Hiệp hội taxi cả 3 miền kêu cứu Thủ tướng, đề nghị coi Uber, Grab như taxi

Các hiệp hội taxi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị coi Uber, Grab như taxi, đồng thời “tố” những sai phạm trong quản lý Uber, Grab của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo văn bản này, nếu tiếp tục cho thử nghiệm mà không sửa quyết định 24 sẽ khiến hệ thống taxi tan rã. Hiện, chỉ riêng TP.HCM đã có 1/2 số đơn vị taxi thành viên tan rã, những đơn vị còn lại đã giảm 30% số xe. Hà Nội cũng đã giảm trên 35% đầu phương tiện taxi.
Ba hiệp hội taxi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải dừng gia tăng số lượng phương tiện đang hoạt động thí điểm vì quá nhiều. Không mở rộng các tỉnh, thành phố ngoài phạm vi thí điểm. Grab, Uber phải là đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách (taxi đặt xe qua mạng), do vậy phải ký hợp đồng trực tiếp với lái xe và chịu trách nhiệm giải quyết mọi phát sinh với khách hàng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Đồng thời, phải xây dựng bộ nhận diện riêng cho phương tiện thí điểm, các doanh nghiệp này phải đặt máy chủ ở Việt Nam kết nối với cơ quan quản lý nhà nước...
Hiệp hội taxi cả 3 miền đề nghị dừng số lượng phương tiện thí điểm
Hiệp hội taxi cả 3 miền đề nghị dừng số lượng phương tiện thí điểm.
Theo các hiệp hội taxi, Bộ Giao thông Vận tải cố tình sai sót không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm, dù UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu khống chế số lượng, dẫn tới số lượng xe hợp đồng thí điểm đã tăng chóng mặt, lên con số 60.000 xe.
Tại Hà Nội, hiện có 19.265 xe taxi và khoảng 30.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi, vượt xa so với quy hoạch taxi của thành phố (đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 25.000 xe nhưng hiện đã có trên 49.000 xe). Tương tự, TP.HCM hiện có 11.060 xe taxi và khoảng 33.000 xe hợp đồng hoạt động như taxi (quy hoạch của TP.HCM đến 2020 có 12.700 xe nhưng hiện nay đã trên 44.000 xe).
Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng cho rằng, theo kế hoạch thí điểm, các phương tiện sẽ được dán logo riêng để phân biệt, nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại giao cho Uber, Grab được tự tạo và cấp phát logo. Các doanh nghiệp này không đưa ra quy chuẩn nhận diện khiến thanh tra giao thông không nhận biết được, cơ quan quản lý cũng không nắm được số lượng xe chính thức.
Ngoài ra, tại một số địa phương, dù chưa được cho phép hoạt động như Đà Nẵng, nhưng Uber, Grab vẫn đang hoạt động trái phép.
Tiếp tục nhấn mạnh vào việc gây thất thu cho ngân sách nhà nước, các Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho rằng, với số phương tiện lên đến hơn 60.000 xe, nhưng số nộp ngân sách của cả Uber và Grab trong suốt gần 4 năm (2014 đến tháng 10.2017) chỉ 285 tỉ đồng, tương đương 9 tháng 2017 của hãng taxi Vinasun, trong khi số lượng xe của Vinasun là hơn 5.000 xe.
“Nếu tính theo mức thuế suất các doanh nghiệp taxi đang phải nộp thì số thuế là 163 tỉ đồng/tháng và 1.963 tỉ đồng/năm. Với 25% doanh thu phía Uber, Grab được hưởng, mỗi năm dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 5.400 tỉ đồng, mỗi ngày 15 tỉ đồng”, văn bản cho hay.
Ngoài ra, nhiều khoảng trống pháp lý cũng khiến quyền lợi khách hàng không được đảm bảo, liên tiếp nhiều sự cố đã xảy ra gần đây liên quan đến Uber, Grab.
“Lỗi” này, theo các hiệp hội taxi nêu trên, do định danh sai Uber, Grab là công ty cung cấp phần mềm kết nối gọi xe thay vì xem như taxi. Bộ Giao thông vận tải không lường trước được các hệ lụy trong thí điểm công nghệ mới, không quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm, chỉ xử phạt vi phạm đối tác Việt Nam, còn Uber, Grab đứng ngoài.

Tin mới