Hành trình đưa đồng đội về quê hương trên đất bạn Lào

(Baonghean) - Địa hình thay đổi sau nửa thế kỷ, việc tìm kiếm mộ liệt sĩ đã khó, việc xác định được chính xác nhân thân càng khó khăn hơn.

Ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến trụ sở Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An), cũng là lúc ông Nguyễn Xuân Khoát (60 tuổi, quê Hòa Bình) tìm đến đây. Ông Khoát cũng là một sỹ quan quân đội về hưu, có anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyên hy sinh ở nước bạn Lào năm 1972. “Tất cả bây giờ chỉ trông cậy vào các anh. Gia đình rất mong muốn đưa được anh ấy về quê bao năm nay”, ông Khoát nói với Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng Đội quy tập. 

Đưa anh trở về đất mẹ. Ảnh: Tiến Hùng
Đưa anh trở về đất Mẹ. Ảnh: Tiến Hùng
Ông Khoát kể rằng, sau nhiều năm đi gặp từng đồng đội của anh mình, ông đã biết được vị trí chôn cất anh trai nhưng đến nơi lại chẳng có một dấu vết nào. Khu vực được khoanh vùng quá rộng, lại có đến 19 liệt sĩ Việt Nam được chôn cất ở đây trong khi không có sơ đồ mộ chí, gia đình đành “bó tay”. Ông Khoát chỉ là một trong hàng nghìn thân nhân liệt sĩ hy sinh ở Lào tìm đến đội này để nhờ tìm kiếm hài cốt. Tuy nhiên, công việc này không phải điều dễ dàng.
Những bữa cơm giữa rừng của Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt; Cất bốc hài cốt liệt sỹ; Dò tìm hài cốt liệt sỹ trong hang đá. Ảnh: Tiến Hùng
Những bữa cơm giữa rừng của Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt; Cất bốc hài cốt liệt sĩ; Dò tìm hài cốt liệt sĩ trong hang đá. Ảnh: Tiến Hùng

Thượng tá Nguyễn Văn Nam cho rằng, đó dường như là một công việc “mò kim đáy bể”, đặc biệt khi mà phần lớn các liệt sĩ đã hy sinh từ cách đây gần nửa thế kỷ, để xác định chính xác được vị trí chôn cất, không phải là một điều dễ dàng. Đội được giao nhiệm vụ tìm kiếm ở 3 tỉnh Xiangkhouang, Vientiane và Xaysomboun. Trong đó, Xiangkhouang được cho là tỉnh có nhiều quân tình nguyện Việt Nam hy sinh nhất. Ngay sau khi mùa mưa ở bên Lào kết thúc, gần 100 chiến sĩ của đội thường được chia thành 4 mũi. Những mũi này sau đó lại chia thành nhiều hướng. Mỗi hướng đôi khi chỉ vài người, nhưng phụ trách đến hai huyện. 

Để tìm được những hài cốt này, các chiến sĩ thường dựa vào các nguồn tin như sơ đồ nghĩa trang do các đơn vị cung cấp, nguồn tin từ các cựu chiến binh trực tiếp chôn cất hoặc thân nhân liệt sĩ và nguồn từ người dân địa phương. Tuy nhiên, tất cả những nguồn tin này đều rất mông lung. Do thời gian đã quá lâu nên sơ đồ giờ cũng không còn có hiệu quả, bởi địa hình thay đổi. Trong khi ngày xưa, lúc chôn cất các liệt sĩ trong lúc chiến sự gấp rút, nên việc vẽ sơ đồ, đánh dấu vị trí cũng thường sai số nhiều. 

Quá trình đội cất bốc hài cốt các liệt sỹ. Ảnh: Tiến Hùng
Quá trình đội cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Ảnh: Tiến Hùng

Mùa khô ở Lào thời tiết rất khắc nghiệt; ngày nóng đến bỏng rát nhưng có những đêm, lạnh đến thấu xương. Trong khi các chiến sĩ thường phải dựng lán ngủ trong rừng suốt nhiều ngày. Những bữa cơm ở giữa rừng trở nên quá quen thuộc với họ. Đường sá chưa được đầu tư nhiều, vì thế hành trình của họ thường phải cuốc bộ, băng rừng, lội suối. Các chiến sĩ phải vừa đi vừa mở đường. Có những điểm phải đi hết 2 ngày nhưng việc tìm kiếm cũng chẳng có kết quả. Chiến trường xưa bây giờ đã được che phủ bởi những cánh rừng âm u, nhưng không ít bãi mìn, bom đạn vẫn còn sót lại. Không ít chiến sĩ  đã bị thương vì giẫm phải mìn hay đào bới đúng vào quả đạn trong lúc làm công việc này. 

Nhiều điểm ở rừng sâu, các chiến sỹ phải đi bộ băng rừng suốt nhiều giờ mới có thể đưa được hài cốt liệt sỹ trở về. Ảnh: Tiến Hùng
Nhiều điểm ở rừng sâu, các chiến sĩ phải đi bộ băng rừng suốt nhiều giờ mới có thể đưa được hài cốt liệt sĩ trở về. Ảnh: Tiến Hùng

“Có một điều khiến chúng tôi trăn trở nhất đó là quá khó để xác định được nhân thân của hài cốt đó, dù biết chính xác đó là liệt sĩ Việt Nam. Có người có tên thì không có tên đơn vị, rồi có người chỉ có quê quán…”, Thượng tá Nam nói.

Từ năm 1984 đến nay, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Nghệ An đã cất bốc, quy tập được hơn 12.000 hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trên đất nước bạn Lào. Trong số đó, đã tổ chức bàn giao hơn 900 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính, quê quán để chính quyền các địa phương và gia đình tổ chức an táng tại quê hương các liệt sĩ. Riêng mùa khô 2018 - 2019, đơn vị quy tập được 98 hài cốt. 

Tin mới