Hệ thống chế biến nông sản: Yếu và thiếu

(Baonghean) - ở tỉnh ta, Ngoài một số sản phẩm cây công nghiệp như mía, chè, cao su... đã có nhà máy chế biến trên địa bàn thì hầu hết các sản phẩm nông nghiệp còn lại vẫn đang tiêu thụ dạng “thô”, nên giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản đạt thấp và chưa kích thích mở rộng sản xuất.
Đầu ra bấp bênh
Vụ xuân 2014 vừa qua, gia đình bà Hoàng Thị Nhã, xóm 12, xã Nghi Long (Nghi Lộc) trồng 2 sào lạc, thu được gần 4 tạ lạc củ. “Năng suất như vậy là cao rồi, nhưng chúng tôi không vui vì giá xuống quá thấp. Những năm 2011- 2012, lạc nhổ xong, bán tươi ngay tại ruộng cũng đã có giá 14 - 16 nghìn đồng/kg, còn năm nay chỉ bán được 8.000 - 9.000 đồng/kg…” - Bà Nhã chia sẻ. Đó cũng là “hoàn cảnh” chung đối với cả vùng nguyên liệu lạc của tỉnh trong vụ xuân vừa qua. Thực tế, hầu hết các loại nông sản còn đang hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do, giá cá lên xuống bấp bênh. Người nông dân thực sự mong chờ vào hoạt động chế biến nông sản nhằm đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Được xem là vùng kinh tế năng động, mỗi năm Diễn Châu sản xuất được 12 nghìn tấn lạc, trong đó, một phần lạc đông dùng để làm giống, còn lại chủ yếu là lạc thương phẩm vụ xuân. Ngoài ra, địa phương này có trên 4.000 ha ngô, gần 10.000 ha lúa, trên 500 ha rau màu các loại. Lượng nông sản hàng năm được sản xuất ra rất lớn. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành hệ thống cơ sở thu mua, phơi, sấy lạc, ngô để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan. Có những thời điểm, các đơn vị thu mua không chỉ giải quyết đầu ra cho lạc trên địa bàn, mà còn thu gom từ các huyện khác trong tỉnh và tỉnh bạn như: Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa để tạo nguồn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ dừng ở khâu thu mua, tuyển chọn và xuất khẩu thô, chưa qua chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Vì thế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp hạn chế, mỗi vụ sản xuất, bà con luôn bị động đối với khâu tiêu thụ sản phẩm. 
Điệp khúc “được mùa, rớt giá” diễn ra nhiều năm làm cho người nông dân lâm vào cảnh lao đao. Sản phẩm lạc của Diễn Châu năm nay cũng tồn kho khá lớn do thị trường mất ổn định. Bà Hoàng Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, chia sẻ: “Chúng tôi cũng như người dân thực sự mong muốn có hệ thống nhà máy chế biến nông sản. Nhưng tầm của huyện chưa vươn tới được, dù biết nếu xây dựng được một hệ thống chế biến nông sản trên địa bàn, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong tiêu thụ cũng như nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân…”. 
Sơ chế lạc ở Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng (Diễn Châu)
Sơ chế lạc ở Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng (Diễn Châu)
Là địa phương nằm sát Thành phố Vinh, nên Hưng Nguyên có khá nhiều thuận lợi trong chế biến và tiêu thụ nông sản. Mỗi năm Hưng Nguyên sản xuất 500 ha lạc, sản lượng bình quân đạt xấp xỉ 2,5 tấn/ha, cùng khoảng 62 nghìn tấn lúa. Trên địa bàn huyện hiện có 5 xã là Hưng Xuân, Hưng Xá, Hưng Long, Hưng Lĩnh và Hưng Lam chuyên sản xuất dầu lạc, trong đó, tại Hưng Xuân đã được công nhận làng nghề với sản phẩm có thương hiệu; hàng năm, các làng nghề tiêu thu mua hết sản phẩm lạc trên địa bàn huyện. Mỗi năm, bình quân thu nhập trong làng nghề lên đến 50 - 70 triệu đồng/hộ, những gia đình làm thời vụ cũng có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/vụ. Trên địa bàn Hưng Nguyên còn có các làng nghề nấu rượu ở Hưng Châu và Hưng Tân… cũng góp phần tích cực tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đồng thời mở ra nhiều cơ hội về việc làm và thu nhập cho lao động. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, dù có những chuyển biến tích cực như vậy nhưng tất cả các cơ sở chế biến hầu hết tự phát, quy mô nhỏ, chưa thể đảm bảo sự bền vững, chưa vươn tới trong dân và chưa thể giải quyết tốt nhu cầu bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn, đặc biệt là với sản phẩm vụ đông. “Nếu có hệ thống chế biến, tiêu thụ tốt, chúng tôi sẽ còn mở rộng được diện tích sản xuất, cũng như đưa thêm những loại giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn vào sản xuất…” - ông Trường khẳng định.
Cần đầu tư cho chế biến
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, mỗi năm Nghệ An sản xuất trên 950 nghìn tấn lúa, trong đó 650 nghìn tấn là để tự tiêu dùng trong nội địa, còn lại 300 nghìn tấn đưa vào lưu thông trên thị trường. Vụ đông hiện tại có trên 10 nghìn ha ngô, đậu và rau màu các loại, kế hoạch vụ xuân có từ 17 - 18 nghìn ha ngô. Lượng sản phẩm theo thống kê được nâng lên hàng năm nhờ vào cải tiến về giống và ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tuy nhiên, việc chế biến, tiêu thụ lượng nông sản này trên địa bàn vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập. Chỉ có một vài cơ sở chế biến nhỏ lẻ, tự phát ở một số huyện như: bún bánh, kẹo, tương, xay xát… và chưa có xí nghiệp, nhà máy chế biến nông sản. Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Hồ Ngọc Sỹ trăn trở: “Nếu các sản phẩm cây công nghiệp cơ bản đã được đáp ứng về nhu cầu chế biến, thì các loại nông sản trong trồng trọt hầu như vẫn còn bỏ ngỏ, lĩnh vực này vừa yếu, vừa thiếu sự quan tâm của doanh nghiệp. Chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, thì cần có những cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp gắn kết với nông dân tham gia vào việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên thị trường lúa gạo, hiện mới có Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An và Công ty TNHH Vĩnh Hòa quan tâm đầu tư, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, còn lại người dân vẫn đang tự bảo quản và bán thô với mức giá không cao...”. 
Theo ông Trương Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, thì từ vụ xuân 2012, đơn vị bắt đầu đứng ra liên kết với các địa phương và nông dân xây dựng các cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, với tổng diện tích gần 1.500 ha. Hàng năm, đơn vị cam kết thu mua hết sản phẩm cho nông dân, xây dựng nhà máy xay xát ở Nghi Lộc, với lượng sản phẩm hàng năm khoảng 400 tấn gạo, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn Nghệ An và Hà Nội… Tuy nhiên, do chưa thể mở rộng thị trường tiêu thụ nên đơn vị cũng chưa thể vươn lên thu mua nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp khác. 
Để có thể giải quyết bài toán khó về chế biến, nâng cao giá trị nông sản, đòi hỏi vào sự điều hành hiệu quả hơn từ các cấp, ngành trong quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dây chuyên chế biến gắn với các vùng nguyên liệu. Bên cạnh những giải pháp khuyên khích sản xuất sản phẩm nông nghiệp tập trung thành nguồn hàng lớn, tỉnh cần có các chính sách thu hút đủ hấp dẫn các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động đó vừa đem lại lợi nhuận cho chính doanh nghiệp, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bài, ảnh: Phú Hương

Tin mới