HĐND tỉnh Nghệ An cho ý kiến về quy định một số mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập

(Baonghean.vn) - Thẩm tra dự thảo nghị quyết về các nội dung và mức thu các dịch vụ trong cơ sở giáo dục công lập, Trưởng ban Văn Hóa - Xã Hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị cơ quan xây dựng dự thảo nghị quyết bổ sung nội dung giao UBND tỉnh hướng dẫn các khoản thu; đồng thời quy định rõ tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất và sỹ số học sinh/lớp trong học ngoại ngữ.
Chiều 1/12, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra một số  dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mái Hoa
Chiều 1/12, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra một số dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa

Quy định một số nội dung, mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập

Dự cuộc họp có các đồng chí Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một sở, ngành liên quan.

Thẩm tra về dự thảo nghị quyết quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An; các thành viên dự họp cơ bản đồng tình với dự thảo, đồng thời đặt ra một số băn khoăn.

Theo một số đại biểu, chương trình giáo dục phổ thông đang đặt ra vấn đề giảm tải, trong khi đó, dự thảo lại đặt ra thu tiền dạy thêm, học thêm có đảm bảo đúng quy định. Tương tự, việc dạy tin học, ngoại ngữ là môn học bắt buộc đối với cả bậc tiểu học, tại sao lại đặt ra nội dung thu?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh rà soát lại. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền phát biểu tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, dạy nghề phổ thông được ngân sách tỉnh đảm bảo, trong khi đó dự thảo lại đặt ra thu. Mặt khác mức thu thi nghề phổ thông theo dự thảo là 225 nghìn đồng/đợt thi, trong khi đó mức hiện tại là 60 nghìn đồng/đợt thi.

Mức thu nội dung xét tuyển các lớp đầu cấp, dự thảo đang xây dựng 4 mức khác nhau cho tuyển mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10; tuy nhiên ý kiến của thành viên dự họp là cần quy định một mức chung.

1
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành giải trình các vấn đề mà các thành viên dự họp đặt ra liên quan đến nội dung và mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập. Ảnh: Mai Hoa

Giải trình các vấn đề mà các thành viên dự họp đặt ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành, cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm ở đây được đặt ra ở khía cạnh dạy tăng cường theo năng khiếu nhằm phát triển năng lực, sở trường của học sinh ở từng lĩnh vực.

Về nội dung thu về tin học, ngoại ngữ theo chương trình giáo dục tăng cường để đạt các chứng chỉ quốc tế ngoài chương trình giáo dục phổ thông.

Còn liên quan đến thu tiền học nghề phổ thông, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thông tin, lâu nay kinh phí này do ngân sách tỉnh đảm bảo; tuy nhiên theo Luật Giáo dục hiện nay, ngân sách không cấp mà phải thu từ người học.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường  kết luận các nội dung thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường kết luận về nội dung giáo dục. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận thẩm tra dự thảo nghị quyết về các nội dung và mức thu các dịch vụ trong cơ sở giáo dục công lập, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội  Nguyễn Thị Thu Hường đồng tình trình nội dung dự thảo nghị quyết tại kỳ họp HĐND tỉnh tới.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị cơ quan xây dựng dự thảo nghị quyết bổ sung nội dung giao UBND tỉnh hướng dẫn các khoản thu; đồng thời quy định rõ tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất và sỹ số học sinh/lớp đối với hoạt động dạy ngoại ngữ tăng cường.

Chính sách hỗ trợ thân nhân người có công

Cũng trong chiều nay, Ban Văn hóa - Xã hội tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ giải trình các vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực tham mưu của ngành. Ảnh: Mai Hoa
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ giải trình các vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực tham mưu của ngành. Ảnh: Mai Hoa

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người có công với cách mạng đã hưởng trợ cấp một lần thuộc hộ nghèo và thân nhân người có công với cách mạng sống trong cùng hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo; nhưng phải đảm bảo các điều kiện đủ 60 tuổi trở lên, bị khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng, đang bị một trong các bệnh hiểm nghèo theo quy định và các đối tượng này hiện không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp hàng tháng đối với người có công với cách mạng. 

Mức hỗ trợ 700 nghìn đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo của UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020; báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em năm 2020.

Tin mới