Hệ lụy sau nhiều vụ vỡ hụi tiền tỷ ở Đô Lương

(Baonghean.vn) - Ngày 17/12, Đại tá Thái Khắc Thống - Trưởng Công an huyện Đô Lương, cho biết đơn vị đã có văn bản trả lời về việc người dân tố cáo bà Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi, xã Đại Sơn), vay nợ, không chịu đóng tiền hụi. “Sau khi tìm hiểu, công an xác định vụ việc thuộc tranh chấp dân sự nên gửi văn bản tới người dân đề nghị họ gửi đơn tới tòa án để được giải quyết”, đại tá Thống nói.

Theo đơn tố cáo, hơn một năm trước, bà Nhung xin tham gia vào phường hụi do bà Nguyễn Thị Hồng (49 tuổi, xóm 10, xã Trù Sơn), làm chủ. Phường hụi này gồm gần 120 thành viên ở 4 xã Trù Sơn, Đại Sơn, Hiến Sơn và Mỹ Sơn tham gia. Thời gian đầu, bà Nhung giao nộp phường đầy đủ. Tuy nhiên, đến tháng 8 vừa qua, sau khi bốc phường lấy số tiền hơn 2 tỷ đồng, bà Nhung lại rút.

Phường hụi do bà Hồng làm chủ có gần 120 thành viên ở 4 xã tham gia.
Phường hụi do bà Hồng làm chủ có gần 120 thành viên ở 4 xã tham gia.

“Khi các hộ khác đến lượt bốc thì bà Nhung không chịu trả nợ. Trừ khoản trước đó đã đóng vào phường theo định kỳ thì số tiền mà bà Nhung đã chiếm dụng của các thành viên là hơn 1,2 tỷ đồng”, chủ phường nói và cho hay, đã nhiều lần các thành viên tổ chức họp và thống nhất đến nhà đòi tiền nhưng bà Nhung cố tình không trả và còn thách thức, thậm chí người nhà bà này còn cầm gậy hành hung, đe dọa họ.

Đây là lần thứ 3 trong vòng một năm qua, phường hụi do bà Hồng làm chủ bị vỡ. Tổng số tiền của 3 lần này lên đến hơn 7 tỷ đồng. “Ngoài ra còn có nhiều vụ khác nhưng đa số người xù nợ xin khất. Thấy họ khó khăn, có thái độ tin tưởng, lại bị vỡ nợ thật nên các thành viên trong phường không đòi gấp. Còn những trường hợp bốc tiền phường về rồi cho vay nặng lãi, xây nhà, mua đất như bà Nhung thì không chấp nhận được”, ông Nguyễn Thụy Tâm (65 tuổi, xóm 10, xã Trù Sơn), nói và đề nghị cơ quan chức năng đình chỉ các giao dịch của bà Nhung nhằm ngăn chặn bà này tẩu tán tài sản. Hơn 2 năm trước, gia đình ông Tâm dành dụm tiền để hàng tháng đóng vào phường. Số tiền đến nay ông đã đóng lên đến hơn 200 triệu nhưng chưa đến lượt bốc thì phường bị vỡ.

Các thành viên tập trung ở nhà chủ hụi để ký tên vào đơn kiện bà Nhung.
Các thành viên tập trung ở nhà chủ hụi để ký tên vào đơn kiện bà Nhung.

Không bị mất số tiền lớn như ông Tâm nhưng hơn 40 triệu đồng đối với gia đình chị Nguyễn Thị Long (44 tuổi, xã Trù Sơn), là cả một gia tài. Hai vợ chồng chỉ có vài sào ruộng ít ỏi, quanh năm quần quật cũng chỉ mong đủ ăn. Trong khi đó, người con trai bị bệnh động kinh, muốn chữa trị phải có một số tiền lớn. Không biết lấy đâu ra số tiền này, chị Long quyết định vay mượn mỗi tháng 7 triệu đồng để chơi hụi với mong muốn sẽ nhận một khoản lớn để mang con đến viện.

Tuy nhiên, chỉ mới tham gia được nửa năm thì xảy ra vụ việc. “Giờ không biết làm phải làm thế nào. Mất tiền còn khiến vợ chồng bất hòa. Không chỉ với gia đình tôi, bây giờ ở đây vợ chồng nhà nào cũng suốt ngày cãi cọ, chỉ vì phường hụi”, chị Long nức nở.

Ông Đặng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, Nhung không chỉ tham gia vào phường do bà Hồng làm chủ mà còn đóng hụi ở nhiều nơi. Sau khi bốc tiền phường ở chỗ này, Nhung lại đóng chỗ khác. Ngoài ra Nhung còn dùng khoản tiền này làm nhà, mua ôtô. “Nhung cũng hoạt động như một ngân hàng. Ai gửi tiền lấy lãi cô ta cũng nhận. Rồi cô ta lại lấy số tiền đó cho người khác vay nặng lãi. Vừa là con nợ nhưng cũng vừa là chủ nợ. Tuy nhiên, đến khi các con nợ không thể trả, Nhung bắt đầu lâm vào cảnh vỡ nợ”, ông Toàn nói.

Do việc đóng phường hụi không hề thông qua một cơ quan quản lý nào nên  chính quyền địa phương không có con số thống kế chính xác về những trường hợp vỡ hụi. Tuy nhiên, theo ước tính của ông Toàn, chỉ riêng xã Đại Sơn đã có khoảng 50 người tương tự như trường hợp của Nhung, với số tiền nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

"Ở Đại Sơn chưa phải là nhiều, còn rất nhiều trường hợp vẫn chưa bị bung ra. Trong đó có cả những công chức cũng tham gia. Phần lớn các vụ vỡ hụi không đủ yếu tố để khởi tố, không chứng minh được hành vi lừa đảo mặc dù chúng tôi rất muốn xử lý", đại tá Thái Khắc Thống nói và cho rằng chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền tích cực để người dân không tham gia chơi phường cũng như cho vay lấy lãi vì nguy cơ rủi ro rất cao./.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới