Hiện thực hóa giấc mơ đôi chân lành lặn cho người đàn ông 30 năm đi tập tễnh

(Baonghean.vn) - Với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước, vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Vinh đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị trật khớp háng bẩm sinh, 30 năm phải đi trên đôi chân tập tễnh.
Ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân N.Đ.T. Ảnh: Kim Chung
Ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân N.Đ.T. Ảnh: Kim Chung

Trật khớp háng bẩm sinh là hiện tượng ổ cối xương chậu hay chỏm xương đùi phát triển không bình thường, từ lúc trẻ còn trong bào thai. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể bị trật khớp háng do sốt bại liệt, do bại não dẫn đến co thắt cơ… Nếu không được điều trị kịp sớm, trật khớp háng bẩm sinh sẽ dẫn đến tình trạng vẹo cột sống, lệch khung chậu, thoái hóa khớp, đi khập khiễng suốt đời.

Suốt hơn 30 năm bước đi trên đôi chân tập tễnh do chân trái ngắn hơn chân phải 5cm, anh N.Đ.T (Nam Đàn, Nghệ An) không những mặc cảm trong giao tiếp, gặp bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà gần đây anh còn bị cơn đau khớp háng trái liên tục tái phát, hành hạ.

Anh T đến Bệnh viện Quốc tế Vinh thăm khám và được tiến hành chụp X-Quang, CT Scanner dựng hình 3D; cho thấy hình ảnh thoái triển khớp háng trái do trật khớp háng bẩm sinh độ 4 theo phân loại CROWE (chỏm xương đùi teo nhỏ và trượt hoàn toàn khỏi ổ cối, ổ cối phẳng, xương đùi teo nhỏ, lỏng tủy teo nhỏ so với bên đối diện).

Đây là một ca khó, phức tạp đòi hỏi các bác sĩ hội chẩn, đo lường, thảo luận kỹ với các chuyên gia cũng như với gia đình và người bệnh trước khi tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật viên cần chọn những bộ khớp đặc thù, phù hợp với kích thước nhỏ của lòng tủy xương đùi và có thể phải cắt ngắn xương đùi, ghép xương ổ cối. Bên cạnh đó, bác sĩ phải tạo hình ổ cối đúng vị trí giải phẫu vốn có của người bệnh, đặt chỏm xương đùi khớp với ổ cối, phục hồi hai chân bằng nhau sao cho cân bằng phần mềm xung quanh khớp háng, nhất là mạch máu và thần kinh vốn đã quen với tình trạng co rút ngắn. Vì vậy, nguy cơ người bệnh liệt thần kinh ngồi (tọa) sau phẫu thuật rất cao.

Hình ảnh chụp X-Quang của bệnh nhân T trước và sau phẫu thuật.
Hình ảnh chụp X-Quang của bệnh nhân T trước và sau phẫu thuật.

Nhưng nhờ sự phối hợp hội chẩn liên hoàn với các chuyên gia Ngoại chấn thương - Cơ xương khớp tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ Giáo sư Miguel Cabanela - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thay khớp Hoa Kỳ - Viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên chỉnh hình (bậc thầy của các chuyên gia về tạo hình khớp háng, gối của Việt Nam), ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh do bác sỹ CKI Trần Văn Thuyên trực tiếp thực hiện tạo hình ổ cối, đặt lại khớp háng, giải phóng phần mềm cho bệnh nhân.

Sau khi kiểm tra thần kinh tọa không căng, bác sĩ quyết định không cắt ngắn xương đùi. Sau 90 phút, ca phẫu thuật diễn ra thành công, hai chân bằng nhau, mạch máu và thần kinh bình thường. Sau phẫu thuật người bệnh được hướng dẫn tập phục hồi chức năng để làm quen với khớp hàng mới.

Hinh ảnh đôi chân người bệnh trước và sau phẫu thuật.
Hình ảnh đôi chân anh T trước và sau khi đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: Kim Chung

Sau khi được phẫu thuật thành công, anh T phấn khởi chia sẻ: “30 năm qua “sống chung” với đôi chân tập tễnh, tôi tưởng đành phải chấp nhận số phận. Nhưng tôi thực sự may mắn được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh tận tình giúp đỡ, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Ban đầu tôi hơi hồi hộp nhưng nhờ những kỹ thuật cao trong y học mà trong quá trình phẫu thuật diễn ra khá nhanh và không quá đau đớn, vật vã, không phải tiêm kháng sinh. Tôi thực sự biết ơn các bác sĩ rất nhiều, đã mang lại cho mình đôi chân lành lặn, vững chãi; để tự tin, vui sống”.

Với các y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh, những người luôn lặng thầm thực hiện “sứ mệnh” chăm sóc sức khỏe nhân dân, có hạnh phúc nào hơn khi góp phần biến ước mơ về một đôi chân lành lặn suốt 30 năm qua của người đàn ông ấy trở thành hiện thực./.

Tin mới