Hành trình biển đảo

(Baonghean) - Đi và viết, dường như hai hoạt động ấy luôn song hành và gắn bó với cuộc đời của những người làm báo. Họ in dấu chân mình lên mọi miền Tổ quốc và bất cứ nơi đâu cũng để lại cho họ những trải nghiệm đáng quý trong nghề. Với những nhà báo trẻ từng có dịp đến miền biển đảo của Tổ quốc, có lẽ đó là kỷ niệm sâu đậm và khó quên nhất.

14 năm trong nghề, phóng viên Đào Tuấn (Báo Nghệ An) đã 2 lần vinh dự được đến Trường Sa và gần đây nhất, trong những ngày tháng 5 với nhiều sự kiện “nóng” trên biển, anh đã cùng một đồng nghiệp bám theo tàu cá của ngư dân biển Quỳnh lênh đênh trên Vịnh Bắc bộ. Trở về từ chuyến đi, anh kể rằng đó là những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời, những lần say sóng, những lần lo lắng đến nghẹt thở khi thấy con thuyền nhỏ câu mực của ngư dân tròng trành trên sóng dữ, những chuyện đời, chuyện nghề và chuyện biển. Tất cả đều mới mẻ và gây những ấn tượng, cảm xúc mạnh với cây bút trẻ như anh.
Anh bảo có đi sâu và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân mới hiểu được họ can trường bám biển thế nào. Với triết lý “biển của ta, ta đánh bắt, nghề của cha ông để lại, ta phải giữ”, họ chẳng ngại ra khơi khi Trung Quốc có những hành động và lời lẽ đe dọa, thậm chí họ còn tích cực bám biển để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Nghề đi biển luôn có những nguy hiểm rình rập, thế nhưng họ vẫn ngày ngày ra khơi, vượt muôn trùng sóng gió, mang những mẻ cá tôm từ biển về với đất liền. Những trải nghiệm ấy trở thành động lực thôi thúc anh cần phải có trách nhiệm hơn nữa với quê hương, với cái nghề cầm bút…
Phóng viên Lê Chuẩn trong một lần tác nghiệp ở Trường Sa.
Phóng viên Lê Chuẩn trong một lần tác nghiệp ở Trường Sa.
Phóng viên Lê Chuẩn (Truyền hình Quốc phòng Việt Nam) lại có những trải nghiệm khác. Vốn là một nhà báo quân đội, anh đã nhiều lần được ra đảo để thực hiện ghi hình các chương trình, phóng sự. Mỗi lần ra đó, tiếp xúc với người dân trên đảo, cảm nhận được sự hy sinh của những người đồng đội đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, tình yêu đất nước trong anh lại trỗi dậy. Đó là cảm xúc để anh làm báo, để những đoạn phim anh dựng lên chuyển tải được thông điệp quý giá đến đất liền và cổ vũ tinh thần, tạo thêm động lực cho các chiến sỹ ở đảo xa.
Kỷ niệm anh nhớ nhất là chuyến đi cùng tàu cảnh sát biển vào hồi tháng 5 năm ngoái, khi Biển Đông “dậy sóng” Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 đến hải phận Việt Nam và có những hành động ngang ngược, hung hăng đối với các tàu thuyền của ta. Trong những ngày đó, tình hình hết sức căng thẳng, ở đất liền, người dân nổi dậy biểu tình chống đối hành động của Trung Quốc, các nước trên thế giới cũng theo dõi sát sao những động thái của hai bên. Nhiệm vụ của anh hết sức nặng nề, đó là phải ghi lại những hình ảnh, đoạn phim làm bằng chứng hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc và cho thấy sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, từ đó giúp truyền thông trong nước tích cực phản pháo chống lại luận điệu của Trung Quốc, đồng thời tạo được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Những ngày bám trụ trên biển của anh và đồng đội gặp không ít khó khăn và nguy hiểm, nhất là những lần bị tàu lớn Trung Quốc phun vòi rồng trực tiếp. Anh kể phải dùng hết chăn đệm có trên tàu chắn các cửa kính để nước không vào trong boong, vừa chống chọi với sóng lớn vừa phải đối phó với hành động trắng trợn từ Trung Quốc làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của anh em trên tàu. Nhưng anh vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ, đưa tin và gửi hình về đất liền kịp thời. Với anh đó là những trải nghiệm đáng nhớ và không bao giờ quên được trong chặng đường làm báo. 
Gian nan, vất vả là vậy nhưng khi được hỏi có thấy nghề báo vất vả mà nản chí thì những phóng viên trẻ ấy đều mỉm cười lắc đầu, họ bảo đi nhiều, cảm nhận nhiều chỉ có yêu nghề hơn chứ không nản. Với những hành trình biển đảo, những gì họ nhận được còn có giá trị lớn lao hơn rất nhiều lần. Nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề sẽ nuôi dưỡng nên những cây viết xuất sắc của làng báo, làm rạng danh truyền thống cúa báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. 
Bài, ảnh: An Nhiên

Tin mới