HĐND tỉnh yêu cầu Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan khắc phục bất cập về môi trường

(Baonghean.vn) - Vấn đề này được nhấn mạnh thông qua cuộc giám sát của HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan sáng 19/10.
 
Vấn đề này được nhấn mạnh thông qua cuộc giám sát của HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan sáng 19/10.
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát. Ảnh: Mai Hoa

Chưa có thủ tục bảo vệ môi trường

Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành dệt may với tổng sản lượng sợi các loại là 19.000 tấn/năm; thu hút gần 1.000 lao động, trong đó chủ yếu lao động nữ.

Thời gian qua, đơn vị đã có ý thức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; đổi mới công nghệ, tăng năng suất, cải thiện môi trường làm việc và chế độ chính sách cho người lao động.

Tuy nhiên, là cơ sở sản xuất được đầu tư lâu năm, dây chuyền sản xuất cũ, cộng với đặc thù nghề độc hại, cho nên, tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động vẫn đang xảy ra.

Ông Phan Xuân Hợi - Phó Tổng Giám đốc cho rằng, đơn vị đang
Ông Phan Xuân Hợi - Phó Tổng Giám đốc cho rằng, trong chiến lược phát triển, khi có nguồn lực thì doanh nghiệp sẽ thực hiện di chuyển nhà máy đến địa điểm mới. Ảnh: Mai Hoa

Thông qua giám sát thực tiễn dây chuyền sản xuất sợi của doanh nghiệp, đoàn giám sát đã ghi nhận tại dây chuyền sản xuất sợi, tiếng ồn rất lớn và nơi tiếp nhận nguyên liệu bông đầu vào cũng như nguồn bông phế thải đều phát sinh bụi bông.

Điều này được Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT Đinh Sỹ Khánh Vinh (thành viên đoàn giám sát) khẳng định, kết quả quan trắc môi trường các đợt gần đây của cơ quan chức năng đều cho thấy vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là tiếng ồn. Và liên tiếp trong 2 năm 2017, 2018, HĐND thành phố tiếp tục ghi nhận ý kiến cử tri Bến Thủy phản ánh về tiếng ồn và bụi bông từ nhà máy phát tán, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt của  người dân.

Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh cũng cung cấp thêm, đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục về BVMT, cụ thể là chưa được cơ quan chức năng phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết và theo quy định của pháp luật, nếu doanh nghiệp không có thủ tục này sẽ buộc phải ngừng hoạt động.

Tiếng ồn trong xưởng sản xuất sợi lớn, trong khi đó hầu hết công nhân không sử dụng BHLĐ chống ồn. Ảnh: Mai Hoa
Tiếng ồn trong xưởng sản xuất sợi lớn, trong khi đó hầu hết công nhân không sử dụng bảo hộ lao động chống ồn. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến nội dung này, Trưởng đoàn giám sát Cao Thị Hiền đề nghị Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan phối hợp với Sở TN&MT và UBND thành phố Vinh để hoàn thiện đầy đủ thủ tục về BVMT theo đúng quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị doanh nghiệp cần tổ chức đối thoại với người dân để có sự chia sẻ, hiểu nhau hơn, đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp chống ồn và hấp thụ bụi bông, trước mắt là xây tường cao để cách bớt âm và bụi.

Trưởng đoàn giám sát cũng lưu ý doanh nghiệp quan tâm xây dựng kho chứa chất thải nguy hại và định kỳ báo cáo đầy đủ với cơ quan chức năng theo quy định; quan tâm thu gom các chất thải công nghiệp phát sinh.

Môi trường lao động chưa đảm bảo

Cùng với môi trường ngoài nhà xưởng, qua giám sát, đoàn công tác HĐND tỉnh cũng ghi nhận môi trường làm việc của công nhân ở một số bộ phận cũng đặt ra nhiều bất cập. Với tiếng ồn và bụi bông trong một số nhà xưởng bằng cảm quan cho thấy là lớn, tuy nhiên, ý thức sử dụng bảo hộ lao động của người lao động còn tùy tiện, nhất là bảo hộ lao động chống ồn thì hầu hết lao động không sử dụng.

Đoàn giám sát tìm hiểu chế độ chính sách từ phía người lao động. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát tìm hiểu chế độ chính sách từ phía người lao động. Ảnh: Mai Hoa

Từ thực tiễn đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, song song trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cũng như tuyên truyền để người lao động tự giác sử dụng bảo hộ lao động thì doanh nghiệp cũng cần có quy định ràng buộc để họ chấp hành, nhằm nâng cao sức khỏe lao động.

Mặt khác, bên cạnh khám sức khỏe định kỳ cho công nhân cũng cần quan tâm, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, gắn với biện pháp chăm sóc sức khỏe và bố trí công việc hợp lý cho người lao động có sức khỏe loại 4, loại 5.

Doanh nghiệp cũng cần quan tâm huấn luyện an toàn lao động theo quy định; quan tâm cải thiện chế độ tiền lương cho người lao động, chính sách cho công nhân nữ…

Tin mới