Hiệu quả cây rễ hương trên đồi dốc

(Baonghean) - Một hướng đi mới ở Anh Sơn là đẩy mạnh phát triển cây rễ hương trên đất đồi dốc. Một ha trồng rễ hương đúng kỹ thuật sẽ cho năng suất 20 tấn rễ tươi, với giá hiện tại cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng. 
Đồi đất nhận khoán của gia đình anh Nguyễn Trọng Chín xóm 4, xã Cao Sơn (Anh Sơn) có diện tích gần 2 ha được bao phủ một màu xanh của cây rễ hương. Anh Chín là người “khởi nguồn” cho việc trồng cây rễ hương trên vùng đất Cao Sơn. Cách đây gần 6 năm, sau nhiều năm trăn trở về trồng cây gì để cho có hiệu quả trên vùng đất đồi bạc màu, anh Chín đã có một quyết định táo bạo đó là phá bỏ toàn bộ keo tràm trồng 2 năm tuổi để trồng phủ kín diện tích bằng cây rễ hương.
Anh Chín tâm sự: “Tại thời điểm đó, nhiều người cho tôi là khùng bởi phong trào trồng keo lai đang mạnh thì lại phá bỏ, trong khi đó loại cây rễ hương cũng chưa có mô hình hiệu quả kiểm chứng. Tuy nhiên, theo tính toán của tôi, 1 ha keo lai trồng 6 - 7 năm mới cho thu hoạch cũng chỉ được khoảng 50 triệu đồng, tính ra mỗi năm 1 ha cũng chỉ đạt được không quá 10 triệu đồng; hơn nữa đầu ra lại không ổn định, tiêu thụ bị ép giá, trong khi đó cây rễ hương thị trường rộng mở, nhất là dịp Tết nhu cầu rất lớn nên tôi quyết định phá keo tràm trồng rễ hương”.
Thăm mô hình trồng cây rễ hương tại huyện Anh Sơn.
Thăm mô hình trồng cây rễ hương tại huyện Anh Sơn.
Sau một số vụ trồng cây rễ hương, anh Nguyễn Trọng Chín đã đúc rút được kinh nghiệm, để vườn rễ hương nhanh tốt, cho bộ rễ, củ đạt tiêu chuẩn là phải tuân thủ quy trình xuống giống vào thời điểm trời mát, phải có mưa, bởi loại cây này chịu hạn kém và sau khi cây rễ hương bén rễ nếu có mưa xuống là phải bón phân, vun gốc. Để đất trồng rễ hương không bị thoái hóa, sau một vụ thu hoạch, anh Chín cải tạo lại bằng cách rải đều vôi, cung cấp thêm phân lót hữu cơ vi sinh để tăng độ phì nhiêu cho đất. Nhờ các giải pháp kỹ thuật này mà vườn rễ hương của anh đều đặn năm nào cũng cho hiệu quả cao cả về năng suất, chất lượng; năng suất rễ, củ tươi bình quân đạt 1 tấn/sào, đạt doanh thu 12 triệu đồng. Như vậy, 1 ha đất đồi đã cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng. Ngoài trực tiếp trồng trên toàn bộ diện tích đất nhận khoán gần 2 ha, cách đây gần 2 năm anh Chín còn đầu tư nhà xưởng, máy đập, lò sấy để sơ chế rễ hương và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con trong vùng. Anh Chín cho biết thêm: “Rễ hương rất dễ tiêu thụ, thị trường đang khan hiếm do nhu cầu chế biến của các cơ sở sản xuất hương lớn nên bà con yên tâm về đầu ra, tôi cam kết với bà con trong vùng sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm”.
Từ thực tế mô hình trồng cây rễ hương trên đất đồi dốc cho thu nhập cao của anh Chín, ở xã Cao Sơn có nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng keo hiệu quả thấp, hoặc chè cành (chè Gay) hết chu kỳ sang trồng cây rễ hương như hộ ông Cao Ngọc Cơ trồng 1 ha, Nguyễn Thanh Hùng trồng nhiều nhất đến 3 ha... Ông Phan Viết Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Sơn cho biết: “Từ thực tế cây rễ hương cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất đồi dốc, Đảng ủy, UBND xã đã có nghị quyết, đề án chỉ đạo Hội Nông dân động viên, khuyến khích các hộ dân có đất đồi, có cơ chế hỗ trợ giống, kỹ thuật để nhân rộng một số mô hình, cách trồng rễ hương cho hiệu quả kinh tế cao để các hội viên học tập làm theo. Đến thời điểm này, diện tích trồng cây rễ hương của Cao Sơn đã có trên 30 ha và diện tích còn được nâng lên trong thời gian tới”.
Mô hình phát triển trồng cây rễ hương không chỉ trên vùng đất đồi dốc của xã Cao Sơn mà hiện một số xã khác đang tích cực triển khai như Lĩnh Sơn, Khai Sơn, Long Sơn... HĐND huyện Anh Sơn cũng đã ban hành nghị quyết hỗ trợ phát triển cây rễ hương, cụ thể hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Với sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, bài bản từ huyện đến xã, các mô hình cây trồng hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Anh Sơn từng bước khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế phù hợp với thực tế ở các địa phương.
Hữu Nghĩa  

Tin mới