Hành trình trở lại trường học của cậu trò nghèo nơi rẻo cao

Đúng ngày 5/9, ngày hội khai trường của toàn thể học sinh ở Nghệ An, như bao học trò khác, cậu bé Cụt Văn Lu sau gần 1 năm điều trị bệnh tại các bệnh viện ở thành phố Vinh, cậu cũng háo hức chuẩn bị cặp sách để dự lễ khai giảng năm học mới, bước vào năm lớp 3. Đối với Cụt Văn Lu, được trở lại trường học là cả một kỳ tích và là quá trình dài nỗ lực vượt qua bệnh tật.

Bởi cách nay tròn 1 năm, những ngày tháng 9 năm 2021, khi bạn bè cùng trang lứa bước vào năm học mới thì cậu bé Lu lại ôm chiếc chân đau nhức nằm khóc nơi góc nhà. May mắn được Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin tài trợ 40 triệu đồng, Lu trải qua gần 1 năm chữa bệnh ở thành phố Vinh, và được xuất viện về nhà, vừa kịp chuẩn bị bước vào năm học mới. Những ngày ở viện, dù trải qua nhiều lần phẫu thuật, nhưng Cụt Văn Lu vẫn luôn ao ước sẽ sớm khỏi bệnh để được đi học trở lại.

Cuối tháng 8/2022, trong cái nắng khá oi ả của thành phố Vinh, tại khuôn viên rợp bóng cây của Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình, cậu bé Cụt Văn Lu hớn hở mang chiếc cặp vừa mới được tặng chạy qua, chạy lại chờ mẹ làm thủ tục ra viện. Khi được hỏi “Chân còn đau nữa không?”, cậu bé Lu vui vẻ trả lời ngay “chân không đau nữa, cháu muốn về đi học”. Nói rồi, cậu chỉ vào cẳng chân còn quấn một lớp vải bảo vệ, cố tình giẫm giẫm lên nền gạch để chứng minh chân cậu đã khỏi hẳn.

Chị Cụt Thị Pheng – mẹ của em Cụt Văn Lu cho hay, ngày 4/9, huyện Kỳ Sơn mưa cả ngày, từ đầu giờ sáng Lu đã sắp sẵn cặp sách để ngày mai đi khai giảng. Cậu bé rất háo hức, chờ đợi giây phút được bước vào lớp học, được ngồi vào bàn học sau gần 1 năm xa rời mái trường. Ấy vậy mà, qua đêm 4/9, nhiều bản làng ở Kỳ Sơn xảy ra lũ quét, sạt lở đất khiến nhiều trường không thể tổ chức lễ khai giảng, nhiều học sinh ở các bản xa không thể đến trường.

Hai mẹ con Cụt Văn Lu mang sẵn cặp sách chờ làm thủ tục xuất viện về huyện Kỳ Sơn chuẩn bị trở lại trường; Em Cụt Văn Lu mang sẵn cặp sách chờ mẹ làm thủ tục xuất viện.
Hai mẹ con Cụt Văn Lu mang sẵn cặp sách chờ làm thủ tục xuất viện về huyện Kỳ Sơn chuẩn bị trở lại trường; Em Cụt Văn Lu mang sẵn cặp sách chờ mẹ làm thủ tục xuất viện.

Trường Tiểu học Phà Đánh cũng vậy. Nhà của Cụt Văn Lu ở cách trường gần 10 km đường đồi núi, do mưa lũ sạt lở nên Lu không thể đến trường để dự lễ khai giảng. 7h30 phút sáng 5/9, thay vì được cùng thầy, cô và bạn bè đứng dưới lá cờ Tổ quốc, cùng hát Quốc ca, cùng nghe tiếng trống trường báo hiệu một năm học mới bắt đầu, thì Cụt Văn Lu lại phải ôm cặp sách ngồi trên bậc thang nhà sàn, yên lặng trải qua những giây phút của lễ khai giảng. Lễ khai giảng năm học này của cậu bé Cụt Văn Lu diễn ra trong tiếc nuối nơi bản nhỏ xa xôi, cách trở và trời vẫn tiếp tục mưa tầm tã.

Thầy Nguyễn Thiện Hiếu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phà Đánh cho biết, sáng 5/9, toàn bộ học sinh ở các bản xa của xã Phà Đánh không thể đến trường dự lễ khai giảng vì sạt lở các tuyến đường, trong đó có học sinh ở bản Huồi Nhúc, nơi em Cụt Văn Lu ở. “Năm học lớp 2, em Cụt Văn Lu đi học ở điểm trường gần nhà nên khá thuận lợi. Là một học sinh ham học, khi chân đỡ đau, hoặc được bệnh viện nghỉ cho về nhà thì Cụt Văn Lu lại tranh thủ đến lớp học. Năm nay, học sinh các khối lớp 3, 4, 5 đều tập trung về học tại điểm trường chính gần UBND xã Phà Đánh. Cụt Văn Lu học lớp 3A, cũng học bán trú tập trung ở điểm trường chính gần Quốc lộ 16” – thầy Nguyễn Thiện Hiếu cho biết.

Đường về bản Huồi Nhúc, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn); Lũ quét xảy ra làm nhiều trường học ở huyện Kỳ Sơn phải hoãn lễ khai giảng; Một điểm trường học ở huyện Kỳ Sơn bị sạt lở đổ bờ tường do lũ quét đêm 4/9 ngay trước ngày khai giảng; Người dân xã Phà Đánh khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất xảy ra đêm 4/9. Ảnh: Hoài Thu - CTV
Đường về bản Huồi Nhúc, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn); Lũ quét xảy ra làm nhiều trường học ở huyện Kỳ Sơn phải hoãn lễ khai giảng; Một điểm trường học ở huyện Kỳ Sơn bị sạt lở đổ bờ tường do lũ quét đêm 4/9 ngay trước ngày khai giảng; Người dân xã Phà Đánh khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất xảy ra đêm 4/9. Ảnh: Hoài Thu - CTV

Dù rằng không được tham dự lễ khai giảng năm học mới, nhưng từ sáng sớm ngày 6/9, dù trời tiếp tục mưa, hiểu được khao khát của con, mẹ của Lu vẫn cố gắng vượt quãng đường gần 10 km đồi núi trơn trượt để chở con đến trường. Chị Cụt Thị Pheng nhớ lại, mùa khai giảng năm trước, Lu cũng ngồi ở bậc nhà sàn ngóng về lớp học, song là sự trông ngóng tuyệt vọng vì lúc đó Lu đang trong cơn đau, ôm chân khóc mếu máo. Chân của Lu bị nhiễm trùng, hoại tử xương và cong vênh không thể đi lại. Trước đó, cả nhà đã bán đi con bò duy nhất, là nguồn phát triển kinh tế của gia đình để đưa Cụt Văn Lu đi chữa trị 1 tháng ở bệnh viện. Sau khi ra viện, theo lời hẹn của bác sỹ, đáng lẽ ra Lu phải trở lại điều trị tiếp, song vì không còn tiền nên đành ở nhà.

Em Cụt Văn Lu điều trị chân tại bệnh viện; Hai mẹ con Cụt Văn Lu tại bệnh viện; Những ngày ở viện em Cụt Văn Lu luôn mong chân nhanh khỏi để được về đi học.
Em Cụt Văn Lu điều trị chân tại bệnh viện; Hai mẹ con Cụt Văn Lu tại bệnh viện; Những ngày ở viện em Cụt Văn Lu luôn mong chân nhanh khỏi để được về đi học.

“Lu hắn đau chân khóc cả ngày, cả đêm. Chân cứ chảy mủ, ngày càng sưng tấy mà nhà không có tiền đi viện, nên ở nhà sống được đến ngày nào thì biết ngày đó” – chị Cụt Thị Pheng cho biết. Nói về hoàn cảnh của em Cụt Văn Lu, Bí thư Đoàn xã Phà Đánh Lương Xuân Tạc cho hay, em Lu rất ham học, những ngày đau chân quá buộc phải nghỉ, nhưng khi nào đỡ đau là em lại nhờ chị gái cõng đến trường. Thương cậu học sinh nghèo ham học, các thầy, cô giáo, cán bộ xã Phà Đánh cũng đến thăm, động viên, rồi chụp hình đăng lên mạng xã hội kêu gọi, hy vọng sẽ có các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ tiền giúp Lu chữa bệnh.

Và thông tin về hoàn cảnh khó khăn, về ước muốn được đến trường của Cụt Văn Lu đã được Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin ở thành phố Vinh nắm bắt, liên lạc với chính quyền địa phương và gia đình để tài trợ số tiền 30 triệu đồng giúp cứu tính mạng của cậu trò nhỏ ham học. Ngày 12/12/2021, hai mẹ con Cụt Văn Lu bắt chuyến xe khách sớm nhất để xuống đến Vinh lúc 3 giờ chiều. Các cô chú Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin đã chờ sẵn, giúp Lu làm thủ tục nhập Khoa Ngoại, Bệnh viện Ung bướu, rồi trao tận tay mẹ của em Cụt Văn Lu số tiền 30 triệu đồng. “Mẹ của Lu không biết chữ, chưa xuống Vinh lần nào nên nhờ nhóm thiện nguyện giữ hộ số tiền, khi cần thì đưa cho hai mẹ con chi tiêu, đề phòng bị mất cắp” – Phó Chủ tịch UBND xã Phà Đánh gọi điện thoại nhờ thành viên Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin. Và chị Cụt Thị Pheng cũng đồng ý.

Các thành viên nhóm thiện nguyện thăm hỏi, chia sẻ cùng mẹ con em Cụt Văn Lu.
Các thành viên nhóm thiện nguyện thăm hỏi, chia sẻ cùng mẹ con em Cụt Văn Lu.

Sau 1 tháng điều trị ở Bệnh viện Ung bướu, Cụt Văn Lu được chuyển sang Viện Chấn thương – Chỉnh hình. Tại đây, từ tháng 12/2022 đến tháng 8/2022, Cụt Văn Lu trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Lần phẫu thuật thứ nhất nhằm xử lý vết hoại tử, cắt phần xương hỏng. Lần phẫu thuật thứ hai cách lần thứ nhất 3 tháng, để ghép xương nhân tạo, đóng nẹp định hình. Cả hai lần mổ, cùng với chi phí mua xương nhân tạo để ghép, cộng với chi phí đi lại, ăn uống của hai mẹ con Cụt Văn Lu trong nửa năm trời, số tiền 30 triệu đồng đã hết, nhưng vẫn còn 1 lần phẫu thuật. Vì vậy, đầu tháng 4/2022, Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin đã quyết định tài trợ thêm 10 triệu đồng để Cụt Văn Lu đi tiếp chặng đường chữa lành chân, sớm được cắp sách đến trường như bao cậu học trò khác.

Từ tháng 12/2021 đến tháng 8/2022, mẹ con Cụt Văn Lu mỗi tháng đều đặn xuống thành phố Vinh 10 – 15 ngày để điều trị, rồi lại trở về nhà nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe chờ lần tái khám hoặc phẫu thuật tiếp theo. Hàng tháng, mỗi lần hai mẹ con chuẩn bị trở lại bệnh viện, việc đầu tiên khi xách hành lý ra khỏi nhà để xuống thành phố Vinh là chị Cụt Thị Pheng lại gọi điện thoại cho đại diện Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin. Đều đặn gần 1 năm trời, hai mẹ con Cụt Văn Lu và các thành viên nhóm thiện nguyện dường như đã là “người một nhà”, cùng chia sẻ niềm vui khi bệnh của Lu ngày càng tiến triển khả quan. Từ chỗ nhút nhát, ít nói, dần dà cậu bé Lu đã vui vẻ, cười nói nhiều hơn. Niềm vui hạnh phúc đã sáng lên trong đôi mắt to tròn, trong từng cử chỉ vui mừng của Lu mỗi lần các cô, chú nhóm thiện nguyện ghé thăm.

Mỗi tháng một lần hai mẹ con Cụt Văn Lu xuống TP. Vinh chữa trị, được nhóm thiện nguyện Niềm Tin giúp đỡ.
Mỗi tháng một lần hai mẹ con Cụt Văn Lu xuống TP. Vinh chữa trị, được nhóm thiện nguyện Niềm Tin giúp đỡ.

Ngày 22/8/2022, em Cụt Văn Lu được ra viện, kết thúc gần 1 năm điều trị. Chân của em từ chỗ hoại tử xương, đau nhức nằm ở nhà chờ chết, nhờ có sự tài trợ của Nhóm Thiện nguyện Niềm Tin, trải qua 3 lần phẫu thuật nay đã khỏi. Phút chia tay tạm biệt, chị Cụt Thị Pheng cứ nắm lấy tay của các thành viên nhóm thiện nguyện lưu luyến, nói lời cảm ơn tới các thành viên. “Nhờ có 40 triệu đồng các cô, các bác hỗ trợ nên chân của con trai Cụt Văn Lu mới được chữa trị, giữ được tính mạng cho con, không biết nói gì cho hết tấm lòng muốn cảm ơn các cô chú” – chị Cụt Thị Pheng bộc bạch.

Được ra viện sau gần 1 năm điều trị, cuộc đời cậu trò nhỏ Cụt Văn Lu dường như đã bước sang trang mới. Và hành trang trên chặng đường tiếp theo của Cụt Văn Lu từ nay không chỉ có sự chăm chỉ, ham học, mà còn có thêm động lực, niềm tin về lòng yêu thương, chia sẻ mà cậu đã được đón nhận từ cộng đồng.

Em Cụt Văn Lu trở lại lớp học sau gần 1 năm nghỉ chữa bệnh; Chân của em Lu đã khỏi và không còn đau, có thể chơi đùa cùng các bạn.
Em Cụt Văn Lu trở lại lớp học sau gần 1 năm nghỉ chữa bệnh; Chân của em Lu đã khỏi và không còn đau, có thể chơi đùa cùng các bạn.