chủ nhiệm.

Ở nội dung này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam chọn đề tài “Đa dạng cách thức tổ chức trong tiết sinh hoạt lớp để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh”. Trong khi đó, cô giáo Như Hoa chọn đề tài “Giải pháp hỗ trợ học sinh trầm cảm trong công tác chủ nhiệm”.

Thầy giáo Ngọc Nam và cô giáo Như Hoa là 2 trường hợp hi hữu khi cả hai vợ chồng cùng tham gia cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Ngọc Nam và cô giáo Như Hoa là 2 trường hợp hi hữu khi cả hai vợ chồng cùng tham gia cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Toàn bộ nội dung báo cáo đều là những trải nghiệm có thực trong công tác chủ nhiệm hàng ngày mà cả hai cùng đối diện và xử lý, áp dụng thực tế ở trong lớp học. Đây cũng chính là tâm huyết của anh chị với công tác chủ nhiệm, trong đó, vấn đề được nói đến nhiều nhất chính là thầy, cô cần phải là người bạn đồng hành với học sinh, chia sẻ với các em trong học tập, trong cuộc sống và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, làm bạn với học trò…

Hạnh phúc của thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam và cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa đôi khi chỉ bình dị và giản đơn như thế!

Tin mới