HĐND tỉnh giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy ở Hưng Nguyên

(Baonghean.vn) - Sáng 17/10, HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động tại Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam và Công ty CP Giấy Sông Lam đều đóng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng tham gia có đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và lãnh đạo huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Có hay không tình trạng xả thải trộm?

Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam có tổng công suất 100 triệu lít/năm; nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng/năm. Thông qua giám sát trực tiếp tại các khâu, công đoạn sản xuất và phát sinh chất thải, đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận đơn vị chấp hành khá tốt về các quy định của pháp luật về BVMT, ATVSLĐ và chế độ, chính sách cho người lao động.

Tuy nhiên, một số thành viên đoàn giám sát cũng quan tâm đề cập đến một số vấn đề. Nêu kiến nghị, phản ánh của báo chí, của cử tri xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) và đặt ra nghi vấn doanh nghiệp lợi dụng khi trời mưa và thời điểm ban đêm để xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường từ năm 2014, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Phạm Văn Hóa đề nghị doanh nghiệp làm rõ, có hay không tình trạng xả thải “trộm” và việc khắc phục như thế nào.

Ông
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hệ thống thu gom, xử lý chất thải của dây chuyền sản xuất nhà máy hoàn toàn khép kín và tự động, không thể tách để xả thải “trộm”. Ảnh: Mai Hoa

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hệ thống thu gom, xử lý chất thải của dây chuyền sản xuất của nhà máy hoàn toàn khép kín và tự động, không thể tách để xả thải “trộm”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận, thời điểm đó, quá trình thu gom bã bia chưa được triệt để, dẫn đến số bã sót lại bị phân hủy chảy ra hệ thống mương tiêu có màu đen; đồng thời quá trình nấu vẫn phát sinh mùi hôi, nhưng nay đã được khắc phục. Điều ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đã được Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo xác nhận.

Cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Đinh Sỹ Khánh Vinh lưu ý, doanh nghiệp cần phải làm lại mặt bằng ở khu vực chứa bã bia (hiện đã bị vỡ) nhằm thu gom nước thải và bã bia triệt để, tránh gây ô nhiễm môi trường; đồng thời tăng tần suất thay lớp hấp phụ bằng than hoạt tính ở bể điều hòa xử lý nước thải để đảm bảo chất lượng xử lý.

Đoàn giám sát kiến nghị doanh nghiệp cần chú trọng kiểm định chất lượng các xe nâng đẩy. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát kiến nghị doanh nghiệp cần chú trọng kiểm định chất lượng các xe nâng đẩy. Ảnh: Mai Hoa

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền nhấn mạnh, quá trình sản xuất của doanh nghiệp có 3 nguồn phát thải, gồm nước thải, khí thải và chất thải rắn; bởi vậy để đảm bảo môi trường bền vững, đề nghị doanh nghiệp cần rà soát lại các quy định của pháp luật về BVMT để bổ sung, hoàn thiện.

Chú trọng các biện pháp an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)

Liên quan đến vấn đề ATVSLĐ và chế độ chính sách đối với người lao động, về cơ bản, doanh nghiệp đã quan tâm và thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, trên cơ sở giám sát trực tiếp và ý kiến tham gia của các thành viên đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền yêu cầu Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam rà soát các quy định của pháp luật để đảm bảo thực hiện đầy đủ, đồng thời liên quan đến ATVSLĐ và chế độ chính sách đối với người lao động, trong đó quan tâm sửa đổi lại các quy chế và kế hoạch về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật.

Đoàn giám sát hệ thống xử lý nước thải tại Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát hệ thống xử lý nước thải tại Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần quan tâm nâng cao sức khỏe của người lao động hoặc bố trí, sắp xếp lại lao động để đảm bảo phù hợp với sức khỏe đối với những người xếp sức khỏe loại 3 sau khám sức khỏe định kỳ; đồng thời có các biện pháp xử lý chống nóng, chống ồn và lắp đặt hệ thống biển báo ở một số công đoạn sản xuất cũng như quan tâm bố trí nhà ăn dành cho công nhân thoáng mát hơn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý doanh nghiệp quan tâm đến công tác kiểm định, phòng chống cháy nổ đối với một số thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ như lò hơi, bình khí nén, xe nâng…

Còn để xảy ra mất an toàn lao động

Cũng trong sáng nay, HĐND tỉnh cũng có cuộc giám sát tại Công ty CP Giấy Sông Lam.  Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì.

Tại Công ty CP Giấy Sông Lam, đoàn giám sát đã ghi nhận sự nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do dây chuyền sản xuất được đầu tư khá lâu, lạc hậu và việc bổ sung dây chuyền mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, cho nên việc xử lý môi trường trong quá trình sản xuất chưa thật sự triệt để. 

Tuy nhiên qua giám sát cho thấy tại doanh nghiệp vẫn còn tình trạng mất an toàn lao động. Cụ thể là từ năm 2016 đến 30/6/2018 đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động.
Trưởng ban
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu doanh nghiệp cần nghiên cứu để đổi mới dây chuyền sản xuất mới, ít tác động đến môi trường. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu doanh nghiệp cần nghiên cứu để đổi mới dây chuyền sản xuất mới, ít tác động đến môi trường.

Cùng với đó quan tâm hơn đến môi trường, điều kiện lao động đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động, bởi môi trường sản xuất giấy có những đặc trưng và độc hại, cộng thêm dây chuyền cũ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và an toàn trong sản xuất cho công nhân nếu doanh nghiệp không thật sự quan tâm.

Tin mới