Hấp dẫn du lịch Yên Thành

(Baonghean) - Xác định xây dựng thương hiệu du lịch Yên Thành trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Phấn đấu đến 2020 đón và phục vụ 40.000 lượt khách (trong đó khách lưu trú 600 lượt). Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch 3.000 người... góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

(Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An)

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những tiềm năng để Yên Thành phát triển du lịch? 
Đồng chí Phan Văn Tuyên: Yên Thành là vùng quê có truyền thống yêu nước, cách mạng và giàu lòng mến khách. Người dân luôn biết vươn lên trong cuộc sống để tạo dựng đời sống vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng, hình thành nên bản sắc văn hóa riêng của vùng quê yên bình. Điều đó đã tạo nên một vùng đất Yên Thành với rất nhiều tiềm năng cho phát triển đa dạng các loại hình du lịch.
Hiện toàn huyện có 522 di tích, danh thắng, trong đó hơn 200 di tích đã được phân cấp quản lý, 63 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Bên cạnh đó, Yên Thành còn có những làng quê trù phú, cổ kính với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đến nay được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. 
Đua thuyền truyền thống ở Lễ hội đền Đức Hoàng.
Đua thuyền truyền thống ở Lễ hội đền Đức Hoàng.
Cùng với hệ thống di tích là các loại hình nghệ thuật dân gian như: Tuồng cổ Xuân Thành, chèo Lăng Thành, dân ca Phúc Thành, Đồng Thành… gắn với các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Lễ hội Đền - chùa Gám (Xuân Thành), Đền Cả (Hoa Thành), Đền Cả (Nhân Thành), Lễ hội Đại Điển – Đình Mõ (Hậu Thành), Đền Canh (Đức Thành)… Hay tiềm năng quần thể rừng sinh thái với thảm thực vật khá phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ quý như trắc, lim ở Lăng Thành, Hậu Thành... có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn thiên nhiên, môi trường, bảo tồn nguồn gen quý hiếm. 
Với số lượng trên 220 hồ đập lớn, vừa và nhỏ uốn mình bên những vách núi và các khu rừng phòng hộ, vừa là nơi cung cấp nước sinh hoạt, nguồn nước tưới và bồi đắp cho các cánh đồng lúa xanh tươi đồng thời là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, tiêu biểu như đập Vệ Vừng, Quản Hài, Lọ Nồi, đập Sặt, hồ Xuân Nguyên, đầm sen Diệu Ốc, lèn Vũ Kỳ, chùa Thiên Tạo... Ngoài ra, Yên Thành còn có một số vườn cò tự nhiên như: Vườn cò ở xã Lý Thành, đảo cò ở hồ Vệ Vừng với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Những vườn đào rực rỡ khi mùa xuân về ở xã Kim Thành, Đồng Thành.
Ngược con đường nhựa chạy thẳng qua Đồng Thàn vài năm gần đây,, khu hồ đập Vệ Vừng đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn
Ngược con đường nhựa chạy thẳng qua Đồng Thàn vài năm gần đây, khu hồ đập Vệ Vừng đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn
Đến với Yên Thành, du khách còn được tham quan các làng nghề bún bánh Vĩnh Hòa (Hợp Thành), làng nghề mây tre đan Yên Hội (Đô Thành), làng nghề tăm hương Yên Bang (Phúc Thành), làng nghề nồi đất (Viên Thành), làng nghề đan chiếu cói Long Thành... Và thưởng thức những đặc sản như cá tràu (cá quả), lươn đồng, cua đồng, bánh chưng Vĩnh Thành... Món quà dành cho du khách khi về với Yên Thành là gạo thơm, gạo thảo dược Vĩnh Thành,  cam Đồng Thành, Minh Thành, nấm Nam Thành, Sơn Thành, Lý Thành, Long Thành… đã được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, mật ong Minh Thành, Quang Thành, Tây Thành…
Phóng viên: Yên Thành được xác định là 1 trong 6 trọng điểm du lịch của tỉnh. Để khai thác tiềm năng du lịch, thời gian qua huyện đã tập trung vào những trọng điểm nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Văn Tuyên: Nhận thức được lợi thế và tiềm năng du lịch của huyện, trong những năm qua, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phục tốt cho nhu cầu phát triển du lịch. Đến nay, hệ thống đường giao thông được cải tạo, nâng cấp, mở rộng; Một số cơ sở lưu trú được nâng cấp, xây mới ngày càng khang trang, hiện đại. Hiện trên địa bàn huyện có trên 30 cơ sở lưu trú với tổng số 118 phòng nghỉ, trong đó có 10 cơ sở có khả năng phục vụ khách du lịch; 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao (khách sạn Hải Hà) và 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao (khách sạn Senplaza); gần 20 nhà hàng lớn, nhỏ, giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động địa phương. 
Từ trên đỉnh lèn đá, du khách có thể trông ra bốn hướng, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp trù phú của những làng quê của các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xinh xắn được bao bọc bởi những cánh đồng thẳng cánh cò bay.
Nhà thờ đá Bảo Nham - điểm đến hấp dẫn của du lịch Yên Thành.
Cùng với đó, Khu du lịch sinh thái tâm linh Đền - Chùa Gám đang được đầu tư xây dựng. Hiện nay, nhiều hạng mục công trình đã đưa vào phục vụ khách du lịch. Từng bước hình thành các tour du lịch trên địa bàn như: Khu du lịch sinh thái tâm linh đền chùa Gám – đập Quản Hài – Vệ Vừng; đền Đức Hoàng; Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, nhà thờ đá Bảo Nham, Khu di tích Tràng Kè... Nhiều di tích trọng điểm được khôi phục, xây dựng như Phủ thờ Trần Đăng Dinh (Phúc Thành); đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (Thọ Thành); Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành (Vĩnh Thành); đình Sừng (Lăng Thành); Khu di tích Tràng Kè (Mỹ Thành)… 
Tổ chức thành công các lễ hội truyền thống trên địa bàn, trong đó có 2 lễ hội cấp huyện (Đền Đức Hoàng và Đền – Chùa Gám) và 11 lễ hội cấp xã, cấp làng như Lễ hội Đền Cả (Nhân Thành), Lễ hội Đại Điển – Đình Mõ (Hậu Thành), Đền Cả (Hoa Thành), Đền Canh (Đức Thành)… các lễ hội đã thu hút khoảng 5.000 lượt du khách tham quan du lịch và dự hội hàng năm. 
Phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng phim tài liệu quảng bá tiềm năng du lịch Yên Thành... góp phần quảng bá, lan tỏa những di sản văn hóa của quê hương với đông đảo công chúng và bạn bè gần xa.
Phối hợp với công ty lữ hành và tiếp thị Vietravel và Sở VHTT&DL khảo sát một số điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn, qua khảo sát đã có 3 điểm được lựa chọn đưa vào tour du lịch Nghệ An đó là: Đền Đức Hoàng (Phúc Thành); Nhà thờ đá Bảo Nham (Bảo Thành) và đập Vệ Vừng (Đồng Thành). Hiện nay, 3 điểm trên đã có trong danh sách Tạp chí du lịch Nghệ An với tựa đề “Hệ thống dịch vụ Nghệ An” do Sở VHTT&DL phát hành. 
Chùa Gám (Chí Linh tự) nằm trên địa bàn xã Xuân Thành với kiến trúc cổ kính, điêu khắc hết sức tinh xảo. Là Khu di tích gốc nằm trong quần thể thiền viện, phái Trúc Lâm, Chùa thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân; thờ Phật và Chư vị Bồ tát
Chùa Gám (Chí Linh tự) nằm trên địa bàn xã Xuân Thành với kiến trúc cổ kính, điêu khắc hết sức tinh xảo. Là Khu di tích gốc nằm trong quần thể thiền viện, phái Trúc Lâm, Chùa thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân; thờ Phật và Chư vị Bồ tát.
Huyện Yên Thành được UBND tỉnh lựa chọn tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội thảo xúc tiến du lịch khu vực Bắc – Nam – Trung bộ tổ chức tại thành phố Vinh vào tháng 2/2016 và tham gia trong gian hàng của  tỉnh Nghệ An tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại  Hà Nội 2016 được UBND tỉnh đánh giá cao.
Phóng viên: Để phát huy tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa của huyện gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, định hướng từ nay đến 2020, huyện có những giải pháp cụ thể nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Văn Tuyên: Huyện xác định xây dựng thương hiệu du lịch Yên Thành trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Phấn đấu đến 2020 đón và phục vụ 40.000 lượt khách (trong đó khách lưu trú 600 lượt). Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch 3.000 người... góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Theo đó, thực hiện các giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch các khu, điểm du lịch, đồng thời tập trung kêu gọi thu hút đầu tư các di tích, danh thắng có tiềm năng phát triển du lịch như đập Vệ Vừng, đầm sen Diệu Ốc, khu rừng lim, nhà thờ và lèn đá Bảo Nham, đền Nhà Đũa, hai bên bờ Sông Dinh...
Lễ hội Đền Đức Hoàng xã Phúc Thành
Lễ hội Đền Đức Hoàng xã Phúc Thành.
Tuyên truyền quảng bá tiềm năng  và các sản phẩm du lịch. Thực hiện tốt hoạt động liên kết phát triển du lịch bằng cách kết hợp với các công ty du lịch, báo chí, truyền thông nhằm giới thiệu các tiềm năng, sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Xây dựng chuyên trang riêng về du lịch trên Cổng thông tin điện tử của huyện nhằm cung cấp các thông tin về tour, tuyến, sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú, giá cả, đặc sản địa phương. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm  giới thiệu đậm nét về văn hóa, đất và người Yên Thành. Hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng lân cận Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông, Tân Kỳ... và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Ông Lưu Đức Bằng, xóm trưởng xóm Vĩnh Hòa cho biết: “Hiện tại, trong xóm có 300 hộ nhưng hầu như hộ nào cũng làm nghề gói bánh chưng với thu nhập gần 30 triệu đồng/người/năm”
Bánh chưng Vĩnh Hòa  - món quà đặc sản của Yên Thành.
Đầu tư văn hóa phi vật thể: Câu lạc bộ tuồng, chèo, Dân ca ví giặm… Quy hoạch và xây dựng mô hình nghỉ dưỡng tại nhà dân nhằm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn… Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp. Tổ chức tốt các lễ hội cấp huyện như lễ hội đền Đức Hoàng, Lễ hội Đền - chùa Gám 3 năm/lần gắn với liên hoan tuồng cổ, thi đánh trống hội, trống tế, chơi cờ thẻ, văn nghệ quần chúng… nhằm thu hút du khách tham quan.
Phát triển các làng nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, các món ăn đặc trưng của Yên Thành. Hoàn thiện một số công trình văn hóa tâm linh: Công viên trung tâm gắn với tượng đài đồng chí Phan Đăng Lưu; Khu di tích tại Tràng Kè. Kết nối tham gia hoạt động lễ hội với tham quan các di tích danh thắng trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, du lịch, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy

 (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới