Hệ lụy của việc mở trường đại học tràn lan

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những nội dung được các đại biểu kiến nghị tại Hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức chiều 1/10.
a
Chiều 1/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Thanh Lê

Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học để giải quyết những bất cập, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, phát triển giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển trong tình hình mới.

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật Giáo dục Đại học, bà Bùi Thị Thu Hương – nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn, nên quy định rõ về chính sách xã hội hóa giáo dục đại học để phát triển các trường tư thục; không được đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp; không thương mại hóa giáo dục, làm rõ khái niệm cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho mô hình này.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

“Hệ thống trường đại học còn manh mún, hiệu quả các trường đại học tư thục chưa cao. Đây là vấn đề được cử tri phản ánh qua các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.  Việc thành lập quá nhiều trường đại học nhưng không tuyển sinh được. “Bất cập đang diễn ra hiện nay đó là chúng ta kỳ vọng muốn mở ra nhiều trường đại học nhưng lại muốn tăng chỉ tiêu đào tạo nghề”- bà Hương nói.

Cho ý kiến về Điều 16 Luật Giáo dục đại học, bà Hương đề nghị cần quy định hội đồng trường, dự thảo lần này quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với luật trước đây, "vấn đề là phải làm rõ mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu, hiệu trưởng nhà trường. Đề nghị cần làm rõ hơn về quy định tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường”- bà Hương nói.

PGS.TS Thái Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Ảnh Thanh Lê
PGS.TS Thái Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Ảnh Thanh Lê

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Liên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Nghệ An đề nghị, Dự thảo Luật nên có quy định mức trần học phí.

Vấn đề tự chủ, theo bà Liên cần để các trường tự chủ gắn với quy hoạch và kế hoạch chung của Chính phủ; đào tạo phù hợp với nhu cầu đào tạo lao động của xã hội. Bởi một thực tế hiện nay đang diễn ra là tình trạng lãng phí trong việc mở trường, đào tạo sinh viên ồ ạt, không có định hướng dẫn đến hệ lụy số sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan.

Xung quanh vấn đề này, bà  Quế Thị Trâm Ngọc - Trưởng Phòng Xây dựng Văn bản, Sở Tư pháp phản ánh tình trạng mở trường tràn lan, chất lượng các trường đại học tư thục chưa đồng bộ, trường mở ra nhiều nhưng không tuyển sinh được.

"Vấn đề đặt ra do không không có người học nên nhiều trường tuyển sinh để có chỉ tiêu, đầu vào một số trường đại học quá thấp dẫn đến hệ lụy chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan hành chính còn hạn chế. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định “cứng” về quy hoạch mạng lưới trường đại học"- bà Ngọc kiến nghị.

Bà Bùi Thị Thu Hương- Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Ảnh Thanh Lê
Bà Bùi Thị Thu Hương - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Ảnh Thanh Lê

Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu.

Liên quan các góp ý của các đại biểu sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có ý kiến thảo luận, góp ý tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Tin mới