Hành trình đòi danh dự của các cựu binh bị đình chỉ chế độ

(Baonghean) - Thời gian qua, hàng trăm người đang được hưởng trợ cấp đều đặn thì bỗng bị đình chỉ mọi chế độ sau những cuộc thanh tra “thương binh giả”. Để minh oan cho mình, nhiều cựu binh phải gõ cửa hàng loạt cơ quan suốt thời gian dài, có người đến khi chết mới nhận được quyết định phục hồi. 

Căn nhà nhỏ ở xóm Tân Sơn (xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) của bà Phạm Thị Phương (59 tuổi), nhiều tháng liền không một tiếng cười. Con cái sinh sống ở xa, từ ngày chồng qua đời ở tuổi 61, ngôi nhà cũng trở nên hiu quạnh. “Ông ấy chết mà vẫn chưa kịp cầm được cái quyết định để minh oan cho mình”, bà Phương cho biết. 

Quyết định phục hồi chế độ cho ông Hồ Đức Xuân.
Quyết định phục hồi chế độ cho ông Hồ Đức Xuân.

Chồng bà, ông Hồ Đức Xuân nhập ngũ năm 1974, thuộc Sư đoàn 341. Cuối tháng 4/1975, ông Xuân bị thương nặng trong một trận chiến đấu ở Xuân Lộc - cửa ngõ tiến vào Sài Gòn, “Đến khi chết, ông ấy vẫn còn hai mảnh đạn nằm trong người”, bà Phương kể.

Chiến tranh kết thúc, ông Xuân về quê lấy vợ, sinh được bốn người con. Năm 2001, ông làm hồ sơ đề nghị được công nhận thương binh. Hồ sơ của ông Xuân sau đó được xác nhận dựa trên danh sách quân nhân bị thương còn lưu tại đơn vị, với tỷ lệ thương tật 35%. Đến đầu tháng 9/2016, như thường lệ, gia đình ông Xuân chuẩn bị lên xã để nhận tiền trợ cấp hàng tháng, thì bỗng dưng nhận được quyết định đình chỉ… Trước khi bị đình chỉ, ông Xuân nhận trợ cấp mỗi tháng gần 1,5 triệu đồng.

Ông Xuân là 1 trong 90 trường hợp trên địa bàn Nghệ An cùng bị đình chỉ trợ cấp một đợt sau kết luận của đoàn thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đoàn thanh tra cho rằng, bản gốc danh sách quân nhân bị thương lưu tại đơn vị không có tên những người này hoặc tên bị ghi chèn lên. Không chỉ bị dừng mọi trợ cấp, 90 thương binh buộc phải nộp lại toàn bộ số tiền đã được hưởng từ chính sách trong hàng chục năm qua với hơn 16 tỷ đồng, để chuyển về tài khoản của Bộ.

Từ đó, ông Xuân mang danh “thương binh giả”. Bức xúc vì quyết định này, mặc dù còn nằm trên giường bệnh, ông Xuân vẫn buộc người thân phải đưa ra tận Sư đoàn 341 đóng tại Thanh Hóa để tìm hồ sơ của mình. Sau nhiều lần “gõ cửa” các cơ quan chức năng, cuối cùng trong danh sách quân nhân bị thương trong bản gốc lưu tại đơn vị cũng có tên ông. 

Chiều 29/6/2017, trong lúc vẫn còn chờ đợi được minh oan khỏi cái danh “thương binh giả”, ông Xuân qua đời.  Cũng trong ngày đó, ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ký quyết định khôi phục trợ cấp thương binh và các chế độ ưu đãi đối với ông Hồ Đức Xuân. Theo quyết định này, ông Xuân sẽ được nhận lại số tiền gần 15 triệu đồng trợ cấp đã bị đình chỉ trong 10 tháng và bắt đầu hưởng trợ cấp lại hàng tháng từ ngày 1/7/2017. Tuy nhiên, người thương binh Hồ Đức Xuân đã mãi mãi không thể cầm trên tay tờ “quyết định minh oan” ấy... 

Cũng bị đình chỉ mọi chế độ thương binh như thế, ông Nguyễn Hữu Tâm (66 tuổi, xã Nghi Công Bắc, Nghi Lộc) cho biết, ông vẫn đang chờ một lời xin lỗi từ các cơ quan chức năng. Hai tháng trước, ông Tâm cũng đã được khôi phục trợ cấp thương binh và các chế độ ưu đãi. “Đùng một cái, họ đình chỉ hết chế độ của tôi. Rồi lại phục hồi mà chẳng ai đưa ra một lời xin thông cảm vì sai sót”, ông Tâm bức xúc.

Ông Nguyễn Hữu Tâm mong muốn một lời xin lỗi từ cơ quan chức năng. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Nguyễn Hữu Tâm mong muốn một lời xin lỗi từ cơ quan chức năng. Ảnh: Tiến Hùng

Vén áo, chỉ vào những vết sẹo lồi lõm ở bả vai, ông Tâm kể, ông nhập ngũ từ năm 1971. Đó cũng là năm anh trai của ông hy sinh khi đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Tâm tiếp tục ở lại đơn vị rồi sang Campuchia làm nhiệm vụ. Tháng 4/1979, ông bị thương phải nằm viện suốt hơn 3 tháng. Sau khi xuất viện, sức khỏe yếu, ông được đưa về làm hậu cần cho đến ngày rời quân ngũ. Năm 2005, cũng như nhiều thương binh khác, ông Tâm làm hồ sơ đề nghị được công nhận thương binh dựa trên danh sách quân nhân bị thương lưu tại đơn vị. Sau khi giám định, ông Tâm được xác định tỷ lệ thương tật 35%.

Rồi tháng 9/2016, ông Tâm bị đình chỉ mọi chế độ thương binh và bị buộc phải nộp lại số tiền hơn 100 triệu đồng đã được hưởng từ nhiều năm qua, vì thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã không tìm thấy tên ông trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở Sư đoàn 341. Sau khi bị đình chỉ, ông không nhớ nổi bao nhiêu lần đi “gõ cửa” cơ quan chức năng để đòi lại danh dự.

Ông Tâm đã phải đích thân tìm ra đơn vị đóng ở Thanh Hóa để nhờ người lục lại danh sách. Mãi đến 10 tháng sau, ông Tâm mới được minh oan, không còn bị coi là thương binh giả. Nhưng ông nói rằng, để có được điều này, ông đã  hai lần phải ra Thanh Hóa, rồi đến cấp xã, cấp huyện. Sau đó lại lên tỉnh, lên quân khu. Số tiền đi lại cũng tốn kém hàng chục triệu đồng. “Chế độ trợ cấp chưa hẳn là vấn đề, vấn đề ở đây là danh dự của những người lính như chúng tôi”, ông Tâm bức xúc. 

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong tất cả các quyết định bị đình chỉ đều nêu lý do từng người vì sao bị đình chỉ, nhưng nếu người nào sau này bổ sung được, đều được đệ trình để xét duyệt lại, và được phục hồi truy lĩnh. Nhiều người tuy tuổi cao sức yếu biết mình bị oan đã ra tận sư đoàn để tìm được các giấy tờ như giấy ra viện, danh sách  hồ sơ quân nhân bị thương trong đó có tên mình; vì thế sau khi bổ sung đầy đủ thủ tục theo yêu cầu, đã được minh oan. Không ai muốn điều này xảy ra, nhưng đã là chính sách thì phải làm chặt chẽ”.

Sau khi nhận hàng loạt đơn khiếu nại, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng đã tổ chức đoàn công tác đến một số sư đoàn để thanh tra lại. Qua đó phát hiện hàng chục trường hợp có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị nhưng không hiểu vì lý do gì, đoàn thanh tra trước đã không tìm thấy. Qua kết luận thanh tra lần 2 này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã khôi phục mọi trợ cấp thương binh cho 59/336 trường hợp bị đình chỉ từ tháng 9/2016. 

Năm 2014, Nghệ An có 273 trường hợp được hưởng trợ cấp thương bệnh binh bị đình chỉ. Đến tháng 9/2016, có thêm  90 trường hợp ở Nghệ An bị đình chỉ. Quyết định này được đưa ra dựa trên kết luận của đoàn thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH. Đoàn này đã làm việc suốt gần nửa năm, phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát 37.000 hồ sơ thương binh trên địa bàn Nghệ An. Qua đó phát hiện 336 trường hợp không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị hoặc có tên nhưng bị ghi chèn lên. Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu thu hồi hơn 33 tỷ đồng là số tiền 336 trường hợp này đã được hưởng từ trước đến nay… Tuy nhiên, kết luận thanh tra và quyết định đình chỉ của bộ này đã vấp phải nhiều phản ứng.

(Còn nữa)

 Hiến Tùng - Khôi Nguyên 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới