Hành trình chinh phục tấm bằng loại giỏi của cô sinh viên làm ô – sin kiếm sống

(Baonghean.vn) - Phải làm ô-sin để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng cô sinh viên Trương Thị Hoài (Trường Đại học Vinh) đã không ngừng nỗ lực để đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.

Thiếu vắng vòng tay cha

Hoài không giống như những người bạn đồng trang lứa khi em không có một gia đình trọn vẹn. Mẹ em là một người phụ nữ đơn thân. Từ khi em lọt lòng, mẹ em là bà Văn Thị Thi (sinh năm 1961) đã phải tự bươn chải một mình kiếm sống nuôi con.

Bà Thi vốn là người ở xã Trung Thành (Yên Thành), sinh ra trong một gia đình thuần nông. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ học hết lớp 7/10. Năm 19 tuổi bà rời quê lên Nghĩa Đàn, vào làm công nhân tại Nông trường 1/5.

Năm 1996, bà mang thai và sinh em Trương Thị Hoài. Tuy nhiên, ngày mẹ sinh ra em cũng là ngày bố bỏ mẹ con em ra đi biền biệt. Hai mẹ con phải sống chật vật dựa vào đồng lương ít ỏi từ công việc cạo mủ cao su của bà Thi.

Nhìn bàn tay mẹ sưng phù, chai sạn sau mỗi buổi làm về, cô bé Trương Thị Hoài đã sớm hiểu được những sự vất vả, lo toan mà mẹ mình phải gánh chịu. Vậy nên, ngay từ nhỏ, Hoài đã sớm trưởng thành so với bạn cùng trang lứa khi đã biết phụ mẹ những công việc nhà, từ chăn trâu cắt cỏ, đến nuôi lợn, nuôi gà.

Bà Văn Thị Thi đang làm giúp việc cho một gia đình tại quận Tân Bình (tp Hồ Chí Minh)
Bà Văn Thị Thi đang làm giúp việc cho một gia đình tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Ở trường, trong suốt 3 cấp học, em luôn là một cô học trò gương mẫu, nằm trong tốp học sinh khá giỏi của trường. Đặc biệt, năm lớp 12, em đã giành giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử.

Nhìn thành tích của em, ít ai biết rằng, sau giờ học, em còn theo mẹ cắt cỏ tại nông trường để kiếm thêm tiền trang trải việc học. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đã thi đậu vào Trường Đại học Vinh với số điểm 21,5.

Nhận được giấy báo nhập học của Hoài, bà Thi mừng rơi nước mắt. Số tiền chắt góp được bấy lâu nay bà dành tất cả cho con đóng học phí học kỳ đầu tiên, rồi tiền sách, tiền thuê trọ, tiền ăn. Nhìn mẹ vét những đồng tiền cuối cùng cho mình, Hoài không dám mơ tiếp con đường học tập. Lúc đó, em chỉ nghĩ, mẹ đã vì mình mà không có tuổi xuân, lại mưu sinh vất vả suốt nhiều năm trời. Nay em đã lớn, muốn vào miền Nam làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ.

sinh viên ôsin
Dù công việc làm thêm bận rộn nhưng Trương Thị Hoài luôn hoàn thành tốt việc học và đạt nhiều thành tích cao. Ảnh: Quỳnh Thanh

Hiểu nỗi lòng của con gái, bà Thi ngày đêm động viên con nhập học. Nghe lời mẹ, Hoài rời Nghĩa Đàn xuống Vinh với hành trang mang theo là mấy bộ quần áo cũ sờn, một bao tải gạo cùng mấy ký cá khô.

Về phần mình, sau khi con gái nhập học, bà Thi vừa làm ở nông trường vừa xin làm giúp việc cho một gia đình có điều kiện trong xã. Sau đó, vì công việc ở nông trường ngày càng ít, bà nghỉ hẳn để chuyển vào TP. Hồ Chí Minh làm giúp việc gia đình. 

Hành trình đầy gian nan của cô “ô-sin” chinh phục tấm bằng loại giỏi

Những ngày đầu trở thành sinh viên của Khoa Địa lý - Quản lý tài nguyên (Trường Đại học Vinh) Hoài khá bỡ ngỡ. Nhìn các bạn trẻ trung, năng động khác xa với môi trường em đã từng sống khiến em khá tự ti, khép kín. Nhưng rồi, khi tiếp cận với các môn học chuyên ngành, những điểm số 9, 10 đã khiến em yêu thích hơn việc học và tự tin với vốn kiến thức của mình.

Sau 2 tháng ổn định cuộc sống, em quyết định xin đi làm phục vụ, rửa bát tại một quán ăn gần trường. Số tiền mẹ gửi em dành để đóng học phí và đóng tiền nhà. Còn lại mọi chi phí sinh hoạt em cố gắng tự mình trang trải.

Suốt 4 năm học, Hoài vừa làm phục vụ quán ăn, vừa làm giúp việc gia đình theo giờ để có tiền trang trải việc học. Ảnh: Quỳnh Thanh
Suốt 4 năm học, Hoài vừa làm phục vụ quán ăn, vừa làm giúp việc gia đình theo giờ để có tiền trang trải việc học. Ảnh: Quỳnh Thanh

Thời điểm đó, mỗi ca làm việc của em kéo dài 6 tiếng nhưng lương chỉ từ 1,2-1,5 triệu đồng. Nhiều hôm rửa bát cho cửa hàng xong thì cũng đã 10, 11 giờ đêm. Em chỉ kịp ăn tạm gói mỳ rồi lại ngồi vào bàn học để sáng mai kịp tới giảng đường. Những ngày hè, khi chúng bạn tất bật chạy giữa các lớp học thêm thì em cũng hết chạy bàn cho quán ăn lại đi phát tờ rơi để dành dụm vào năm đóng tiền học.

Sau này, khi việc học căng thẳng hơn em chuyển sang làm giúp việc cho 2 hộ gia đình theo giờ. Mỗi gia đình là 3 buổi một tuần. Tính ra, tuần nào của em cũng kín mít lịch học, lịch làm thêm.  

Từ năm 2016, mẹ em trở bệnh nặng. Vì mắc bệnh viêm khớp mãn tính nên đôi chân mẹ đi lại rất khó khăn buộc phải nằm viện điều trị. Từ đây, cuộc sống của em lại càng thêm eo hẹp. Để trang trải đủ số tiền thuê nhà trọ, điện nước và tiền học phí, tổng số tiền chi tiêu trong ngày của cô sinh viên nhà nghèo chỉ được phép trong khoảng 30.000 đồng mà thôi.

sinh viên ôsin
Trương Thị Hoài trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Quỳnh Thanh

Vất vả với việc làm thêm, thời gian học của Hoài không nhiều nhưng cô học trò nghèo vẫn khiến nhiều bạn bè cùng lớp phải khâm phục khi nhận được 6 kỳ học bổng của Trường Đại học Vinh.

Nhiều môn học như Thực địa, Địa lý tự nhiên, Lý luận chuyên ngành, Phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành hay giảng dạy em đều đạt trên 9. Thậm chí có những môn đạt 9,8 điểm. Em còn đạt Giấy khen Sinh viên giỏi năm học 2016-2017, Sinh viên giỏi toàn khóa 2017-2018, Giấy khen có thành tích xuất sắc cuộc thi “Ánh sáng soi đường 2017”. Năm 2018, em tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi.

Giờ đây, khi nhìn lại chặng đường 4 năm học đầy trải nghiệm, Hoài vẫn thầm cảm ơn những vất vả mà mình đã trải qua. Việc làm việc cho những người khó tính đã rèn giũa cho em đức tính cẩn thận, chu toàn. Mỗi người đi qua đều cho em một bài học để em hoàn thiện được mình. Tất cả những đức tính kiên trì, nhẫn nại đó là thành quả học được "từ lúc đi làm ô sin" như em nói.

sinh viên ôsin
Bằng tốt nghiệp của Trương Thị Hoài. Ảnh: Quỳnh Thanh

Nói về cô sinh giàu nghị lực của mình, cô Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng bộ môn Phương pháp địa lý, Viện Sư phạm xã hội Trường Đại học Vinh, cũng là giáo viên chủ nhiệm qua 4 năm học của Trương Thị Hoài chia sẻ: "Điều đáng quý ở Hoài đó chính là ý chí vươn lên trong cuộc sống. Dù con đường học tập của em có vất vả hơn những người bạn cùng trang lứa khi phải tự làm thêm trang trải cuộc sống, nhưng em luôn lạc quan, vui vẻ để hoàn thành tốt việc học của mình. Sau 4 năm học, em là sinh viên tiêu biểu của Khoa Địa lý - Quản lý tài nguyên khi tốt nghiệp loại giỏi. Đó là bước đệm vững chắc để em hiện thực hóa được ước mơ trở thành cô giáo của mình".

Tin mới