Hành trình 90 năm trên vùng đất lịch sử

(Baonghean.vn) - Cách đây 90 năm, ở vùng Mường Quạ (nay là xã Môn Sơn và Lục Dạ) thuộc huyện Con Cuông diễn ra một sự kiện lớn trong đời sống chính trị - xã hội, đó là sự ra đời của Chi bộ Môn Sơn - Chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ.

Chi bộ Đảng bên dòng sông Giăng

Theo tư liệu lịch sử, bước sang năm 1931, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, thực dân Pháp việc thực hiện chính sách khủng bố một cách ráo riết hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng của nhân dân. Nhiều đồng chí đảng viên hy sinh và bị bắt, phong trào cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật.

Để đảm bảo lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động lên các huyện miền núi Nghệ An và cử các đồng chí: Lê Xuân Đào (thuộc Xứ ủy), Nguyễn Hữu Bình (Tỉnh ủy Nghệ An), Lê Mạnh Duyệt (Phủ ủy Anh Sơn) về vùng Mường Quạ - Môn Sơn phối hợp hoạt động và gây dựng phong trào.

Ảnh: Sách Nguyễn
Bức tranh đời sống ở Môn Sơn - Lục Dạ (Con Cuông) hôm nay. Ảnh: Sách Nguyễn.

Từ địa bàn huyện Anh Sơn, các đồng chí được Xứ ủy Trung Kỳ cử đi làm nhiệm vụ vượt núi, băng rừng đến với các bản làng ven bờ sông Giăng, sau dãy Pù Quạ. Tại đây, các đồng chí đã liên hệ, kết giao và giác ngộ được Vi Văn Khang - một thanh niên dân tộc Thái có học thức gia nhập tổ chức.

Đồng chí Vi Văn Khang tiếp tục vận động và giác ngộ các đồng chí Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Vi Văn Lâm là những người trẻ tuổi có học vấn và tinh thần yêu nước. Những người trẻ ở Mường Quạ đã vận động, tập hợp nhân dân đoàn kết đấu tranh chống áp bức, giữ yên cuộc sống bản làng...

Ảnh: Sách Nguyễn
Bản làng trù phú bên dòng sông Giăng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Sách Nguyễn

Vào tháng 3/1931, những người cộng sản và những thanh niên cấp tiến ở Mường Quạ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống cường hào và giành được thắng lợi. Khoảng 1 tháng sau, vào giữa tháng 4/1931, tại nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang ở bản Thái Hòa, Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức được thành lập, đồng chí Vi Văn Khang được giao làm Bí thư. Chi bộ lúc đầu gồm 5 đảng viên, gồm: Vi Văn Khang, Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Trần Ngân, Lê Mạnh Duyệt; sau đó kết nạp thêm đồng chí Vi Văn Lâm.

Từ đây, nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu phục vụ đấu tranh cách mạng. Chi bộ Đảng Môn Sơn vừa ra đời đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng: in ấn tài liệu tuyên truyền, thành lập tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ để tập hợp, giác ngộ tinh thần đấu tranh của nhân dân, từng bước tạo sự lan tỏa của phong trào trên khắp các bản, làng miền Tây xứ Nghệ.

Từ tháng 7 - 8/1945, khi phong trào cách mạng đang sục sôi trên phạm vi cả nước, thời cơ giành chính quyền đã chín muồi, Chi bộ Đảng Môn Sơn quyết định lãnh đạo quần chúng vùng lên để trừng trị những kẻ áp bức, bóc lột, giành lấy chính quyền về tay cách mạng.
Truyền thống cách mạng của Môn Sơn - Lục Dạ được tuyên truyền đến các thế hệ. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Truyền thống cách mạng của Môn Sơn - Lục Dạ được tuyên truyền đến các thế hệ. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Những ngày mùa Thu lịch sử ấy, trên cây đa Cồn Chùa, cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới như là hiệu lệnh tập hợp bà con khắp các bản, làng Mường Quạ. Dưới gốc đa, hàng trăm người tiến hành biểu tình, kéo đến nhà bọn địa chủ, chánh tổng thu hồi thóc gạo, tiền bạc chia cho dân nghèo.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Mường Quạ nói riêng, huyện Con Cuông nói chung đã giành được thắng lợi. Cùng với cả nước, người dân Con Cuông hòa chung niềm vui trong ngày độc lập, đặt niềm tin và hướng tới cuộc sống tương lai.

Hướng tới trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Nam

Trải qua 90 năm, vùng đất Mường Quạ và huyện Con Cuông hôm nay đã có nhiều đổi thay, cuộc sống nhân dân đã bao khởi sắc. Cây đa Cồn Chùa và nhà riêng cụ Vi Văn Khang được công nhận Di tích lịch sử cách mạng. Đặc biệt, năm 1996, nhân dân xã Môn Sơn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hàng năm, tổ chức Lễ hội Môn Sơn - Mường Quạ để ghi nhớ công ơn những chiến sỹ cách mạng và khơi dậy niềm tự hào cho thế hệ trẻ của quê hương. Núi rừng, dòng sông Giăng và bản làng Mường Quạ tươi đẹp lâu nay đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa. Huyện Con Cuông cũng đang từng bước khẳng định thương hiệu trong quá trình phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng, được ngày càng nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Đồng bào Môn Sơn - Lục Dạ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Đồng bào Môn Sơn - Lục Dạ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Con Cuông có những chuyển biến khá toàn diện và đồng bộ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bình quân tăng trưởng kinh tế đạt 9,41%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 40,23%; công nghiệp - xây dựng 15,67%; thương mại - dịch vụ 44,1%.

Thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Huyện đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến dược liệu, hình thành các sản phẩm từ cam (rượu cam, xà phòng cam, kẹo cam); rượu men lá, rượu cần. Công tác quản lý, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng tiếp tục khẳng định hiệu quả, với hơn 12.300 ha rừng nguyên liệu, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 86%, góp phần sinh kế cho người dân.

Ảnh: Sách Nguyễn
Huyện Con Cuông đang phát huy lợi thế, phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng. Ảnh: Sách Nguyễn

Hiện nay, các tuyến đường từ Quốc lộ 7A vào Bệnh viện vùng Tây Nam; Bồng Khê đi Bình Chuẩn; Mậu Đức đi Thạch Ngàn đã thi công hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho nhân dân. Đồng thời, 7 cầu treo dân sinh và 6 cầu cứng, 38 km tuyến đường tuần tra biên giới cũng vừa được hoàn thành, thúc đẩy sự giao thương và lưu thông hàng hóa…

Huyện cũng thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ, du lịch, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến về nhận thức cũng như hành động về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hiệu quả theo hướng hàng hóa, thực hành sản xuất sạch. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 32,01% (năm 2015) xuống 14,18% (năm 2020), đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, các vấn đề xã hội được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Ảnh: Sách Nguyễn
Du khách thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Thái huyện Con Cuông. Ảnh: Sách Nguyễn

Những ngày này, người dân Mường Quạ và toàn huyện Con Cuông đang náo nức đón chào ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn. Càng vui hơn khi UBND tỉnh quyết định kết hợp tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn và ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại xã Môn Sơn. Chương trình kỷ niệm nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc và quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của miền Tây Nghệ An.

Đời sống kinh tế - xã hội huyện Con Cuông có nhiều khởi sắc. Ảnh: Sách Nguyễn
Đời sống kinh tế - xã hội huyện Con Cuông có nhiều khởi sắc. Ảnh: Sách Nguyễn

Đặc biệt, đêm 17/4 sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật với sự tham gia của Đội văn nghệ quần chúng các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn và Tân Kỳ. Cùng với đó là các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, quảng bá sản phẩm du lịch hứa hẹn sẽ mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân và du khách.

“Truyền thống đúc kết trong suốt 90 năm qua sẽ là nguồn động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng huyện Con Cuông thành đô thị sinh thái và là trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An. Đồng thời, tập trung xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...”.

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Con Cuông

Tin mới