Hệ lụy từ trâu bò thả rông trên đường N5 và D4

(Baonghean.vn) - Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra giữa người điều khiển phương tiện giao thông với gia súc đã xảy ra. Và hầu hết những vụ việc đó, người điều khiển phương tiện chịu “thiệt hại kép”, trong khi người chủ của gia súc không bị xử lý, dù họ sai.

Thiệt hại kép

Trong những tháng vừa qua, trên các cung đường N5 và D4 của tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do trâu, bò của người dân thả rông, nghênh ngang trên các tuyến đường.

Điển hình, trong tháng 8/2021, một chiếc xe tải của Tập đoàn Xi măng The Vissai đang lưu thông trên đường N5, đoạn qua xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc đã đâm phải 3 con trâu thả rông trên đường. Hệ quả là 3 con trâu bị chết, xe tải bị hư hỏng nặng, một số chuyến vận chuyển Clinker của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam từ Nhà máy Xi măng Đô Lương đến Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết bị gián đoạn. Mặc dù, lực lượng chức năng đã có mặt để giải quyết vụ việc nhưng cuối cùng, phía chịu thiệt là lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, cho dù trâu thả rông như vậy, xét theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật là chủ sở hữu trâu sai. Vụ việc trên, lái xe tải phải đền cho chủ những con trâu đó gần 100 triệu đồng.

Vụ tai nạn giữa xe tải Công ty CP Xi măng Sông Lam với 3 con trâu thả rộng trên đường N5 xảy ra trong tháng 8/2021. Lái xe đã phải đền bù gần 100 triệu cho người chủ sở hữu trâu. Ảnh Lai Văn
Vụ tai nạn giữa xe tải Công ty CP Xi măng Sông Lam với 3 con trâu thả rông trên đường N5 xảy ra trong tháng 8/2021. Lái xe đã phải đền bù gần 100 triệu đồng cho người chủ sở hữu trâu. Ảnh: Lai Võ

Trong vòng 3 tháng qua, một số lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cũng gặp hoàn cảnh tương tự trên trục đường N5 và D4, đoạn qua xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết.

Anh Vũ Văn Lai – Giám đốc logistic (quản lý đội xe) công ty cho biết: Tất cả các xe của công ty đều gắn camera hành trình, nên những vụ việc va chạm, tai nạn giao thông đều cho thấy được ai đúng, ai sai. Riêng các vụ tai nạn do trâu bò, đều do gia súc thả rông, chạy qua đường quá bất ngờ. Nhiều lái xe đã tránh được, nhưng có những vụ không thể tránh, vì nếu tránh sẽ gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Những vụ việc như vậy, người dân là chủ trâu bò lại chưa nhận ra sai mà còn đòi bồi thường cao. Có những vụ, lái xe phải đền bù gần trăm triệu, như vậy mất luôn thu nhập cả 1 năm công tác. Công ty và anh em lái xe đang phải “dĩ hòa vi quý” vì đơn vị hoạt động lâu dài trên địa bàn. Nhưng về lâu dài, đề nghị các cấp, ngành liên quan cần có giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo an toàn sản xuất của công ty…

Hình ảnh này thường bắt gặp trên đường N5 và D4 Ảnh chụp từ ca-bin xe tải Công ty Cp Xi măng Sông Lam. Ảnh Lai Võ
Hình ảnh này thường bắt gặp trên đường N5 và D4. Ảnh chụp từ ca-bin xe tải Công ty CP Xi măng Sông Lam. Ảnh: Lai Võ

Không chỉ riêng lái xe Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam bị “thiệt hại kép” khi phương tiện húc phải trâu bò, mà rất nhiều người gặp cảnh tương tự. Khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng kịp thời có mặt, nhưng rồi cuối cùng trở về phương án hòa giải dân sự và người điều khiển phương tiện thường phải hỗ trợ, đền bù cho chủ sở hữu gia súc, mặc dù xét cặn kẽ theo quy định pháp luật thì chủ sở hữu gia súc sai. Rất nhiều người đặt câu hỏi: Trâu bò, gia súc thả rông gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm? Nhiều quy định pháp luật được đối chiếu, nhưng xem ra việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này chưa nghiêm.

Trong diễn biến liên quan, sáng 30/10/2021, lại một vụ tại nạn giao thông giữa xe tải và 2 con bò thả rông trên đường D4, đoạn qua xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) và người dân đã ra chặn xe đòi bồi thường…

Người dân lùa trâu gây cản trở giao thông trên đường N5. Clip do lái xe Cty CP Xi măng Sông Lam ghi

Cần tăng cường xử lý theo pháp luật

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn (khoản 1 Điều 34); Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới (khoản 2 Điều 34); Không được thả rông súc vật trên đường bộ (điểm c Khoản 2 Điều 35).

Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Điểm d, đ Khoản 1 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người chăn dắt gia súc sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông.

Còn theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, chủ sở hữu để gia súc gây tai nạn nghiêm trọng, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 – 10 năm. Chủ sở hữu súc vật hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Bò chặn đường đi của xe tải trên đường N5. Ảnh Nhật Lân
Bò chặn đường đi của xe tải trên đường N5. Ảnh: Nhật Lân

Trở lại những vụ việc cụ thể tai nạn do trâu bò gây ra trên đường N5 và D4, ông Lê Đăng Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) cho biết thêm: Trên địa bàn xã có đường D4 đi qua. Những tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 2 vụ trâu, bò thả rông trên đường D4 gây tai nạn với xe tải của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Khi tai nạn xảy ra, chính quyền, lực lượng chức năng đã có mặt, lập biên bản sự việc. Nếu xét cụ thể theo quy định pháp luật, chủ sở hữu trâu bò sai, thậm chí phải đền bù cho phương tiện trong vụ tai nạn. Thế nhưng, vì nhiều lẽ, phía lái xe và Công ty cổ phần Sông Lam đã đền bù cho người dân có gia súc trong vụ tai nạn. Như thế cũng tội anh em lái xe và công ty.

Xã Nghi Thiết đã thống kê có 33 hộ thường xuyên chăn thả trâu, bò dọc đường D4 và tăng cường tuyên truyền, ký biên bản cam kết không vi phạm các quy định pháp luật. Xã cũng đề nghị các lực lượng chức năng xử lý nghiêm nếu chủ sở hữu gia súc vi phạm, để trâu bò thả rông, ảnh hưởng đến giao thông.

Anh Võ Văn Lai – Giám đốc logistic (quản lý đội xe) Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cũng phản ánh: Mỗi ngày, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam phải vận hành gần 300 chuyến xe tải chở Clinker từ Đô Lương về Nghi Thiết (Nghi Lộc) trên đường N5, D4 và một đoạn trên tuyến Quốc lộ 1A. Lâu nay, tình trạng trâu, bò thả rông trên tuyến N5 và D4 đã gây bức xúc cho các lái xe. Đáng tiếc đã có nhiều vụ tai nạn do trâu bò như đã nêu. Chúng tôi đề nghị các cấp ngành, đặc biệt là huyện Đô Lương và Nghi Lộc phối hợp để hạn chế tình trạng người dân thả rông trâu, bò gây cản trở giao thông trên tuyến N5 và D4. Điều đó, góp phần vừa đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến vừa đảm bảo an toàn sản xuất.

Tin mới