Hào hùng những ký ức thời hoa lửa

(Baonghean.vn) - Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã lùi xa 46 năm nhưng những người bước ra từ cuộc chiến vẫn lưu giữ những kỷ niệm thời hoa lửa. Những dòng ký ức vẫn tươi nguyên, là hành trang mang theo của một thế hệ từng đi qua đạn lửa.

Người chỉ huy ở vùng “đất lửa”

Mỗi khi nhắc đến Thiếu tướng Cao Xuân Khuông – nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, nhiều người lính từng chiến đấu ở Quảng Trị luôn bộc lộ sự thán phục. Bởi ông đã đi qua suốt “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 và 10 năm chinh chiến nơi chiến trường ác liệt này. Năm nay tròn bát thập, sức khỏe giảm nhiều nhưng ông chưa bao giờ quên những năm tháng ở chiến trường khói lửa.

 “Đó thực sự là một chặng đời đầy gian truân và nguy hiểm, ngày nào cũng đối mặt với bom, đạn, nghe tiếng gầm rú của máy bay. Nhưng đây cũng là năm tháng tự hào của người lính, những người không quản ngại hy sinh để viết nên bài ca chiến thắng”.

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông

Sinh ra và lớn lên ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), năm 1960, vừa 18 tuổi, vừa rời ghế nhà trường Cao Xuân Khuông đã lên đường nhập ngũ. Bước chân binh nghiệp in dấu khắp các chiến trường, địa bàn hoạt động nhiều năm nhất là Quảng Trị và nơi đây đã in dấu bao kỷ niệm vui buồn. Nhớ nhất là những trận đánh cân não ở đường 9 – Khe Sanh, quân số ít nên bị địch bao vây cả tháng trời.
Thiếu tướng Cao Xuân Khuông bên tủ sách tư liệu về cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Công Kiên
Thiếu tướng Cao Xuân Khuông bên tủ sách tư liệu về cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Công Kiên

Lúc ấy ông Khuông là Đại đội trưởng, bị thương ở tay, phải treo tay băng rừng tránh sự truy lùng của địch. “Đơn vị luồn sâu trong rừng, hết lương thực, thuốc men, phải đào các loại củ và rau rừng để chống chọi với cơn đói, bệnh tật, có những người phải nằm lại. Hơn một tháng, cấp trên chỉ đạo mở đường máu để rút lui, đơn vị chúng tôi mới trở về được căn cứ” – ông Khuông kể.

Rồi những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), Tiểu đoàn 8 (Tỉnh đội Quảng Trị) do Cao Xuân Khuông chỉ huy là đơn vị vào vị trí chiến đấu đầu tiên và cũng là đơn vị rút lui cuối cùng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và không cân sức, địch tập trung hỏa lực gây cho ta không ít thương vong.

Bức ảnh vợ chồng Thiếu tướng Cao Xuân Khuông thời trẻ vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: NVCC
Bức ảnh vợ chồng Thiếu tướng Cao Xuân Khuông thời trẻ vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: NVCC

Ông Khuông nhớ lại: “Chúng tôi ở trong những căn hầm lầy thụt, thường xuyên chịu đói và rét, phía trên bom và đạn pháo nổ ầm ầm. Anh em chiến sỹ vẫn đun nước sôi trong chiếc ăng-gô, bi- đông để nấu cháo rồi chia nhau từng thìa một, khi có lệnh sẵn sàng xông lên, tất cả xem cái chết nhẹ như không. Chiến dịch kết thúc, tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng”.

Đến nay, ông vẫn luôn nhớ tinh thần chiến đấu, hy sinh của bao đồng đội, như đồng chí Nguyễn Duy Bình (quê Hoài Đức- Hà Nội) bị đạn cối găm vào mắt đã tự tay mình rút mảnh đạn rồi tự băng bó vết thương và xin cấp trên được tiếp tục ở lại cầm súng chiến đấu.

Trong câu chuyện, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông luôn nhắc đến người bạn đời, bà Hoàng Thị Đạm. Hai người cùng tuổi, học cùng lớp, cảm mến nhau từ khi còn cắp sách đến trường. Đất nước lâm nguy, người con trai lên đường, cô gái ở nhà lao động sản xuất rồi đi dân công hỏa tuyến. Trong một lần ông Khuông về phép, hai người đã kết duyên vợ chồng. Chiến tranh ngày càng ác liệt, người lính chiến vẫn dành thời gian gửi thư về thăm vợ con, với niềm tin mãnh liệt về ngày chiến thắng.

"Ngay cả trong những ngày ở Thành cổ Quảng Trị, thời gian giữa hai trận đánh, tôi tranh thủ ngồi viết thư gửi về. Ở nơi gian khổ và ác liệt nhất, tôi vẫn nuôi mầm hy vọng và thấy cuộc đời càng thêm ý nghĩa"- Tướng Khuông tâm sự.

Bức ảnh Thiếu tướng Cao Xuân Khuông được lính cắt tóc ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: NVCC
Bức ảnh Thiếu tướng Cao Xuân Khuông được lính cắt tóc ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: NVCC

Còn bà Hoàng Thị Đạm chia sẻ:  "Hồi đó, tôi ở nhà vừa sản xuất, vừa trực chiến, lại một nách 4 đứa con thơ nên khá vất vả. Nhưng hàng đêm, khi công việc đã xong, các con đã ngủ, tôi lại đưa thư chồng ra đọc và ngồi viết thư hồi âm. Việc viết thư và chờ thư đã giúp tôi quên đi những vất vả, nhọc nhằn và giữ vững niềm tin về ngày toàn thắng, gia đình đoàn tụ. Để rồi, niềm vui vỡ òa trong ngày đại thắng, tôi đã ôm những đứa con và reo lên: “Ta đã thắng, bố sắp được trở về". Suốt ngày hôm ấy, và ngày hôm sau tôi luôn sống trong cảm xúc lâng lâng vui sướng”.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, Tướng Khuông vẫn giữ được những bức ảnh quý như ảnh hai vợ chồng hồi mới cưới; ảnh giây phút thảnh thơi giữa hai trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị, Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Khuông được người lính cắt tóc; hay bức ảnh nhà cửa đổ nát bởi bom đạn quân thù… Những khi một mình, ông lại xem lại những bức ảnh năm xưa để tìm về một thời hoa lửa.

Dũng sỹ đánh tàu

Buổi chiều đầu Hè, khối Lan Thịnh, phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) đón những cơn gió biển mát rượi. Dưới tán bàng cổ thụ trước sân đình Làng Hiếu, ông Nguyễn Ngọc Trinh (SN 1949) ngồi kể cho lũ trẻ nghe những câu chuyện thời trai trẻ, thời cầm súng chiến đấu với quân thù. Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên làng biển từ giã thuyền chài lên đường nhập ngũ.

Sinh ra ở vùng quê Cửa Hội, nơi dòng sông Lam đổ ra biển, lớn lên thành một ngư phủ dày dạn sóng gió biển khơi nên chàng tân binh ấy được chọn vào lực lượng đặc công nước (đặc công Hải quân). Sau hai năm huấn luyện, Nguyễn Ngọc Trinh được lệnh cùng đơn vị (Đội 1, Đoàn 126) vượt vĩ tuyến 17 vào chiến đấu ở Quảng Trị. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng Cửa Tùng và Cửa Việt, là những điểm tàu của địch thường neo đậu để tiếp tế lương thực, vũ khí.

Ông Nguyễn Ngọc Trinh xem lại lịch sử đơn vị. Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Ngọc Trinh xem lại lịch sử đơn vị. Ảnh: Công Kiên

Gần 4 năm chiến đấu ở Quảng Trị, ông Trinh không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Không chỉ đánh tàu, ông và đồng đội còn tập kích xe tăng địch, khiến kẻ thù nhiều phen hoang mang, khiếp đảm, được hai lần công nhận Dũng sỹ đánh tàu, một lần được công nhận Dũng sỹ diệt xe tăng và nhiều huân chương. Tuy vậy, người lính đặc công năm xưa không thể quên được trận đánh vào Cảng giã chiến Gia Đằng thuộc huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Ông Trinh nhớ lại: “Cuối năm 1972, cấp trên thông báo địch tăng cường tiếp tế vũ khí vào Quảng Trị bằng đường biển, lực lượng đặc công nước chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Sau đó, tôi cùng hai đồng đội được giao đánh vào cảng giã chiến Gia Đằng. Tuy cảng giã chiến nhưng địch bố phòng cẩn mật, phải mất ba đêm trinh sát mới đánh vào được vị trí này”.

Ông Nguyễn Ngọc Trinh được công nhận dũng sỹ đánh tàu, Dũng sỹ diệt xe tăng và nhiều huân chương. Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Ngọc Trinh được công nhận Dũng sỹ đánh tàu, Dũng sỹ diệt xe tăng và nhiều huân chương. Ảnh: Công Kiên

Để tiếp cận mục tiêu, ông Trinh cùng đồng đội phải bơi ra biển rồi vòng vào cảng, tiếp tục băng qua hàng rào thép gai và các chốt gác để tìm mục tiêu. Hai đêm đầu tìm mãi không thấy kho vũ khí, phải ém lại đến đêm thứ ba, ông Trinh mới phát hiện những chiếc thùng trong một dãy nhà. Cẩn thận cạy nắp thùng, phía trong là những quả đạn cỡ lớn.

Đoán chắc đây là kho vũ khí địch vừa chuyển lên, ông Trinh trở ra báo với người chỉ huy. Dù xác định sẽ rất nguy hiểm nhưng cả ba người đều quyết định đánh ngay trong đêm. Mỗi người mang một quả mìn hẹn giờ vào kho đặt ở các vị trí khác nhau rồi rút ra ngoài.

“Khi đã ra được vị trí an toàn, tôi và hai đồng đội bỗng nghe một loạt tiếng nổ lớn, ánh lửa trùm lên bãi biển, khói bốc nghi ngút. Thấy cảnh quân địch cuống cuồng, hoảng loạn, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui mừng khôn xiết vì nhiệm vụ đã hoàn thành”.

Ông Nguyễn Ngọc Trinh

Sau trận ấy, ông Nguyễn Ngọc Trinh được cử ra Bắc học tập, hai năm sau lại trở vào chiến trường miền Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), đơn vị của ông được lệnh lên tàu ra giải phóng quần đảo Trường Sa, là một trong những chiến sỹ tiến lên đánh chiếm đảo Nam Yết.
Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Trinh. Ảnh: Công Kiên
Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Trinh. Ảnh: Công Kiên

Chiến tranh kết thúc, ông Trinh trở về quê kết duyên cùng bà Đào Thị Hà (SN 1957), người con gái cùng làng. Nhỏ hơn 8 tuổi, mới đầu bà Hà chỉ biết ông Trinh qua lời kể của bố mẹ và bà con hàng xóm. Những năm chiến tranh, vùng Cửa Hội là một trong những trọng điểm bị máy bay và pháo hạm Mỹ bắn phá ác liệt. Còn nhỏ tuổi nhưng cô bé Hà đi khắp nơi bán cá, giúp đỡ bố mẹ chăm sóc các em nhỏ.

“Dạo đó, bom đạn liên miên, ai cũng mong đất nước sớm được giải phóng. Mọi người bảo trong làng có mấy người đang ở chiến trường, chiến đấu rất dũng cảm, trong đó có anh Trinh. Cũng như bao người, tôi mong chiến tranh kết thúc để gặp những người lính trở về. Ngày 30/4/1975, khắp làng xã náo nức niềm vui chiến thắng, tôi hòa vào dòng người đi khắp các tuyến đường hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm… Và rồi, ít lâu sau anh Trinh trở về, chúng tôi kết duyên vợ chồng…” – bà Hà chia sẻ.

Giờ đây, các con đã trưởng thành và có gia đình riêng, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Trinh vẫn gắn bó với vùng quê Cửa Hội. Những khi rảnh rỗi lại lần giở những kỷ niệm năm xưa, thời đất nước còn khói lửa chiến tranh.

Gửi một chân ở đất phương Nam

Cũng một thời vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam, ông Hồ Hữu Nghị (SN 1951) luôn khắc ghi những kỷ niệm thời hoa lửa. Năm 1970, cuộc chiến bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, vừa tròn 19 tuổi, chàng trai trẻ đất Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) đăng ký lên đường nhập ngũ và được gia nhập lực lượng đặc công Hải quân.

Huấn luyện xong, ông Nghị cùng đồng đội hành quân dọc Trường Sơn vào chiến trường Đông Nam Bộ và được biên chế vào quân số Tỉnh đội Bà Rịa – Long Khánh. Ở đây, đơn vị của ông phối hợp với lực lượng dân quân đánh phá nhiều đồn địch và phá nhiều cầu, cống gây cho địch nhiều tổn thất.

Ông Hồ Hữu Nghị xem lại kỷ vật thời hoa lửa. Ảnh: Công Kiên
Ông Hồ Hữu Nghị xem lại kỷ vật thời hoa lửa. Ảnh: Công Kiên

Mỗi trận đánh là một lần đối mặt với sự hy sinh, cũng là một lần chiến sỹ Hồ Hữu Nghị mài sắc ý chí, quyết tâm chiến đấu, góp phần chiến thắng kẻ thù. Đến nay, ông Nghị vẫn nhớ như in trận chiến đấu cuối cùng của mình vào đầu 1973, trong trận này ông đã để lại một chân giữa chiến trường ác liệt.

“Đêm ấy, chúng tôi tấn công đồn địch ở đồi Con Rắn. Địch kháng cự quyết liệt, các chốt đề kháng bắn ra xối xả, tôi dùng B41 xóa sổ được mấy ổ đại liên của địch. Lúc ấy không nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ có cách nào để tiêu diệt thật nhiều quân địch. Gần sáng, trên đường rút ra khỏi trận địa, không may bị vướng vào mìn, tôi bị mất một chân và được đồng đội đưa vào bệnh viện dã chiến, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba”.

Ông Hồ Hữu Nghị

Diễn biến trên chiến trường ngày một ác liệt, lại mang thương tích nặng nên ông Nghị bị mắc kẹt giữa chiến trường, chờ sau ngày giải phóng mới được ra Bắc (gần 2 năm). Trong điều kiện thiếu thốn thuốc men chữa trị, người thương binh luôn bị hành hạ bởi những cơn đau và sốt rét ác tính, có lúc gần như mất trí nhớ.

Bức ảnh hồi mới nhập ngũ đang được ông Hồ Hữu Nghị lưu giữ. Ảnh: NVCC
Bức ảnh hồi mới nhập ngũ được ông Hồ Hữu Nghị lưu giữ. Ảnh: NVCC

Ngay cả khi đã về an dưỡng tại Nghĩa Đàn, cách nhà chỉ hơn 20 km, ông Nghị vẫn không nhớ mình đang có bố mẹ, anh em và người yêu. Khi anh trai lên thăm, phải mất cả tiếng đồng hồ ông mới nhớ ra, anh em ôm lấy nhau mà khóc. Rồi khi về thăm nhà, em gái út ra đón, ông hỏi: “Bố mẹ ơi, cô gái này con nhà ai?”.

Dịp ấy, thương binh Hồ Hữu Nghị gặp lại người yêu sau gần 7 năm xa cách, người con gái vẫn một lòng chờ đợi, cho dù bao năm không một dòng tin tức.  Bà Trương Thị Lý (vợ ông Nghị) kể: “Tôi kém ông ấy hai tuổi, ở gần nhà, từ nhỏ chơi với nhau thân thiết, rồi cảm mến nhau. Ông Nghị vào chiến trường được ít lâu thì tôi cũng nhập ngũ, chủ yếu phục vụ chiến đấu ở miền Bắc. Từ đó đến sau ngày giải phóng miền Nam tôi không nhận được tin tức gì, thậm chí gia đình nghĩ ông đã hy sinh”.  

Vợ chồng ông Hồ Hữu Nghị. Ảnh: Công Kiên
Vợ chồng ông Hồ Hữu Nghị. Ảnh: Công Kiên

Có lúc bà Lý thực sự lo lắng nhưng vẫn tin ông Nghị còn sống và chờ đợi ngày về. “Ngày giải phóng miền Nam, mọi người đều hân hoan, tôi cũng vô cùng vui sướng và chờ đợi ông ấy trở về. Không ngờ niềm tin của mình đã thành hiện thực, chúng tôi tổ chức đám cưới khi ông ấy từ trại điều dưỡng trở về được ít ngày…”- bà Lý tâm sự.

Một phần do điều kiện thuốc men và chữa trị đảm bảo, phần khác được trở về quê hương, sống trong không khí gia đình đầm ấm, chan chứa tình yêu thương nên sức khỏe ông Nghị hồi phục dần, trí nhớ cũng từng bước được khôi phục. Vợ chồng lần lượt sinh ba người con, từng bước vượt qua khó khăn, nay các con đều đã trưởng thành.

Tin mới