HĐND tỉnh giám sát công tác đào tạo nguồn nhân lực tại thị xã Thái Hòa

(Baonghean.vn) - Nhấn mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho thị xã Thái Hòa mà còn cho cả vùng Tây Bắc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị thị xã cần có chiến lược, nâng cao chất lượng hiệu quả đối với công tác này.

Sáng 25/4, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc giám sát tại thị xã Thái Hòa về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

a
Dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Chí Kiên - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã cùng lãnh đạo các phòng, ban và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Thanh Lê

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Thái Hòa có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chức năng đào tạo nghề từ sơ cấp đến trung cấp, gồm: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên thị xã Thái Hòa và Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật miền Tây Nghệ An.

Sau 5 năm (2015-2020), trên địa bàn thị xã Thái Hòa có 16.935 người học nghề, trong đó trình độ cao đẳng là 1.260 người, trình độ trung cấp là 1.834 người và sơ cấp (dưới 3 tháng) là 13.814 người. Đào tạo nghề cho 705 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi làm việc với UBND thị xã Thái Hòa, đoàn Giám sát đã đến khảo sát tại
Trước khi làm việc với UBND thị xã Thái Hòa, Đoàn Giám sát đã đến khảo sát tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên thị xã Thái Hòa và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Giai đoạn 2015-2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55-65%, mỗi năm giải quyết việc làm mới từ 1.500 - 2.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo từ 70 - 80%.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt phương thức đào tạo nghề lưu động tại các địa phương; phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng nghề, thực hành nghề và kỹ năng “mềm”; phân luồng, định hướng cho học sinh sau THCS, THPT.

Khảo sát tại
Khảo sát tại Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật miền Tây Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là nhận thức của người dân chưa cao. Thời gian đào tạo nghề thường ngắn, chỉ khoảng 3 tháng nên sau khi học nghề xong còn gặp nhiều khó khăn trong việc hành nghề.

Trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phản ánh với Đoàn Giám sát về tình trạng giáo viên thiếu so với quy mô đào tạo, cơ sở vật chất trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, lạc hậu; việc liên kết các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp còn hạn chế,…

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội  HĐND tỉnh - đồng chí Chu Đức Thái bày tỏ băn khoăn về công tác phân luồng học sinh THCS, THPT trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thanh Lê
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái bày tỏ băn khoăn về công tác phân luồng học sinh THCS, THPT trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thanh Lê

Tại cuộc làm việc, thị xã Thái Hòa và các cơ sở dạy nghề đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2030; thực hiện phân nguồn đào tạo trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề.

Tiếp tục quan tâm bổ sung kinh phí hằng năm hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nghề để mua sắm cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề; chính sách đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên,…

Các thành viên đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Các thành viên đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Trao đổi tại cuộc làm việc,các thành viên Đoàn giám sát đề nghị địa phương làm rõ các nội dung liên quan về: kinh phí đào tạo; liên kết với doanh nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT; tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm; giải pháp nâng cao đào tạo nghề cho lao động nông thôn; việc làm sau đào tạo trên địa bàn; hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp,…

Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa Phạm Chí Kiên nhấn mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa Phạm Chí Kiên nhấn mạnh tầm quan trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực để hướng tới mục tiêu đưa thị xã Thái Hòa trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc. Ảnh: Thanh Lê

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢ VÙNG TÂY BẮC

Làm rõ những vấn đề các thành viên Đoàn Giám sát quan tâm, Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa - đồng chí Phạm Chí Kiên nhấn mạnh: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển TX. Thái Hòa trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An, giai đoạn 2022-2025. Trong đó có mục tiêu đặt ra là thị xã Thái Hòa trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Thời gian tới, thị xã sẽ có nhiều dự án, nhà máy đi vào hoạt động. Đào tạo nghề cho lao động là lợi thế, sức hấp dẫn cho thu hút đầu tư. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động là việc làm cần thiết cho sự phát triển của thị xã.

"Trên cơ sở đánh giá nhu cầu lao động theo ngành nghề, nhận định, khắc phục khó khăn trong công tác đào tạo nghề, thị xã sẽ có chiến lược trong công tác này từ xây dựng chỉ tiêu ngành nghề đào tạo, khảo sát nhu cầu lao động gắn với định hướng phát triển của địa phương; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, nâng  chất lượng đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực của thị xã" - đồng chí Phạm Chí Kiên cho biết.

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh: Thị xã Thái Hòa xác định rõ vị trí của thị xã đối với sự phát triển của vùng Tây Bắc. Công tác đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho thị xã mà còn cho cả vùng Tây Bắc.

Chia sẻ khó khăn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thị xã, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng thực trạng này đặt ra vấn đề là việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề không chỉ trên địa bàn thị xã nói riêng mà trên địa bàn tỉnh nói chung còn đầu tư còn dàn trải.

Đại diện lãnh đạo các phòng, ban của thị xã Thái Hòa tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Đại diện lãnh đạo các phòng, ban của thị xã Thái Hòa tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Đồng chí đề nghị lãnh đạo thị xã và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để xem xét có nên sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên thị xã Thái Hòa và Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật miền Tây Nghệ An. Trên cơ sở đó báo cáo, kiến nghị lên tỉnh xem xét, quyết định.

Đồng thời, địa phương và các cơ sở đào tạo nghề cần chủ động trong việc phối hợp liên kết với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề.

Tin mới