Hãy nói với Văn Đức: Cảm ơn về tất cả! Chúc may mắn!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hãy học cách hành động chuyên nghiệp nhất có thể, để lúc đầu ít người nhưng sau sẽ nhiều hơn, đông hơn đồng loạt nói với Văn Đức hay bất cứ ai phải tìm bến mới, thậm chí giải nghệ, rằng: Cảm ơn về tất cả! Chúc may mắn!

V-League 2022 đã chính thức khép lại sau buổi công bố và trao các giải thưởng của mùa bóng mới đây.

Trên thực tế, việc chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, chương trình tập luyện…cho mùa bóng mới đã rục rịch từ trước ở nhiều đội bóng. Điều này chứng tỏ bóng đá Việt với giải đấu V-League được coi là “hàng đầu khu vực” vẫn đang đi những bước vững vàng, ổn định và mở ra nhiều hy vọng ở phía trước.

Cầu thủ Phan Văn Đức.
Cầu thủ Phan Văn Đức.

Trước hết, về lực lượng, khi Sài Gòn FC xuống hạng và giải tán (dù có người vẫn nói cứng là sẽ được chuyển giao?) đồng nghĩa với việc các cầu thủ sẽ đi tìm bến đỗ mới nếu vẫn đủ sức “trụ” lại V-League, hoặc đá phủi rồi giải nghệ như Quốc Long. Ngay cả đội bóng chơi rất thăng hoa mùa trước là Hải Phòng cũng có nhiều chuyển biến về lực lượng: Rimario, ngoại binh xuất sắc nhất với 17 bàn thắng cùng nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC được cho mượn ngay lập tức rời đi (trừ Việt Hưng). Rồi ở ngay đội bóng “ngựa ô” Bình Định, ngoại binh nòng cốt Hendrio cũng được cho là “không phù hợp” mùa tới và sẽ phải đi tìm bến mới... Đội bóng nổi lên là nơi “hút” nhiều nhân tài nhất, sớm nhất là Nam Định với một loạt cầu thủ giỏi khắp nơi được “vời” về sân Thiên Trường, có lẽ là đội bóng được chú ý nhất và hy vọng sẽ tạo ra cuộc đua gay cấn mùa bóng mới thay vì truyền thống đua... trụ hạng!

Nhưng câu chuyện có lẽ chấn động hơn cả là Văn Đức “phá hợp đồng” với Sông Lam Nghệ An để đầu quân cho đội bóng mới lên hạng Công an Hà Nội, cùng với lời đồn Văn Hậu cũng rời Hà Nội FC để hội ngộ cùng đồng đội Văn Đức ở đội bóng mới. Chấn động là bởi Văn Đức vẫn còn hợp đồng 2 năm với đội chủ sân Vinh khi nhà tài trợ mới “lập công” giữ được chân sút này ở lại mùa trước. Với đội bóng quê Nghệ, truyền thống xưa nay là cố gắng giữ lại một vài trụ cột để làm đầu tàu và không ai tốt hơn Văn Đức về phong độ cũng như cống hiến những năm gần đây.

Chuyện một số cầu thủ con cưng bầu Đức ở Hoàng Anh Gia Lai rời đi trong ít ngày tới đây như Văn Thanh, Hồng Duy... cũng sẽ gây tiếng vang trong đời sống bóng đá trong nước, dù hiện thời câu chuyện bóng đá thế giới đang chiếm sự thu hút và quan tâm nhiều hơn.

Đến giờ thì chúng ta bắt đầu nhận ra cái hay, cái khó đi liền với nhiều cái khác của bóng đá chuyên nghiệp mà lâu nay mới có, mới bắt đầu. Đấy là chuyện cầu thủ “phá hợp đồng” để đi đến một đội bóng mới như trường hợp Văn Đức (trên thế giới thì vô vàn, điển hình nhất là sự việc Neymar từ Barcelona chuyển sang PSG). Tất nhiên, “phá” là làm trái, làm khác với hợp đồng đã ký và tất nhiên phải chịu trách nhiệm, phải đền bù cho việc làm đó theo hợp đồng. Cầu thủ có nguyện vọng thì đội bóng tôn trọng, nghĩa vụ của cầu thủ đối với đội bóng được đáp ứng, vậy là ổn thỏa, là hợp tình, hợp lý, dù “tâm lý”, nhất là trong đa số cổ động viên thì bất ngờ này sẽ không dễ nguôi ngoai?

Người viết bài này từng trực tiếp chứng kiến ở Giải Ngoại hạng Anh mùa bóng 2014-2015, cổ động viên Everton giương biểu ngữ phản đối Chelsea lúc bấy giờ định dùng sức mạnh đồng tiền để kéo trung vệ trẻ tiềm năng Jhon Stone rời sân Goodison Park. Kết quả sau đó là Stone đến... Man City, một đội bóng còn giàu mạnh hơn Chelsea, chứng minh một thực tế rõ ràng về câu chuyện muôn thuở này...

Để rồi, mọi việc sẽ dẫn đến một thực tế ở V-League thời chuyên nghiệp thực sự là ai có nguồn lực tài chính dồi dào, có tham vọng chính đáng thì sẽ có thầy giỏi, trò giỏi, tất nhiên, bao gồm cả việc đào tạo như một quy định bắt buộc, như việc tổ chức song song các giải trẻ bên cạnh V-League. Quá trình này cũng sẽ dần loại bỏ những kiểu ăn xổi, đầu tư mùa vụ, thành tích tạm bợ. Điều sẽ tới là giá trị cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng sẽ được tăng lên, đúng với giá trị thực, cầu thủ sẽ được hưởng đúng với những gì họ cống hiến, đổ mồ hôi mà không phải lăn tăn bất cứ điều gì trong hay ngoài sân cỏ...

Tất nhiên, mọi việc không bao giờ dễ dàng, thậm chí nhiều khi phải quay về điểm xuất phát, phải làm lại khi bị thao túng, bị làm méo mó, phản phát triển... Ngay cả các nền bóng đá lớn, các đội bóng lớn cũng không phải đạt được mục tiêu ngay khi đổ ra thật nhiều tiền là có thành tích, rồi có thành tích nhưng duy trì còn khó hơn... Cổ động viên ở bất cứ đâu cũng có “con cưng”, ngôi sao của riêng mình, cũng muốn giữ họ cho riêng mình. Không hiếm chuyện cổ động viên giận dữ, mắng mỏ... về những vụ việc kiểu như Neymar hay Messi rời khỏi sân Camp Nou, hay ở ta là Văn Quyến, Công Vinh và giờ là Văn Đức rời sân Vinh... Thời gian và những niềm vui mới sẽ xoa dịu và khỏa lấp những “vết đau” vô cùng đáng yêu đó, thực tế bóng đá chuyên nghiệp với những ưu trội của nó sẽ cho biết rõ ràng, cụ thể.

Không chỉ là việc “con chị nó đi, con dì nó lớn”, không chỉ là việc đội bóng thiếu tham vọng trong bối cảnh non yếu mà bóng đá chuyên nghiệp sẽ “tự điều chỉnh” những vấn đề nội tại theo quy luật, không phụ thuộc bất kỳ ý muốn chủ quan nào. Hãy học cách hành động chuyên nghiệp nhất có thể, để lúc đầu ít người nhưng sau sẽ nhiều hơn, đông hơn đồng loạt nói với Văn Đức hay bất cứ ai phải tìm bến mới, thậm chí giải nghệ, rằng: Cảm ơn về tất cả! Chúc may mắn!

Tin mới