Hé lộ phiên tòa “đặc biệt” xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm

Ngày mai (8/1), TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC.

Ông Đinh La Thăng bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ở khung hình phạt có mức án từ 10 đến 20 năm tù. Trong khi đó, đồng phạm của ông Thăng là Trịnh Xuân Thanh, ngoài tội danh nêu trên còn bị truy tố thêm một tội danh khác là tham ô tài sản, có khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Phòng xử nơi sẽ diễn ra phiên tòa ngày 8/1.
Phòng xử nơi sẽ diễn ra phiên tòa ngày 8/1.

Chỗ ngồi của thư ký phiên tòa.
Chỗ ngồi của thư ký phiên tòa.

Hội đồng xét xử có năm người, gồm thẩm phán chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự) và ba hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, Tòa Hà Nội cũng bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết.  

Đặc biệt, phiên tòa có 3 kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, gồm Phó viện trưởng VKSND TP. Hà Nội Đào Thịnh Cường và hai kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Minh Đồng, Nguyễn Mạnh Thường. VKSND TP. Hà Nội cũng bố trí hai 2 kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.

Phiên xử dự kiến có hơn 40 luật sư tham gia phiên tòa. Trong đó, ông Đinh La Thăng mời 3 luật sư, gồm luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng.

Ông Trịnh Xuân Thanh mời 9 luật sư bào chữa, tuy nhiên đến chiều 5/1, hai luật sư thuộc Công ty luật Viên An đã có thông báo đến tòa Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thanh trong vụ án này. Luật sư cho biết lý do xin rút do không có đủ thời gian thu thập, nghiên cứu hồ sơ tài liệu nên không thể bảo vệ tốt nhất cho ông Trịnh Xuân Thanh và ông Thanh đã đồng ý.

Vụ án được đưa ra xét xử có 2 nguyên đơn dân sự (người bị hại) là PVN và PVC. Tòa dự kiến triệu tập bảy người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hơn 31 người làm chứng và sáu người tham gia giám định.

Chỗ ngồi của các bị cáo.
Chỗ ngồi của các bị cáo.

Đáng chú ý, phiên tòa sẽ áp dụng quy định mới về bố trí phòng xử án theo Thông tư 01 của TAND Tối cao (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Theo đó, luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang hàng với đại diện VKS. Các bị cáo có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện VKS.  Theo quy định mới, phòng xử không còn vành móng ngựa, khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục khai báo hoặc bàn.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 5/1, gia đình ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động đến Cục THADS TP. Hà Nội tự nguyện  nộp khắc phục hậu quả số tiền hai tỉ đồng.

Ngoài ra, gia đình hai bị cáo khác trong vụ án là Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) và Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC) cũng tới nộp số tiền là 2 tỉ đồng và 1,3 tỉ đồng. Tổng số tiền gia đình 3 bị cáo chủ động nộp tại Cục THADS TP. Hà Nội là 5,3 tỉ đồng.

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng và 13 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền gần 120 tỉ đồng. Trịnh Xuân Thanh và 9 bị cáo khác bị cáo buộc chiếm đoạt trên 13 tỉ đồng do PVC có trách nhiệm quản lý, trong đó Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỉ đồng và phải liên đới chịu trách nhiệm về 1,5 tỉ đồng đã sử dụng chung cùng với 3 bị cáo khác.

Đây là phiên tòa đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận, khi lần đầu tiên một cựu Ủy viên Bộ Chính trị phải ra hầu tòa. Danh sách phóng viên đăng ký tham dự phiên tòa rất đông, tuy nhiên, mỗi báo chỉ được cấp một thẻ (cho một phóng viên) tham dự đưa tin.

Các bị cáo trong vụ án :

Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái :

1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN)

2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC).

3. Phùng Đình Thực (Nguyên TGĐ PVN).

4. Nguyễn Quốc Khánh (Nguyên Phó TGĐ PVN).

5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN)

6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC).

7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN).

8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN)

9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2).

10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2).

11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC).

12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC).

13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC).

14. Trương Quốc Dũng (Nguyên phó TGĐ PVC).

Nhóm bị cáo phạm tội tham ô

15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC).

16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC).

17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng).

19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa)

Chồng: Nguyễn Thành Quỳnh (cũng là bị cáo trong vụ án).

20. Nguyễn Đức Hưng (Nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch)

21. Lê Xuân Khánh (Nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch)

22. Nguyễn Lý Hải (Nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch).

Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận bị truy tố về cả hai tội danh trên.

 
 

Tin mới