Hé lộ nguyên nhân 2 cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn bị bắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An vừa phê chuẩn các Quyết định khởi tố đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn và Giám đốc một doanh nghiệp có liên quan. Qua tìm hiểu của PV Báo Nghệ An, nguyên nhân của vụ việc cũng đã dần được hé lộ.

Ngày 27/1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố, Lệnh tạm giam đối với ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn, liên quan đến hành vi “nhận hối lộ”; đồng thời khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Sơn Đông - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Việt, có trụ sở tại TP. Vinh về hành vi “đưa hối lộ”.

Phòng làm việc của ông Trần Anh Tuấn tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn "cửa đóng, then cài". Ảnh: PV

Phòng làm việc của ông Trần Anh Tuấn tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn "cửa đóng, then cài". Ảnh: PV

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã phê chuẩn Quyết định khởi tố, Lệnh tạm giam đối với ông Lê Quang Sáng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn liên quan đến hành vi “nhận hối lộ”.

Vậy nguyên nhân vì sao 2 lãnh đạo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn bị bắt, nhất là khi cả 2 vị lãnh đạo này chỉ mới được bổ nhiệm cách đây chưa lâu, vào ngày 1/6/2022?

Theo thông tin chúng tôi có được, ông Trần Anh Tuấn và ông Lê Quang Sáng trong quá trình thực thi công vụ đã nhận từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt số tiền hơn 300 triệu đồng. Điều đáng nói là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt, có trụ sở tại TP. Vinh, nhưng là đơn vị có nhiều công trình đang thi công trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn.

Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt thi công đến nay vẫn chưa làm xong. Ảnh: PV

Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt thi công đến nay vẫn chưa làm xong. Ảnh: PV

Trong đó phải kể đến công trình xây dựng tuyến đường từ Km0+00 đến Km8+247 thuộc dự án đường cứu hộ vùng lũ đảm bảo an ninh quốc phòng (đường cứu hộ, cứu nạn), từ xã Nghĩa Lâm đến Nghĩa Bình. Công trình này do UBND huyện Nghĩa Đàn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án hơn 60 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trên thực tế, tuyến đường này đến nay vẫn chưa hoàn thiện, hệ thống mương máng, cọc tiêu vẫn chưa làm xong.

Cọc tiêu và máy móc đang được gửi trong vườn nhà dân. Ảnh: PV

Cọc tiêu và máy móc đang được gửi trong vườn nhà dân. Ảnh: PV

Chiều 2/2, có mặt tại xã Nghĩa Lâm, ngay đoạn đầu của tuyến đường cứu hộ cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi ghi nhận, phương tiện, máy móc vẫn đang tập kết dọc theo tuyến đường. Hai bên đường, hệ thống mương thoát nước vẫn chưa làm xong, nhiều lô cọc tiêu đang được gửi trong vườn nhà dân, chưa được cắm xuống hai bên lề đường. Một số người dân tại đây cho biết, trước Tết công nhân đã rút về, chỉ gửi máy móc lại, giờ ra Tết rồi mà vẫn chưa thấy quay lại làm tiếp.

Nhiều người dân địa phương cho biết, công nhân đã rút về trước Tết nhưng đến thời điểm này họ vẫn chưa quay lại làm tiếp. Ảnh: PV

Nhiều người dân địa phương cho biết, công nhân đã rút về trước Tết nhưng đến thời điểm này họ vẫn chưa quay lại làm tiếp. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt còn trúng thầu thi công tuyến Km12+ 760 - Km18 +123 thuộc Dự án Đường giao thông phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An, đoạn từ trung tâm huyện Nghĩa Đàn nối đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1). Tuyến đường này có tổng chiều dài trên 5,4 km với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 21/5/2021. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng nối 4 làng gồm: làng Nhâm, Dừa, Đồng Song, Lâm Sinh và nối các xã Nghĩa Yên với Nghĩa Mai.

Hệ thống mương thoát nước và cọc tiêu hai bên lề đường của tuyến đường cứu hộ, cứu nạn mà Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt thi công tại Nghĩa Đàn chưa làm xong. Ảnh: PV

Hệ thống mương thoát nước và cọc tiêu hai bên lề đường của tuyến đường cứu hộ, cứu nạn mà Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt thi công tại Nghĩa Đàn chưa làm xong. Ảnh: PV

Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Việt còn trúng thầu thi công nhiều dự án khác, như dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn). Dự án này đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định 5009/QĐ-UBND về việc phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình: Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, vào ngày 14/10/2016.

Dự án có quy mô xây dựng tuyến kênh dài 3.441,18m; Công trình điều tiết trên kênh (cống điều tiết tại Km0+000; cầu tại Km2+156,8; cống tại Km3+441,18). Đây là công trình thuỷ lợi cấp III, có tổng mức đầu tư theo công bố giá quý II năm 2016 là 16 tỷ 993 triệu đồng. Công trình này do UBND huyện Nghĩa Đàn làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn của Ngân sách tỉnh; nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; Ngân sách huyện, xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cống điều tiết tại xóm Đồng Đại, xã Nghĩa Khánh, một hạng mục trong dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh. Ảnh: PV

Cống điều tiết tại xóm Đồng Đại, xã Nghĩa Khánh, một hạng mục trong dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh. Ảnh: PV

Đến ngày 12/12/2016, UBND huyện Nghĩa Đàn ra Quyết định số 3711/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu số 01: Toàn bộ phần xây lắp công trình: Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Việt là đơn vị trúng thầu. Giá trị trúng thầu là hơn 12 tỷ 370 triệu đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng, hình thức hợp đồng trọn gói.

Tuy nhiên, đến ngày 8/12/2020, căn cứ đề nghị của UBND huyện Nghĩa Đàn, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4447/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình: Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh. Trong đó, điều chỉnh bề rộng của đáy kênh; cầu qua kênh tại Km2+156,8; đường vào hai đầu cầu qua kênh Km2+156,8 và đường vào hai đầu cống tại Km3-441,18; nền đường... Giá trị dự toán xây dựng sau điều chỉnh là 16 tỷ 993 triệu đồng - bằng với giá trị tổng mức đầu tư hồi mới đầu được phê duyệt ở thời điểm năm 2016.

Cống điều tiết tại xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), một hạng mục trong dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh, mà chất lượng được cho là có liên quan đến vụ việc. Ảnh: PV

Cống điều tiết tại xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), một hạng mục trong dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh tiêu xã Nghĩa Khánh, mà chất lượng được cho là có liên quan đến vụ việc. Ảnh: PV

Dù vậy, trong quá trình thi công, công trình này đã có dấu hiệu bị nứt, hỏng, cửa xả tại cống điều tiết đã không đóng được khi nước lũ kéo về nên đã nhiều lần phải sửa chữa, dù chưa bàn giao, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Theo nhiều người dân xóm Đồng Đại, xã Nghĩa Khánh, có những lúc mưa lũ, khi nước ở phía kênh tiêu dâng lên nhanh, cửa xả tại cống điều tiết không mở ra được, người dân trong xóm phải kéo nhau ra lấy thân cây đẩy nắp cống lên thì nước mới thoát.

Được biết, hiện cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Tin mới