Hành trình đến danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của một cựu tù Phú Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Những năm tháng bị địch giam giữ trong nhà tù Phú Quốc, ông Tăng Đình Thích chế tác nhạc cụ từ những vật liệu xung quanh mình để tiếp thêm ý chí chiến đấu. Trở về với cuộc sống đời thường, ông tiếp tục chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống và được phong danh hiệu Nghệ nhân.

Trong chốn ngục tù đế quốc

Trong ngôi nhà của mình ở xóm 2, xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), ông Tăng Đình Thích (SN 1950) dành nhiều không gian để treo những tấm ảnh lưu niệm và các loại nhạc cụ dân tộc. Ông kể: “Tôi say mê đàn bầu và nhị từ lúc còn nhỏ, tiếng đàn, tiếng nhị theo bước chân hành quân khắp các chiến trường miền Nam. Ngay cả khi bị địch bắt, đày ra nhà lao Phú Quốc, nơi được ví là chốn “địa ngục trần gian”, tôi vẫn tìm được thanh âm quen thuộc…”.

Ông Tăng Đình Thích đam mê âm nhạc dân tộc từ thuở thiếu thời. Ảnh: Công Khang

Ông Tăng Đình Thích đam mê âm nhạc dân tộc từ thuở thiếu thời. Ảnh: Công Khang

Thời niên thiếu, cậu bé Tăng Đình Thích được cha dạy đánh trống, đánh đàn nhị, đàn bầu, thổi sáo, hát chèo và đi khắp nơi biểu diễn. Năm 1967, vừa bước sang tuổi thanh niên, ông Thích đăng ký nhập ngũ rồi cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, trở thành “cây văn nghệ” của Binh trạm 41, Đoàn 559.

Hơn 2 năm chiến đấu, năm 1969, trong một trận đánh ác liệt, chiến sĩ Tăng Đình Thích bị thương và không may sa vào tay giặc. Bị đánh đập, tra tấn nhưng ông chỉ khai mình tên là Nguyễn Trung Hiếu, quê Nghệ An. Không khai thác được thông tin, địch chuyển ông ra giam giữ ở nhà lao Phú Quốc.

Trong gần 4 năm giữa trùng khơi sóng gió, người tù cộng sản Tăng Đình Thích cùng đồng chí, đồng đội đã phải chịu đựng những trận đòn roi và thủ đoạn tàn bạo, hà khắc của kẻ địch. Và cũng tại nơi đây, ông Thích có dịp gặp gỡ những người có năng khiếu về âm nhạc dân tộc để học tập, trao đổi kinh nghiệm chế tác, sử dụng nhạc cụ.

Những năm tháng quân ngũ, ông Tăng Đình Thích lập được nhiều chiến công. Ảnh: Công Khang

Những năm tháng quân ngũ, ông Tăng Đình Thích lập được nhiều chiến công. Ảnh: Công Khang

Với mục đích xoa dịu nỗi đau của bản thân và đồng đội sau mỗi trận đòn roi, đồng thời giúp giữ vững ý chí và khí tiết của người cộng sản, ông Thích đã tìm cách chế tác nhạc cụ để biểu diễn. Chiếc đàn nhị được chế tác bằng cách lấy que củi ở bếp làm cần, ống nhị làm từ chiếc lon đựng nước bọn lính cai vứt sau vườn, miếng da bọc ống nhị lấy từ da con cá nóc trong khẩu phần ăn, dây đàn thì cắt trộm một đoạn dây điện vứt sau tường rào…

Chiếc đàn nhị hoàn thành, anh em, đồng đội hết sức vui sướng khi được lắng nghe giai điệu tha thiết, gửi gắm bao tâm tư, nỗi niềm với quê hương. Sau đó, ông Thích tiếp tục chế tác thành công chiếc sáo bằng cách cắt một tấm tôn lợp mái nhà rồi cuộn tròn, đục lỗ thoát hơi. Âm thanh không được như tiếng sáo trúc ở quê nhưng vẫn réo rắt, da diết, gợi lên nỗi xao xuyến, bồi hồi.

Cũng từ đó, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ của những người tù cộng sản càng sôi động. Qua đây, anh em, đồng đội thêm gắn bó, sẻ chia tâm tư vui, buồn và động viên nhau vượt qua thử thách, giữ vững niềm tin về sự thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trao truyền vốn quý…

Bộ sưu tập nhạc cụ của ông Tăng Đình Thích. Ảnh: Công Khang

Bộ sưu tập nhạc cụ của ông Tăng Đình Thích. Ảnh: Công Khang

Năm 1973, ông Tăng Đình Thích được trao trả theo Hiệp định Paris, sau ngày giải phóng miền Nam (1975) phục viên về địa phương với thương tật 71%. Dù sức khỏe giảm sút nhưng người lính năm xưa vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, nhiều năm liền là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Diễn Châu.

Đặc biệt, ông Thích vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc dân tộc, dành thời gian đi khắp các vùng quê gặp các nghệ sĩ nổi tiếng và nghệ nhân dân gian để học thêm các kỹ năng về đàn và hát dân ca. Mặt khác, ông hòa mình vào phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương với vai trò nhạc công kèn sô-na, đàn nhị, đàn bầu, sáo trúc và trống.

Đồng thời, ông Tăng Đình Thích lập nhóm nhạc để phục vụ các ngày lễ, hội, đám hiếu và tế họ cho cộng đồng dân cư trên địa bàn, qua đó truyền dạy và nâng cao kỹ năng sử dụng nhạc cụ truyền thống (đàn bầu, nhị và sáo trúc) cho con cháu và các thành viên nhóm nhạc cũng như người dân.

Người con trai Tăng Đình Hiếu cùng 2 cháu nội Tăng Đình Thuận và Tăng Thị Quỳnh Như là những học trò xuất sắc của ông Thích. Hiện cháu Tăng Đình Thuận đã sử dụng thành thạo đàn bầu, sáo, nhị và bước đầu làm quen với việc chế tác các loại nhạc cụ này. Thuận cũng là một thành viên tích cực của nhóm nhạc do ông nội mình thành lập.

Ông Tăng Đình Thích cùng cháu nội Tăng Đình Thuận biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Công Khang

Ông Tăng Đình Thích cùng cháu nội Tăng Đình Thuận biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Công Khang

Ghi nhận những đóng góp đối với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, lưu giữ và truyền dạy âm nhạc dân tộc, Chủ tịch nước vừa ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho ông Tăng Đình Thích.

“Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng bản thân mà của cả gia đình, là nguồn động viên, khích lệ để tôi tiếp tục gắn bó với các loại nhạc cụ dân tộc”, ông Thích tâm sự.

Ông Tăng Đình Thích cùng cháu nội Tăng Đình Thuận biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Clip: Công Khang

Tin mới