HĐND tỉnh giám sát tại huyện Đô Lương

(Baonghean.vn)Một số vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân vẫn kéo dài; Công tác quản lý nhà nước về tệ nạn xã hội, tín dụng đen chưa được quan tâm đúng mức... - đó là nhận định của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đô Lương chiều 13/10.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh:  Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phan Đức Đồng – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cùng đại diện các ban HĐND tỉnh và MTTQ tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí Lê Minh Giang – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Ngọc Kim Nam – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương.

Đồng chí Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương giải trình kiến nghị của cử tri.
Đồng chí Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương báo cáo  kiến nghị của cử tri.

Theo giải trình của đại diện lãnh đạo huyện Đô Lương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhất là khai thác cát sỏi trái phép trên lưu vực sông Lam gây sạt lở là đúng thực tế. Không chỉ công ty Tiến Hoa mà 7 công ty còn lại thuộc 11 xã ven Sông Lam khai thác cát sỏi đều có ý kiến cử tri phản ánh.

UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH Tiến Hoa dừng khai thác khu vực gần bờ sát đất nông nghiệp của các hộ xã Đặng Sơn và yêu cầu công ty tuân thủ đúng các quy trình, thủ tục đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Xã, huyện phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát. 

Đồng chí Phan Đức Đồng - Trưởng Ban  Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Đồng chí Phan Đức Đồng - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị huyện Đô Lương cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.

Làm rõ thêm nội dung này, đồng chí Trần Kim Lộc - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho hay: Tình trạng cấp phép khai thác dày đặc, gây tiềm ẩn những nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông Lam. Việc cấp phép tắc trách như thế này thì đơn thư của cử tri còn kéo dài. Tôi đề nghị địa phương và ngành liên quan cần kiểm soát về khai thác cát sỏi, chấm dứt tình trạng trái phép như hiện nay.

Giải trình về vấn đề này, đồng chí Lê Minh Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thừa nhận để xảy ra tình trạng này một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đề nghị tỉnh chỉ đạo đơn vị tư vấn khảo sát khai thác cát sạn trên sông Lam sát thực tế hơn và nếu đơn vị nào sai phạm, thì cần phải xử lý và điều chỉnh quy hoạch cấp phép.

Tín dụng đen đang hệ lụy đến đời sống và kinh tế của người dân Đô Lương (Ảnh tư liệu)
PV báo Nghệ An tìm hiểu vấn đề tín dụng đen đang hệ lụy đến đời sống và kinh tế của người dân Đô Lương (Ảnh tư liệu)

Về nội dung cử tri phản ánh tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện có xu hướng gia tăng, nhất là tệ nạn ma túy, tín dụng đen làm ảnh hưởng đến an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, đại diện lãnh đạo huyện Đô Lương cho biết: Đây là vấn đề nhức nhối phức tạp của địa phương.

Từ ngày 15/11/2015- 4/10/2016, công an huyện Đô Lương đã bắt 27 vụ với 35 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra các vụ liên quan đến các hoạt động phường, hụi, họ… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và kinh tế của người dân.

Đồng chí Ngọc Kim Nam- Chủ tịch UBND huyện Đô Lương giải trình làm rõ những nội dung Đoàn Giám sát quan tâm.
Đồng chí Ngọc Kim Nam- Chủ tịch UBND huyện Đô Lương giải trình làm rõ những nội dung Đoàn giám sát quan tâm.

Trao đổi nội dung này, đồng chí Phan Đức Đồng - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy có ý kiến: Tình trạng tệ nạn xã hội, tín dụng đen gia tăng nhiều năm qua cho thấy công tác quản lý nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Tôi đề nghị huyện cần có có giải pháp mạnh từng bước xóa bỏ tụ điểm ma túy và đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung. Huyện tăng cường công tác giáo dục pháp luật, giao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp đối với vấn đề này. 

Công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải, các điểm tập kết chưa được giải quyết dứt điểm là phản ánh đúng thực tế của cử tri huyện Đô Lương. Để xảy ra tình trạng đó một nguyên nhân là do trách nhiệm chính quyền các cấp chưa quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường.

Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri xã Đặng Sơn.
Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri xã Đặng Sơn.

Ngoài ra, cử tri trên địa bàn huyện Đô Lương quan tâm phản ánh một số vấn đề như: Tiến độ thanh toán, hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn chậm; tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trong quá trình thi công công trình nhà máy xi măng Sông Lam, thi công đường N5 làm các tuyến đường QL7, 15A làm các đường huyện, đường dân sinh xuống cấp...

Đồng chí Hoàng Viết Đường- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Hoàng Viết Đường- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị địa phương cần theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của các cấp, các ngành; cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Đồng chí Hoàng Viết Đường yêu cầu huyện cần tập trung giải quyết vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân quan tâm kiến nghị.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được HĐND tỉnh kiến nghị đến các sở, ban, ngành và UBND tỉnh quan tâm giải quyết.

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới