Hệ thống tên lửa 9M729 gây tranh cãi của Nga

(Baonghean.vn) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đã gia tăng sức ép đối với Nga liên quan cáo buộc Moskva vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Liệu chúng ta biết gì về tên lửa của Nga giữa trung tâm các cáo buộc này?

Tranh cãi hiện nay giữa Nga và phương Tây xoay quanh hệ thống tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729 (tên định danh NATO gọi là SSC-8). Mỹ thời gian gần đây đã chia sẻ thông tin tình báo về hệ thống vũ khí này với phía NATO.

Hãng chế tạo tên lửa Novator, thuộc tập đoàn chế tạo vũ khí quốc doanh của Nga có tên Almas-Antei, trong quá khứ đã phát triển tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ biển, cùng một tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân tối tân. 

Hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: Reuters
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: Reuters

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats là người đầu tiên cung cấp chi tiết kỹ thuật của hệ thống tên lửa 9M729 hồi cuối tháng 11 vừa qua, cho rằng Nga đã bắt đầu phát triển tên lửa vào giữa những năm 2000.

Novator được giao nhiệm vụ chế tạo một hệ thống vũ khí "tương tự" như các hệ thống tên lửa đang được phát triển vào thời điểm đó, ví dụ như tên lửa Iskander chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Tên lửa đạn đạo Iskander và rốc-két Kalibr được dẫn đường có thể đóng vai trò là mô hình cơ bản cho hệ thống vũ khí mới.

Ông Coats nói, Nga đã thực hiện chương trình thử nghiệm tên lửa tinh vi cho tới năm 2015. Hiệp ước INF cho phép các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm xa nhất định được thử nghiệm trên bộ, miễn là các hệ thống này được thiết kế để sử dụng trong lực lượng hải quân và không quân.

 Ông Coats cáo buộc Nga lợi dụng điều khoản này để che giấu mục đích thực sự của việc phát triển hệ thống tên lửa 9M729. Nhà báo kiêm chuyên gia phân tích quân sự của Nga, ông Alexander Golz nhận xét: "Nếu tuyên bố của ông Coats là chính xác, thì rõ ràng Nga đã cố che giấu âm mưu của nước này trong việc thử nghiệm một tên lửa trên bộ với tầm bắn bị cấm theo hiệp ước INF". Chuyên gia này tin rằng cáo buộc của Mỹ là đáng tin cậy. 

Trong khi đó, ông Steven Pifer, một chuyên gia giải trừ quân bị tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) cho hay: "Tôi nghi ngờ phía Nga sẽ vi phạm hiệp ước chỉ để phát triển một tên lửa vượt quá tầm bắn 500 km. Tôi từng đo tầm bắn của nó là 2.000 km nhưng đây mới chỉ là ước tính".

Phía Washington tin rằng hệ thống tên lửa mới của Nga có thể sẵn sàng để triển khai. Giới quan sát của Mỹ nhận định, các tên lửa được Nga phóng thử rất giống với các hệ thống vũ khí hiện tại: cơ động và khó phát hiện.

Hồi tháng 12/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của hệ thống tên lửa 9M729. Tuy nhiên, bà khẳng định, Nga không phát triển hay thử nghiệm bất kỳ hệ thống vũ khí nào vi phạm các điều khoản của hiệp ước INF./. 

Tin mới