Hiệu quả lồng ghép truyền thông dân số ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Không chỉ gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện Chính sách Dân số - KHHGĐ. Vì thế, cần thực hiện truyền thông lồng ghép để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Tập trung ở miền núi, vùng cao

Các huyện miền núi, vùng cao chiếm khoảng 2/3 diện tích tỉnh Nghệ An nhưng mức sống lại thấp hơn nhiều so với các huyện vùng đồng bằng. Đặc biệt, một số huyện như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông và Quỳ Châu thu nhập bình quân theo đầu người còn thấp, trình độ dân trí còn hạn chế dẫn đến chất lượng dân số chưa cao.

Đây là những địa phương có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn nhiều và đi kèm bao hệ lụy như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và mang thai ngoài ý muốn. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến hạn chế của công tác truyền thông dân số. Vì vậy, để công tác tuyên truyền thực sự hiệu quả không thể không thực hiện lồng ghép, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Dân số và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương.

Người dân xã Nghĩa Bình - huyện Nghĩa Đàn đăng ký khám sức khỏe sinh sản. Ảnh: Mỹ Hà
Người dân xã Nghĩa Bình - huyện Nghĩa Đàn đăng ký khám sức khỏe sinh sản. Ảnh: Mỹ Hà

Chúng tôi có dịp đến xã Bảo Nam (Kỳ Sơn), nơi có gần 100% đồng bào Khơ mú sinh sống, cũng là xã thuộc diện khó khăn nhất toàn huyện. Anh Phạm Hữu Thanh - viên chức dân số xã cho hay, do trình độ dân trí hạn chế nên hầu như trong các buổi tổ chức truyền thông dân số khả năng tiếp nhận của người dân cũng gặp không ít trở ngại. Có những lúc một vấn đề phải nói đi nói lại nhiều lần nhưng vẫn không hiểu hết, phải giải thích cặn kẽ từng chi tiết, thậm chí phải nhờ người dân bản địa có trình độ làm “phiên dịch”. Do vậy, có lúc, có nơi hiệu quả các buổi truyền thông không cao. Chưa kể, các bản nằm rải rác, có bản cách trung tâm xã nửa ngày đường chạy xe máy, trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp không thể thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông.

Thực tế này buộc Ban Dân số xã phải phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp xã và Ban quản lý các bản lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt.

Tư vấn tuyên truyền về chính sách dân số. Ảnh Mỹ Hà
Tư vấn, tuyên truyền về chính sách dân số sẽ làm chuyển biến nhận thức của bà con nhân dân. Ảnh: Mỹ Hà

Là viên chức dân số, anh Phạm Hữu Thanh luôn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành cấp xã để tổ chức tuyên truyền. Kinh nghiệm của anh là bám sát kế hoạch hoạt động của các ban, ngành để phối hợp lồng ghép tuyên truyền, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt là phối hợp với Hội LHPN xã và các chi hội để tuyên truyền chăm sóc sức khỏe giới tính, các biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh…

Các nội dung này được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt CLB Không sinh con thứ 3. Ngoài tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức truyền thông, việc lồng ghép có thêm lợi thế khi người tuyên truyền là cán bộ hội vừa có kiến thức, vừa truyền đạt được tiếng Khơ mú nên đạt hiệu quả mong muốn.

Cũng như anh Thanh, chị Vi Thị Loan, viên chức Dân số xã Môn Sơn (Con Cuông) cũng thường xuyên phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi để lồng ghép các nội dung tuyên truyền. “Môn Sơn là xã biên giới, địa bàn rộng nên công tác tuyên truyền, phổ biến Chính sách Dân số -KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là hai bản Cò Phạt, Khe Búng ở đầu nguồn sông Giăng, cách trung tâm xã khoảng 20 km, rất khó để tổ chức chương trình truyền thông. Vì vậy, việc phối hợp với các đoàn thể, nhất là Hội LHPN được xem là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất” - chị Loan cho biết.

Hiệu quả từ việc lồng ghép

Có thể nói do điều kiện đặc thù về địa hình, điều kiện sống và trình độ dân trí nên việc tuyên truyền Chính sách Dân số - KHHGĐ chỉ thực sự mang lại hiệu quả lâu dài khi thực hiện lồng ghép. Điều này được chứng minh ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống với tổng số 6 bản và hơn 300 hộ gia đình. Cộng đồng người Mông thường sinh sống trên những đỉnh núi cao và tách biệt với cộng đồng dân tộc khác, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, địa hình cách trở nên việc tiếp nhận thông tin có phần hạn chế.

Ảnh: CK
Trạm Y tế xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) phối hợp với Hội Người cao tuổi xã tổ chức khám sức khỏe và tư vấn nâng cao sức khỏe cho hội viên. Ảnh: CK

Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, Ban Dân số xã Tây Sơn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đặc biệt, phối hợp với các chi hội phụ nữ thành lập CLB Không sinh con thứ 3, tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức và quan niệm của các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 đang có xu hướng giảm, người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai chiếm hơn 83%. Đặc biệt, năm 2016 và 2019 xã được nhận Bằng khen về thành tích xuất sắc đạt tiêu chuẩn xã thực hiện giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 50% trở lên.

Ban Dân số xã Nhôn Mai (Tương Dương) phối hợp với Trạm Y tế xã tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: CK
Ban Dân số xã Nhôn Mai (Tương Dương) phối hợp với Trạm Y tế xã tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: CK

Cũng thuộc địa bàn vùng cao, xã Tam Thái (Tương Dương) có 8 bản với hơn 1.000 hộ (gần 4.200 khẩu), trong đó 95% là đồng bào dân tộc Thái. Tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng người dân nơi đây luôn có ý thức trong việc thực hiện Chính sách Dân số - KHHGĐ.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống theo từng năm với mức bình quân trên dưới 6%, tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 80,5%. Cũng như xã Tây Sơn, năm 2019 xã Tam Thái được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc đạt tiêu chuẩn xã thực hiện giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 50% trở lên.

Theo lời bà Vi Thị Hồng Thắm - viên chức dân số xã Tam Thái, việc thực hiện quả về Chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn một phần nhờ sự phối hợp giữa Ban Dân số và các ban, ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép nội dung tuyên truyền. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh luôn tạo điều kiện để Ban Dân số tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ nên tạo được sức lan tỏa.

Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) phối hợp với các trường học trên địa bàn khám sức khỏe cho các em học sinh. Ảnh: CK
Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) phối hợp với các trường học trên địa bàn khám sức khỏe cho các em học sinh. Ảnh: CK

Như vậy, việc tuyên truyền về Chính sách Dân số - KHHGĐ sẽ được nâng cao hiệu quả khi cán bộ dân số biết cách lồng ghép, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và trường học, trạm y tế trong thực hiện công tác truyền thông. Đặc biệt, xuất phát từ những yếu tố đặc thù, đây là yêu cầu thường xuyên, cấp thiết ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Tin mới