Hậu đô thị hoá: Nông dân làm gì ở thành phố?

(Baonghean.vn) - Theo báo cáo của thành phố Vinh,  tổng số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động ở các xã là 49.864 người trong đó số lao động có việc làm thường xuyên là 46.323 người, được phân bố trong các lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 46%, lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 54%.

Nông dân thất nghiệp vì đô thị hoá

Ở các xã ngoại thành thành phố Vinh, lao động phi nông nghiệp nhiều hơn lao động nông nghiệp. Lý do là đất đai ngày càng bị thu hẹp, có nhiều dự án thu hồi đất của dân. Năm 2016, đất nông nghiệp giảm từ 4.700 ha xuống còn khoảng 4.000 ha.

Nhà cao tầng mọc lên trên cánh đồng ở Vinh Tân (thành phố Vinh)
Khu vực từng là những ruộng lúa ở Vinh Tân nay đã thành khu đô thị mới của thành phố Vinh. Ảnh tư liệu

Sản xuất nông nghiệp ở một số xã cho thu nhập cũng không cao, do đó người dân đi làm các nghề phụ như thợ xây, làm bún, bánh, bán hàng quán, rửa xe, buôn bán nhỏ... Việc làm ổn định cho số lao động này là bài toán khó đối với thành phố.

Anh Nguyễn Công Bao ở xóm 14 Nghi Phú là người trong độ tuổi lao động. Gia đình anh mới được đền bù đất do thành phố làm các công trình trên địa bàn. Tuy nhiên sau khi gửi tiết kiệm số tiền trên, anh Bao không có việc làm. Hàng ngày anh quanh quẩn ở nhà và nuôi mấy con gà, con vịt.

Anh Bao cho biết: Một thời gian trước tôi đi xây nhưng bây giờ sức khỏe đi xuống, tôi không biết làm việc gì. Anh Khiêu - một hộ dân phi nông nghiệp cũng ở Nghi Phú cho biết: Gia đình không còn đất nông nghiệp, tuổi để học nghề đã hết nên tôi đi làm thợ xây. Hiện nay sức khỏe yếu nên tôi đi không thường xuyên.

Nhiều hộ dân ở Nghi Đức, Nghi Phú cũng rơi vào cảnh tương tự sau khi thu hồi đất. Một số hộ dân gốc ở ngay trung tâm thành phố như phường Vinh Tân đời sống vẫn rất khó khăn do việc làm bấp bênh, ngày ngày đi bắt cá, làm thuê ở khu vực chợ Vinh.

Hướng đi cho nông thôn mới ở thành phố

Tạo việc làm cho nông dân sau thu hồi đất là vấn đề trăn trở của thành phố, các phường xã và cả người dân. Việc này tại các kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố cũng được người dân nhiều lần chất vấn. 

Thành phố có ban hành những chính sách hỗ trợ, tổ chức các chương trình dạy nghề, học nghề nhưng chưa thực sự hấp dẫn người dân. Hầu hết họ đều tự tìm nghề cho mình như đi học làm tóc ở Sài Gòn, học làm móng, buôn bán quần áo...

"Cái khó ló cái khôn", một số xã đã có những cách làm hay trong phát triển kinh tế cho nông dân hậu thu hồi đất. Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa Lê Văn Thương cho biết: Sau khi nhận tiền đền bù thu hồi đất, nhiều người ở Hưng Hoà mua xe ô tô vận tải, cho con đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật, Anh, Hàn Quốc... Số người đi nước ngoài của xã Hưng Hòa hiện nay là 180 người, thu nhập bình quân  từ xuất khẩu lao động 20 triệu/người/tháng.

Một số khác học nghề, hoặc chuyển sang làm gia trại, trang trại. Tuy nhiên sự liên kết giữa các trang trại chưa có, chỉ mới ở quy mô hộ gia đình, việc bao tiêu sản phẩm còn do các hộ tự lo.

Một nhóm lao động khá đông đảo khác ở xã chuyển sang làm nghề thợ sơn (khoảng 500 người). Với thu nhập khoảng trên 7 triệu đồng/tháng, họ thành lập các tổ thợ nhỏ, cùng nhau làm việc khá bài bản và ổn định. 

Ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh, nhiều người dân vẫn "bám đất" và chung thuỷ với nông nghiệp, song lại có hướng đi nâng cao giá trị của ngành sản xuất truyền thống này. Đó là nghề trồng chăm sóc và bán hoa, cây cảnh.

Bà Lê Thị Cảnh, xóm Kim Chi, Nghi Ân có hơn 700m2 trồng các loại hoa và nhiều cây cảnh có giá trị. Là một trong những hộ có thâm niên trong nghề, bà chia sẻ: “Nhà tôi đã làm nghề này hàng chục năm rồi. Gia đình trồng rất nhiều loại hoa, trong đó hoa cúc vàng được thị trường tiêu thụ mạnh. Với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/ bông bán tại vườn, mỗi năm thu được 30 – 50 triệu đồng. 

a
Chăm sóc cây cảnh ở Nghi Ân. Ảnh Quang An.

Một số hộ dân còn năng động kiếm thêm thu nhập nhờ mở dịch vụ trồng, chăm sóc cây cho các nhà hàng, gia đình khá giả. Anh Lê Anh Tuấn, một hộ dân trồng cây cảnh chia sẻ: Tôi thường trồng những cây cảnh giá trung bình từ 1 - 2 triệu như cau lùn, vạn tuế…. Giá không quá cao nhưng đầu ra ổn định hơn. Trung bình mỗi tháng cũng giúp gia đình thu về hơn 10 triệu đồng.

Để hỗ trợ làng nghề, thành phố và xã Nghi Ân đã đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội xóm bê tông hóa cơ bản, đầu tư mới thêm 2 trạm điện, xây dựng 1 nhà văn hóa đạt chuẩn trị giá gần 1.3 tỷ đồng. Đồng thời nâng cấp hệ thống thoát nước gần 2 tỷ đồng cho làng nghề Kim Chi. Làng Kim Phúc cũng được đầu tư tuyến kênh cấp 2 với giá trị 3,6 tỷ đồng.

Năm 2015, số hộ làm nghề hoa cây cảnh của 3 làng nghề là 350 hộ thì năm 2017 đã lên đến hơn 400 hộ, chiếm hơn 70% tổng số hộ. Thu nhập bình quân đầu người từ nghề hoa cây cảnh tăng khá cao, năm 2015 là 30 triệu đồng/người đã lên hơn 50 triệu đồng/người năm 2017.

Như vậy, bài toán việc làm cho người nông dân ở thành phố hậu thu hồi đất không nhất thiết phải là chuyển đổi ngành nghề. Trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hoá, nhiều hướng đi mới mở ra cho ngành nông nghiệp truyền thống bằng cách ứng dụng công nghệ, gắn liền với chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản xuất. 

Khi đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho quá trình đô thị hoá, hướng đi vững chắc cho người nông dân là các mô hình bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu cao nhất của thị trường, tập trung cho chất lượng để mỗi tấc đất thực sự là tấc vàng. 

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới