Hé lộ những điểm yếu của quân đội Nga

(Baonghean.vn) - Giới chuyên gia nhận định, các lực lượng có vũ trang của Nga góp phần tạo nên tính ưu việt quân sự nổi bật chi quân đội Nga trong khu vực Liên Xô cũ, mặc dù binh lính Nga chưa thể tương thích với lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện nay, Điện Kremlin đang bận bịu với việc hiện đại hóa quân đội.

Khi nhắc tới sức mạnh quân sự, Mỹ, Nga và Trung Quốc đang được xem là các quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Nga vẫn còn nhiều “mũi tên trong ống tên”, chủ yếu là kho vũ khí hạt nhân quy mô lớn với khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân được triển khai.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI thuộc không quân Nga. Ảnh: Getty
Máy bay chiến đấu Su-30MKI thuộc không quân Nga. Ảnh: Getty

Ngoài kho vũ khí hạt nhân, còn một lĩnh vực nữa Nga chắc chắn xếp thứ nhất. Nhà phân tích quân sự Nga Aleksandr Golts nhận định, thời gian qua, Điện Kremlin thông báo Nga sở hữu nhiều xe tăng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Với gần 20.000 xe tăng, Nga có nhiều xe tăng hơn tổng số xe tăng mà tất cả các nước thành viên NATO cộng lại.

Theo chuyên gia này, Nga nắm lợi thế hậu cần cao hơn phương Tây. Nếu như NATO cần nhiều tháng để huy động toàn bộ sức mạnh thì Nga chỉ cần một thời gian ngắn để triển khai quân.


Nhà phân tích quân sự Nga Aleksandr Golts cho rằng, bỏ sang một bên vũ khí hạt nhân, Mỹ có lợi thế vượt trội nếu xét tới các lực lượng thông thường, trong đó có lực lượng không quân và hải quân.

Xe tăng Nga tham chiến tại Aleppo, Syria. Ảnh: DPA
Xe tăng Nga tham chiến tại Aleppo, Syria. Ảnh: DPA
Ông Golts nhận định: “Vào thời điểm hiện tại, không quân Nga mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc. Còn về hải quân, đây vẫn là điều bàn cãi, bởi Trung Quốc đang thực hiện một chương trình rất tham vọng, đó là tự đóng tàu và nước này thành công trong việc xây dựng hạm đội Hải quân xanh (quy mô toàn cầu) thành công hơn nhiều so với Nga”.

Tuy nhiên, theo ông Golts, mặc dù các tàu chiến của Nga cũ kỹ, song chúng lại thường xuyên được trang bị các tên lửa hành trình vô cùng hiện đại. 

Chuyên gia quân sự này cảnh báo, việc xếp hạng các quốc gia theo sức mạnh quân sự “ít hay nhiều là điều vô nghĩa” bởi hiệu quả hoạt động của các lực lượng vũ trang tùy thuộc vào mục đích do các nhà lãnh đạo mỗi quốc gia đề ra.

Tàu ngầm hạt nhân của Nga. Ảnh: AFP
Tàu ngầm hạt nhân của Nga. Ảnh: AFP
Đồng quan điểm này, nhà báo kiêm nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer cảnh báo, các cuộc xung đột trên thực tế tùy thuộc nhiều biến số khác nhau, như địa lý và đối tượng tham gia. Ông giải thích: “Giống như việc dự đoán kết quả một trận bóng đá: Về cơ bản, Brazil luôn đánh bại Mỹ trong bộ môn này, song tôi đã từng chứng kiến đội tuyển Mỹ đánh bại Brazil ở Vòng chung kết Confederations Cup. Bạn không thể biết kết quả cho tới khi trận đấu diễn ra”.

Chuyên gia này nhấn mạnh, Nga thiếu hụt công nghệ quân sự hiện đại, như thiết kế và chế tạo máy bay không người lái, các thiết bị điện tử như radar và vệ tinh do thám.

Hiện nay, Nga đang chế tạo máy bay không người lái do thám theo giấy phép của Israel, và Moskva hoàn toàn thiếu hụt năng lực máy bay không người lái tấn công. Nga cũng đang nỗ lực hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, đóng vai trò xử lý thông tin từ thực địa và cung cấp cho binh lính.

Đối mặt với lệnh cấm vận của phương Tây, Nga cũng đang cố gắng phát triển máy bay không người lái của riêng mình và thu hẹp khoảng cách công nghệ trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô cũ không chỉ khiến Moskva suy yếu về mặt lãnh thổ, con số binh lính, mà còn sụt giảm các nhà cung cấp quân sự./.

Tin mới