Hành trình tới châu Âu: Những kẻ buôn người hứa chỉ cần ở 2 tiếng trong thùng lạnh

Nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo người di cư cho rằng, mở các tuyến đường hợp pháp tới châu Âu là một biện pháp để ngăn chặn thảm kịch tái diễn.

Chính quyền Anh trong tuần qua đã tìm thấy 39 thi thể trong một chiếc container tại khu công nghiệp Waterglade ở thị trấn Grays, cách thủ đô London 32 km về phía Đông. Nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo người di cư, các chính trị gia, cùng những người đã từng là nạn nhân của tình trạng vượt biên trái phép tới châu Âu bày tỏ bàng hoàng trước vụ việc, đồng thời kêu gọi đưa ra biện pháp để ngăn chặn thảm kịch tái diễn.

Hành trình tới châu Âu: Những kẻ buôn người hứa chỉ cần ở 2 tiếng trong thùng lạnh ảnh 1
Vụ phát hiện 39 thi thể trong xe container đã làm rúng động dư luận châu Âu. Ảnh: Sky News

“Những kẻ buôn người bảo chúng tôi chỉ cần ở 2 tiếng thôi ở trong thùng lạnh cùng với các loại thực phẩm là thịt và gà. Nhưng 2 giờ mà chiếc xe cũng chưa cử động. Đến lúc chúng tôi gần sắp chết mới được thả ra. Không từ nào có thể miêu tả cảm xúc của tôi khi nghe tin về những thi thể được tìm thấy trong chiếc xe tải đông lạnh. Nó gợi nhớ đến chuyến hành trình kinh hoàng của tôi”.

Đây là lời chia sẻ của Anh Ahmad al-Rashid từ Syria với chuyến hành trình 55 ngày đến châu Âu. Trả lời trên kênh Channel 4 của Anh, anh Ahmad al-Rashid kêu gọi mở lại các con đường hợp pháp cho người di cư đến châu Âu.

Theo số liệu của cơ quan tội phạm quốc gia Anh, số người vượt biên trái phép vào nước Anh trên các container đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Cơ quan này cảnh báo rằng "ngày càng có nhiều phương pháp nhập cảnh "chui" vào Anh do các băng đảng tội phạm nhập cư tổ chức. Nhiều thảm kịch tương tự đã xảy ra và với vụ việc mới nhất, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố tất cả những đối tượng liên quan tới nạn buôn người cần bị truy lùng và đưa ra pháp luật.

Sự kiện đau lòng vừa qua có thể khiến hoạt động đấu tranh chống nạn buôn người trái phép của châu Âu được siết chặt hơn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo người di cư cũng cho rằng, mở ra các tuyến đường hợp pháp tới châu Âu cũng sẽ là một biện pháp để ngăn chặn thảm kịch tái diễn.

Cộng đồng giáo dân Sant'Egidio của Italy gọi thảm kịch này là không thể chấp nhận được đối với vấn đề nhân quyền của châu Âu, đồng thời kêu gọi các thể chế Liên minh châu Âu và các nước cần nhanh chóng đưa ra biện pháp để ngăn chặn những thảm kịch tương tự. Cộng đồng giáo dân Sant'Egidio cũng kêu gọi mở cửa trở lại tuyến đường di cư hợp pháp tới châu Âu do nhu cầu lao động, thúc đẩy các hành lang nhân đạo cho người tị nạn.

Tổ chức ủng hộ người di cư tại Đức Pro Asyl thì cho rằng, EU nên chia sẻ trách nhiệm đối với các thảm kịch xảy ra. Giám đốc điều hành của Pro Asyl Günter Burkhardt nhấn mạnh, nếu các chính trị gia châu Âu đẩy số phận người dân vào tay của những kẻ buôn lậu hoặc tội phạm, bằng việc chặn tất cả các tuyến đường tới châu Âu thì khi đó châu Âu cũng phải chia sẻ trách nhiệm./.

Tin mới