Happy New Year, bài hát buồn rộn rã giữa ngày vui

Ở thời khắc giao thừa Tết dương lịch, người Việt thường hay nghe Happy New Year của nhóm nhạc ABBA. Đây có lẽ là một trong những ca khúc được nghe, hát nhiều nhất trên thế giới ở thời khắc này dù nó không hoàn toàn là bản nhạc tươi vui, phấn chấn.

Happy New Year, bài hát buồn rộn rã giữa ngày vui - ảnh 1

Nhóm ABBA. Ảnh: Ninebynine

Ca khúc này sáng tác vào cuối thập niên 70, khi nhóm nhạc ABBA đang chuẩn bị tan rã, khi triết học hiện sinh vẫn tồn tại song hành với những biến cố thời cuộc khắp thế giới: Trung Đông xung đột với chiến tranh Xô Viết ở Afghanistan, chạy đua vũ khí Mỹ-Xô, Polpot diệt chủng…

Đó là những năm biến động nên hai thành viên ABBA khó có thể viết một bản nhạc tươi vui. Dẫu niềm hy vọng vẫn lẩn khuất trong ca khúc nhưng bi ai lại mở màn cho ca khúc:

No more champagne. 
And the fireworks are through. 
Here we are, me and you. 
Feeling lost and feeling blue. 
It's the end of the party. 
And the morning seems so grey. 
So unlike yesterday...

(Rượu champagne không còn
Và pháo hoa cũng đã tắt
Em và anh ngồi đây
Cảm nhận những mất mát
Buổi tiệc đã tàn rồi
Và bình minh dường như mang màu ảm đạm
không giống ngày hôm qua...).

Với Việt Nam, đó là những năm đầu hậu chiến nhưng đang xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Thời khắc đó không biết Việt Nam có phát Happy New Year qua đài chưa để người Việt nghe, nhưng với tôi thì những cái Tết dương lịch đầu tiên, ký ức của tôi đã có Happy New Year.

Những năm học cấp II khi tivi bắt đầu có, tôi bắt đầu bập bẹ học tiếng Anh, Happy New Year là một ca khúc để nhiều đứa học trò thuở đó chép tay học lời và tập dịch tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ mãi clip bản nhạc này với một phụ nữ mặc váy trắng ngồi một mình bên sofa khi tiệc đã tàn, người đàn ông thì đứng xa nhìn ra khung cửa sổ…

Quang cảnh
Quang cảnh "It's the end of the party" - buổi tiệc tàn trong video clip ca khúc Happy New Year.

Có lẽ sau tất cả những buổi tiệc giao thừa, khi “No more champagne. And the fireworks are through...”, ta mới đối diện với tâm can của mình như câu hát:

“Oh yes, man is a fool
And he thinks he'll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he's astray
Keeps on going anyway...

(Ôi thôi, đúng vậy, con người là một lũ ngu si/ Cứ nghĩ là mình sẽ ổn/ Kéo lê những đôi chân lấm lem/ Chẳng bao giờ biết là đã lạc lối/ Cứ bước tới bất kể...).

Và ta mới thấy rằng:

That the dreams we had before.

Are all dead, nothing more

Than confetti on the floor...

(Những giấc mơ ta từng có/ Đều đã chết hết rồi, chẳng còn gì ngoài xác những bông giấy trên sàn nhà).

Cùng với Happy New Year, một ca khúc khác mà hầu như đứa trẻ con Việt Nam nào cùng thời với tôi cũng biết lời nhạc chế: “Ò e, Rô-be đánh đu, Tạc-zăng nhảy dù, Zo-ro bắn súng. Tiến lên con ma nào ra, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.

Các bạn đi sinh hoạt các đội nhóm còn biết lời Việt khác của ca khúc này là: “Giờ đây anh em chúng ta, cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến. Cách xa nhưng ta hằng mong, rồi đây có ngày còn được gặp nhau”.

[gg_video]1722[/gg_video]

Giai điệu này của bài hát phổ biến nhất trên thế giới mỗi dịp năm mới đến - Auld Lang Syne (Old Long Since). Ca khúc Auld Lang Syne được vang lên mỗi thời khắc giao thừa ở khắp nơi trên thế giới, nhiều hơn cả Happy New Year.

Đây là bài hát dân ca truyền thống mà nhà thơ Robert Burns (Scotland) ghi rằng ông chép lại từ tiếng hát của một cụ già và được công bố vào năm 1788.
Bài hát này có phần lời mang nhiều nhắc nhớ về ký ức, sự giã biệt:

“Should old acquaintance be forgot,

and never brought to mind?

Should old acquaintance be forgot,

and auld lang syne?

[…]

We two have run about the slopes,

and picked the daisies fine;

but we’ve wandered many a weary foot,

since auld lang syne” 

(Có nên quên đi những thân thuộc cũ,

và không bao giờ nhớ lại?

Có nên lãng quên những điều thân thuộc cũ,

và cả những ngày đã xa?

[…]

Chúng mình đã chạy trên những triền dốc,

hái những bông cúc dại;

nhưng chúng mình đã lang thang những đôi chân mệt mỏi,

từ những ngày xa xưa).

Chân dung nổi tiếng nhất của nhà thơ Robert Burns do danh họa người Scotland - Alexander Nasmyth vẽ năm 1787. Ảnh: Poetry Foundation
Chân dung nổi tiếng nhất của nhà thơ Robert Burns do danh họa người Scotland - Alexander Nasmyth vẽ năm 1787. Ảnh: Poetry Foundation

Có lẽ không thời khắc nào trong năm mỗi người cần những khoảng lặng riêng cho mình như phút giây chuyển giao năm cũ - năm mới. Cũng giống như Giáng sinh, sau một mùa tất bật chuẩn bị thì khoảnh khắc đêm Giáng sinh là lúc người ta cần một mình nhất. Một mình cho tất cả những buồn vui đã qua, cho những cũ mới đan xen và có khi cho cả sự trống rỗng. Viết đến đây, bỗng dưng tôi nhớ câu thơ ông Nguyễn Huy Thiệp trong truyện Thương nhớ đồng quê: “Nhẹ tay bạn cũ - Mặc ai khóc cười”.

Thế nhưng cả Happy New Year và Auld Lang Syne đều có những niềm tin, hy vọng cho ngày mai. Đó là niềm hy vọng vào tình bằng hữu, vào một thế giới mới mở ra, sự thịnh vượng từ đống tro tàn… Bởi nếu không hy vọng, cố gắng, chúng ta sẽ gục ngã và diệt vong, như lời của Happy New Year.

“Happy new year. Happy new year.

May we all have our hopes, our will to try.

If we don't we might as well lay down and die.

You and I.

Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives”.

Đó là “We’ll take a cup o’ kindness yet, For auld lang syne” (Chúng mình hãy nâng ly lên, cho những ngày đã xa) trong ca khúc Auld Lang Syne.

Happy New Year và Auld Lang Syne giống Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao trong nhạc Việt là vậy. Một “mùa bình thường”, một “hôm nay mênh mông” nhưng là “mùa vui nay đã về”…

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN

Tin mới