'Hậu các dự án thủy điện' tiếp tục được đặt ra tại diễn đàn HĐND tỉnh

(Baonghean.vn) - Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện, vấn đề “hậu các dự án thủy điện" tiếp tục được đặt ra bức xúc.
Chiều 22/11

Chiều 22/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã để nắm bắt tình hình kiến nghị cử tri cũng như các vấn đề bức xúc đang đặt ra ở các địa bàn. Ảnh: Mai Hoa

Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa -Xã hội HĐND tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong Lưu Văn Hùng, người dân bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện Hủa Na đã di dời từ nơi ở cũ đến nơi ở mới đã 7 năm. Việc giải quyết các vấn đề “hậu” tái định cư đã được HĐND tỉnh giám sát và qua 2 phiên giải trình, phiên gần đây nhất là vào tháng 4/2019 vừa qua.
Theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh đặt ra, yêu cầu đến hết cuối tháng 12/2019 này sẽ hoàn thành một số công việc, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay là thực hiện chính sách đối trừ đất ở nơi đi và nơi đến chưa được triển khai.
Mặc dù ở giai đoạn trước đã có 261 hộ được thực hiện đối trừ đất theo chi tiết từng loại đất; tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ này lại được chủ đầu tư thực hiện đối trừ theo phương án chung 1 loại đất, chứ không phân loại đất lúa, đất màu, đất trồng cây lâu năm.
Nghĩa là nếu tổng diện tích nơi đến nhỏ hơn nơi đi thì diện tích thiếu đó được chủ đầu tư sẽ tiến hành đền bù. Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này sẽ thiệt thòi cho dân nên huyện chưa đồng tình.
Một khu tái định cư thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu
Một khu tái định cư thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu

Tồn tại lớn thứ 2 tại các khu tái định cư thủy điện Hủa Na là hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… đều được đầu tư 7 năm, nhưng không được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng nên nay đã xuống cấp, gây khó khăn cho người dân.

Cũng đề cập đến khu tái định cư cho dân do đợt ngập lụt vào năm 2018, Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải cũng phản ánh việc bố trí nguồn chưa đảm bảo nên dự án này đang rất chậm. Đề nghị tỉnh nghiên cứu tháo gỡ, tạo ổn định cuộc sống cho dân.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải phản ánh, việc bố trí nguồn vốn xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Mai Hoa
Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải phản ánh, việc bố trí nguồn vốn xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều vấn đề bức xúc đề nghị HĐND tỉnh quan tâm

Tại hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các huyện, thành, thị đã nêu ra nhiều vấn đề bức xúc đề nghị Thường trực HĐND tỉnh vào cuộc. Đại diện Thường trực HĐND thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò nêu tình trạng nhiều dự án được chấp thuận đầu tư và cấp đất nhưng chậm được triển khai, chậm được thu hồi dự án và có những dự án đang nợ tiền đất lớn nhưng chưa có biện pháp thu hồi nợ.

Còn Thường trực HĐND huyện Thanh Chương đề cập trên địa bàn có một số dự án giao thông chậm được triển khai, mặc dù đều là công trình cấp bách, như đường từ Thanh Chi đi Thanh Khê nối Thanh Thủy, hiện tại do tuyến đường này chưa được thực hiện nên đường vào trung tâm xã Thanh Khê chưa có đường nhựa; hay tuyến Quốc lộ 46 đi qua Thanh Đồng vẫn chưa được mở rộng, nâng cấp.

Bí thư Huyện ủy Thanh Chương Nguyễn Hữu Vinh phản ánh trên địa bàn huyện nhiều dự án giao thông bức bách nhưng chưa được đầu tư. Ảnh: Mai Hoa
Bí thư Huyện ủy Thanh Chương Nguyễn Hữu Vinh phản ánh trên địa bàn huyện nhiều dự án giao thông bức bách nhưng chưa được đầu tư. Ảnh: Mai Hoa

Đó còn là hệ thống hạ tầng lưới điện xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng điện sinh hoạt, đặc biệt là an toàn lưới điện. 

Liên quan đến “hậu” sắp xếp đơn vị hành chính, ý kiến một số huyện đề xuất tỉnh sớm có hướng dẫn điều chỉnh địa giới hành chính, đồng thời hướng dẫn hoạt động của đại biểu HĐND xã là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã được bầu cử tại các xóm, bản nay các xóm, bản đó được chuyển và sáp nhập sang đơn vị hành chính khác.

Một số ý kiến cũng đề xuất tỉnh cần xây dựng chế độ cho người hoạt động không chuyên trách ở khối, xóm, bản phù hợp, đáp ứng với công sức của đội ngũ khi quy mô dân số tăng và địa bàn hoạt động rộng hơn…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền điều hành phiên giải trình. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp tới. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận tại hội nghị, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền và Hoàng Viết Đường khẳng định, các ý kiến phản ánh của Thường trực HĐND cấp huyện là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, của mỗi địa phương và sát sườn cuộc sống của người dân.

Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các huyện, Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu, cân nhắc để đưa vào chương trình kỳ họp và các hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã tiếp tục trăn trở, đóng góp trực tiếp nhiều ý kiến tại các phiên làm việc của kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 12 tới.

Tin mới